Ngẫm từ vụ 'phù phép' điểm thi ở Hà Giang: Cuộc khủng hoảng niềm tin đến từ ngành giáo dục
(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện gian lận thi cử tại Hà Giang đang tạo nên một làn sóng chấn động dư luận. Hàng trăm bài thi đã bị huỷ bỏ và đây trở thành một trong những bê bối nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua của ngành giáo dục.
- Sử dụng kết quả chấm thẩm định thay cho kết quả chấm thi của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Giang
- Thủ tướng giao Bộ Công an xử lý nghiêm vụ điểm thi bất thường tại Hà Giang
- Điểm thi THPT bất thường tại Hà Giang: Khi sự thật được làm sáng tỏ
Nguyên nhân sự việc được xác định là do một cán bộ của Sở GD-ĐT Hà Giang gây ra. Ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở này đã trực tiếp can thiệp kết quả 330 bài thi của 114 thí sinh. Thậm chí có thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 29,95 điểm. Đây là một hành động lừa đảo trắng trợn trên quy mô lớn.
Mục tiêu giáo dục được đề cập trong Luật ban hành từ năm 2005 là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện. Trong đó, giá trị “đạo đức” được đề cập đến đầu tiên. Thiếu đi sự trung thực tức là đã khoét một lỗ hổng nghiêm trọng trong giá trị này. Chắc chắn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi một cán bộ của ngành giáo dục lại ngang nhiên bước qua lằn ranh đạo đức bất chấp hậu quả xảy ra. Sự trung thực mất đi sẽ kéo theo niềm tin bị đổ vỡ.
Học sinh sẽ là người đáng thương nhất. Những đứa trẻ vẫn còn non nớt cần được dạy dỗ, bảo ban giờ biết tin tưởng ai khi chính người có trách nhiệm trong kỳ thi cuối cấp lại là một kẻ gian dối? Các bậc cha mẹ sẽ có thể đặt niềm tin vào ai khi cán bộ ngành giáo dục ở cấp tỉnh lại có những hành vi trái đạo đức như vậy? Cộng đồng sẽ có thể hy vọng gì khi chính những người có nhiệm vụ giáo huấn và dạy dỗ người khác lại đánh mất đi những phẩm chất tối thiểu?
Nếu sự việc vừa qua trót lọt, hệ lụy mang lại sẽ không hề nhỏ. Không chỉ là hàng trăm học sinh thiếu năng lực có thể được nhận vào trong những trường đại học hàng đầu, mà còn là từng ấy học sinh và gia đình bị mất cơ hội vào ngôi trường mình mơ ước.
Đương nhiên là còn chưa tính đến không biết bao nhiêu người bị mất niềm tin khi thấy những người có năng lực không hề tương đương với điểm số trong một kỳ thi nghiêm túc bậc nhất quốc gia. Rồi về sau chính những con người thiếu năng lực nhưng lại được đề cao bởi sự giả dối đó sẽ có thể tạo ra những hậu quả khôn lường cho những tổ chức họ tới làm việc.
***
Dẫu cho có người sẽ lý giải đây có thể chỉ là một con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng ai có thể biết được có những chuyện tương tự xảy ra ở những điểm thi khác nhưng được thực hiện khéo léo hơn hay không?
Đã đến lúc cần phải nhìn thẳng vào sự thật, dù cho điều đó rất mất lòng. Không chỉ là yếu tố con người, sự kiện vừa rồi cũng cho thấy vẫn còn lỗ hổng trong hoạt động quản lý giáo dục cụ thể là công tác giám sát trong kỳ thi THPT quốc gia. Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành giáo dục Việt Nam.
Chắc chắn trong ngành vẫn có những người thực sự tâm huyết và hẳn họ cũng đang phẫn nộ và cảm thấy bị tổn thương trong những ngày tháng này. Các bậc cha mẹ, các em học sinh, cộng đồng những người quan tâm đến giáo dục hẳn đang dõi theo sát sao những hành động của ngành giáo dục để tìm lại niềm tin sau sự kiện chấn động trên.
Cần phải có những xử lý thích đáng mang tính răn đe. Song song với đó là việc cải tổ, những giải pháp xử lý và những hành động quyết liệt để trả lại sự công bằng cho thí sinh và làm trong sạch môi trường giáo dục.
Trong đề thi Ngữ văn vừa qua, bài thơ “Đánh thức tiềm lực” đã được dẫn ra để phân tích. Thực ra chẳng thứ tiềm lực nào có thể quý giá bằng con người, và giáo dục chính là chìa khoá để đánh thức chúng.
Hạ Hồng Việt