Ngẫm từ vụ kiện của Ngọc Trinh
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 8/5/2018, TAND TP.HCM đã tuyên án Nhà hát kịch TP.HCM thua kiện, buộc phải thanh toán cho diễn viên Ngọc Trinh hơn 233 triệu đồng. Ngọc Trinh cho biết cô rất hạnh phúc vì công lý đã được thực thi, đã chứng minh lời nói và việc làm của bản thân là đúng.
- Ngọc Trinh lại thắng kiện Nhà hát kịch TP.HCM
- Phúc thẩm vụ án Ngọc Trinh kiện Nhà hát kịch TP.HCM: Chưa có kết quả
- Ngọc Trinh thắng kiện Nhà hát Kịch TP.HCM: Đền bù mang tính 'danh dự' là chủ yếu
Phiên tòa cũng đã kết thúc có hậu, nhưng việc theo đuổi nó suốt 4 năm thì không hề đơn giản, bên thắng bên thua đều khá mệt mỏi. Giống như thành ngữ xưa đã cảnh báo: “Được kiện mười bốn quan năm/ Thua kiện mười lăm quan chẵn”.
Mà chẳng phải có mỗi câu này, Việt Nam còn rất nhiều câu thành ngữ, ca dao khác nói về việc kiện tụng, chứng tỏ sự phức tạp, đa đoan của nó. Ví dụ như: “Kiện nhau không sứt cũng mẻ”; “Con kiến mà kiện củ khoai”; “Con kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cụt leo ra leo vào/ Con kiến mà leo cành đào/ Leo phải cành cụt leo vào leo ra”. Gần gũi nhất là câu “Được vạ thì má đã sưng”…
Vì sao nên nỗi?
Đầu tiên, có lẽ nghệ sĩ khi làm việc với nhau, thường nói miệng là xong. Ngọc Trinh bắt tay với Khánh Hoàng (Nhà hát kịch TP.HCM) để dựng kịch, hợp đồng chưa ký mà đã có 6 vở sáng đèn. Rõ ràng ban đầu họ đến với nhau bằng tình đồng nghiệp, bằng niềm tin, nên khi kiện tụng xảy ra, mới thất vọng và mệt mỏi đến như vậy.
Thứ hai, hệ thống kiện tụng càng hoàn chỉnh thì thứ tự kiện tụng càng mất thời gian. Nhiều người lúc đệ đơn lên tòa không hình dung hết điều này. Nhiều khi theo đuổi quá mất thời gian và công sức, nên tự xin rút đơn, xem như tự thua.
Ngọc Trinh kể phải xếp lịch để có thể vừa đi quay phim, vừa gặp luật sư, vừa ra tòa… đôi khi khá căng thẳng. Ngọc Trinh nói rằng nếu chỉ vì tiền, thì đã bỏ cuộc, vì 4 năm qua mà chỉ tập trung đi quay và làm kịch, chắc chắn kiếm tiền thoải mái hơn.
Thời xưa, Nhan Uyên (521-481 TCN) cũng đã cảm thán: “Thính tụng, ngô do nhân dã/ Tất dã, sử vô tụng hồ”. (Tạm dịch: Xử kiện tụng, ta cũng như người khác thôi/ Phải làm sao để không có kiện tụng thì hơn).
Lịch sử loài người cho thấy người tốt sống với người tốt còn xảy ra mâu thuẫn, kiện tụng, huống chi người tốt và người xấu luôn phải sống với nhau, có vô số mối quan hệ phức tạp. Aristotle rất tinh tế khi nói về điều này: “Làm người tốt và làm người công dân tốt không phải lúc nào cũng như nhau”. Công dân tốt biết tuân thủ luật pháp, còn người tốt chưa hẳn vậy. Sống trong xã hội có hệ thống pháp luật khá chi tiết mà không quan tâm đến nó ngay từ đầu, về sau dễ gặp rắc rối.
Một điều nữa, những nước có nền nông nghiệp lâu đời thường làm vần công với nhau, có nhiều lễ hội và lễ nghi chung, nên khá trọng đời sống cộng đồng, dĩ hòa vi quý. Lịch sử pháp đình cũng cho thấy xã hội càng phát triển kỹ nghệ và yếu tố cá nhân thì hệ thống kiện tụng càng tinh vi, phức tạp. Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp, kỹ nghệ nên những câu chuyện rắc rối pháp đình sẽ còn dài và còn nhiều.
Vì vậy trong công việc, nghệ sĩ cũng như tất cả mọi người cần chú ý rạch ròi, rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm ngay từ đầu. Nói theo cách đời thường là phải rất sòng phẳng và phải tuyệt đối tuân thủ các quy định, cam kết... trong quá trình làm việc, hợp tác với nhau. Như thế sẽ tránh được tối đa việc phải kiện tụng. Bên cạnh đó khi sự cố phát sinh mà không thương lượng được thì việc đưa nhau ra tòa cũng là một cách hành xử văn minh, làm rõ trắng đen vấn đề, nhằm chấm dứt những tranh cãi đôi khi làm tổn thương nhau... Mỗi phiên tòa sẽ giúp cho những người liên quan có thêm những bài học quý báu.
Như Hà