Ngẫm từ vụ điểm thi THPT Quốc gia bất thường: 10% của 1 phút
(Thethaovanhoa.vn) - Những ai yêu thích thể thao, đặc biệt là những môn thể thao tốc độ thì chắc chắn sẽ biết được giá trị 10% của 1 phút - nó chỉ là 6 giây, vâng chỉ là 6 giây. Nhiều khi chậc lưỡi có 6 giây thì làm được việc gì???
- Kết quả thi bất thường tại Hà Giang qua những con số
- Sử dụng kết quả chấm thẩm định thay cho kết quả chấm thi của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Giang
- Điểm thi THPT bất thường tại Hà Giang: Khi sự thật được làm sáng tỏ
Tôi nhớ có đọc ở đâu đó luật 4 giây, tức là nếu trước một việc gì đó, bạn hãy hít thở sâu trong 4 giây thì bạn sẽ đủ tỉnh táo để ra quyết định hoặc hành động quan trọng. Còn trong học võ, các HLV thường nhắc nhở chúng tôi khi tập luyện: hãy cố gắng chịu đựng thêm vài giây nữa, vài giây này có thể giúp chúng ta vượt qua được ranh giới sinh tử.
Bóng đá thì nhiều người đã rõ, chỉ cần chậm một giây, hoặc theo chuyên môn hay dùng là “chậm một nhịp”, hay “chậm hơn nửa bước chân” có khi đã có kết quả thay đổi cả cục diện một trận đấu.
Với ngành y thì có khi 6 giây kịp thời có thể đã cứu được một mạng người, đã kịp chiến thắng “tử thần” giành lại sự sống cho người bệnh.
Có thể mọi người còn đưa ra thêm rất nhiều ví dụ khác chứng minh cho cái thời gian ngắn ngủi tính bằng giây ấy xem nó có giá trị thế nào hay là nó vô nghĩa .
Trong vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang vừa bị phát hiện, người ta chỉ cần 10% của 1 phút - là 6 giây, để có thể thay đổi kết quả một bài thi, thay đổi số phận của một con người, và thậm chí thay đổi cả một cách nhìn về một ngành đang được quan tâm trong rất nhiều năm qua, đó là giáo dục.
Cái câu “Kiếm củi ba năm, thiêu một giờ” trong trường hợp này có vẻ đúng, thậm chí chỉ cần vài giây ngắn ngủi đó, người ta đã có thể “thiêu rụi” toàn bộ niềm tin của mọi người dành cho ngành giáo dục, cho công sức của nhiều đề án đổi mới, cho hy vọng của nhiều gia đình, cho công sức của các em học sinh suốt một thời gian dài thực sự “dùi mài kinh sử” mà nếu thời gian cộng lại có thể lên tới…hàng chục năm. Đấy là chưa nói đến những thiệt hại về kinh tế.
Trong khi lòng tin của mọi người dành cho ngành giáo dục đang đi xuống, thay vì thắp lên một ngọn lửa niềm tin, người ta lại sử dụng thời gian ngắn ngủi ấy để gian lận trong thi cử ở một quy mô lớn, và để mọi người lại tiếp tục dấy lên những nghi ngờ khác có liên quan đến các tỉnh thành khác trong cả nước rằng: Liệu có còn ở đâu nữa? Có thật chỉ có một mình tỉnh Hà Giang?
Mất uy tín liệu có thể lấy lại được không? Câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ nhưng theo cá nhân tôi thì nếu có lấy lại được, chắc chắn chúng ta sẽ phải cần đến rất rất nhiều cái thời gian 10% của 1 phút, và đi kèm theo nó thì quả thực là vô cùng tốn kém, cả về công sức cũng như tiền bạc, tâm huyết của ngành giáo dục cũng như sự chung tay của toàn xã hội.
Xuân An