Ngẫm về hình tượng chú chó trong văn chương
(Thethaovanhoa.vn) - Những năm 80 của thế kỷ trước, sách là thứ của hiếm. Cuốn truyện nhỏ mà các ông bố dành tặng cho các cô bé, cậu bé hồi ấy có cái tên khá ấn tượng Lão Hạc. Câu truyện không phức tạp, kể về ông lão nghèo cô đơn làm bạn với một con chó. Tình cảnh khốn quẫn, lão đành bán con chó và cuối cùng tự sát, bởi chỉ có bán chó và chết đi mới khỏi ăn vào chút gia sản ít ỏi mà lão muốn trao lại nguyên vẹn cho con…
- 'Nanh trắng', 'Tiếng gọi nơi hoang dã' của Jack London: Đọc và không thể kìm ý định nuôi chó
- Hỏi đáp về tục thờ chó
- Chuyện ít biết về Laika - cô chó bay vào vũ trụ
Truyện chỉ có thế, nhưng dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn Nam Cao, những biến cố trong đoạn đời này của nhân vật cứ khiến người đọc bao thế hệ day dứt, xót thương khôn nguôi tới tận bây giờ... Nhưng có lẽ đặc biệt nhất, ấn tượng nhất đối với không ít bạn đọc là hình ảnh con chó - người bạn tri kỷ thân thiết, vừa là chỗ dựa tinh thần vừa phần nào là nguyên cớ dẫn đến bi kịch của lão Hạc - cậu Vàng (cái tên được ông lão khốn khổ ấy đặt cho con chó của mình).
Yêu mến con giáp thứ 11 - con giáp hiện thân cho tính cách trung thành này, bạn đọc yêu văn chương chắc cũng không thể quên một loạt các tác phẩm nổi tiếng khác như Trẻ con không được ăn thịt chó của nhà văn Nam Cao, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, Sao không về Vàng ơi của nhà thơ Trần Đăng Khoa đến Con chó và vụ ly hôn của nữ nhà văn Dạ Ngân, Con chó xấu xí của nhà văn Kim Lân và cả Tiếng gọi nơi hoang dã, Nanh trắng của nhà văn người Mỹ Jack London...
Tìm hiểu sâu hơn về loài chó, các nhà khoa học khẳng định chó thuộc loài động vật ăn thịt có thính giác và khứu giác rất phát triển. Theo phân tích AND, thời gian chó sói tiến hóa thành chó nhà từ hơn 13 vạn năm trước và đã gắn bó rất thân thiết với cuộc sống con người. Nhưng quan điểm chung lại cho rằng, chó trở thành bạn thân thiết của con người cách đây mới hơn 1 vạn năm.
Cho đến nay chó cũng được "phân ngành" theo các lĩnh vực hoạt động của con người, như: chó săn, chó giữ nhà, chó chăn cừu (đây là sản phẩm của người Anh), chó làm xiếc, chó dẫn đường, chó kéo xe, chó nghiệp vụ, chó làm thí nghiệm, chó cảnh... Trong đó, chó kéo xe là loài chó rất khoẻ, dẻo dai, có lông và da dày, có thể sống ở nhiệt độ -70 độ và được dùng cả trong những công việc mạo hiểm như thám hiểm Bắc Cực.
Cho đến nay có khoảng hơn 300 loài chó.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người từng được xưng tụng là "thần đồng" thơ, nay là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng có những kỷ niệm rất đẹp về “cậu Vàng” của mình.
Tác giả tập thơ Góc sân và khoảng trời khi còn là cậu bé 8-9 tuổi cũng có tới 2 bài thơ viết về con vật thân yêu của mình. Ông từng chia sẻ những xúc cảm tạo nên 2 bài thơ đó, cả câu truyện cậu Vàng đã trở thành ân nhân của cả gia đình, rồi lại than rằng làm thơ không dễ và “càng viết càng chẳng hiểu nó ra làm sao...".
Con chó là người bạn thân thiết theo suốt tuổi thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa; là bạn tâm giao của lão Hạc, thậm chí có đôi khi ông lão còn coi nó như là đứa cháu nội mà tâm sự, quát nạt hay mắng mỏ.
Giống như trường hợp Con chó xấu xí của nhà văn Kim Lân, Con chó và vụ ly hôn của nhà văn miệt vườn Dạ Ngân cũng là bước ngoặt đánh dấu cột mốc văn nghiệp của chị. Tác phẩm được viết năm 1984, in trên báo Văn Nghệ năm 1985, từng làm nên những xúc cảm mạnh mẽ trong giới phê bình và yêu thích văn học.
Với tác phẩm của mình, nhà văn Dạ Ngân muốn gửi gắm thông điệp tới mọi người rằng một dây trầu bên cửa sổ, một nhánh trường sinh trong bình, một vài bông bất tử trên bàn, một con mèo, một con chó là sự có mặt của thiên nhiên hiền dịu, đưa con người trở về gần với cái nôi của mình. Khám phá con vật để hiểu thêm con người, tự hào hơn và... có khi cũng phải xấu hổ với nó.
Mỹ Bình