Ngẫm ngợi cuối tuần: Làm người - làm nghề
(Thethaovanhoa.vn) - Một người ra đi luôn để lại một khoảng trống sau đó: trong gia đình, trong bạn bè và xã hội. Nếu là nhà hoạt động xã hội thì khoảng trống vắng đó càng lớn. Cũng phải thời gian vài năm, nỗi trống trải ấy mới được lấp đầy. Giáo sư Hà Văn Cầu, người nghiên cứu chèo số một Việt Nam, một nhà văn hóa lớn vừa ra đi, cũng như vậy.
Lớp người vào lứa tuổi thất thập như chúng tôi biết rất rõ chèo và giáo sư Cầu vì là thế hệ đeo đẳng với sân khấu chèo tuồng kịch nói, phim ảnh gần như suốt cuộc đời! Giáo sư Cầu là một trong số những người gìn giữ văn hóa nội đồng một cách tự nhiên, và làm giàu vốn di sản của cha ông để lại, điều mà lớp sau này sinh ra từ kết thúc chiến tranh với Mỹ hầu như ít biết đến.Giáo sư ra đi là sự mất mát lớn mà người lớp tuổi lớp chúng tôi thấu hiểu, còn phần lớn thế hệ 7x trở đi thì không mấy ai còn biết đến ông cũng như nghê thuật chèo… Nhưng ông cũng để lại một di sản lớn kiến thức trên sách.
Nghe đạo diễn Quốc Trọng kể về giáo sư Hà Văn Cầu rằng: trong trò chuyện, ông bảo làm người dễ hơn làm nghề. Với góc nhìn của ông, người được sinh ra thì đã thế rồi, đã là người, khôn dại khá giỏi gì thì vẫn là người có thể sống như thế trọn đời. Còn để sống để tồn tại thì cần có một nghề. Làm nghề là lo cả sự sống đến cái chết của đời người nữa.
Vâng ông có cái lý của ông. Cái gọi là làm người của ông, nói đơn giản là một kiếp sống trọn vẹn, không đòi hỏi sự toàn bích như khái niệm làm người thời nay. Thời nay, khái niệm làm người quan trọng kích rích lắm, nó bao gồm rất nhiều mặt, từ đạo đức xã hội đến văn hóa tri thức, quá nhiều chi tiết rườm rà.
Còn với nghề ư, bền bỉ và giỏi nghề nữa, ấy mới là khó. Khi anh làm nghề giỏi mới thấy những cái dễ cái khó ở đời, mới thấy cái nhân cái đức ở đời, mới biết quý lao động và sự sáng tạo.
Thật ra những điều giáo sư nói, nghĩ rộng ra mới thấy sâu sắc, chỉ có giỏi làm nghề mới có thể làm người. Con người sống phải có một nghề. Nghề trước hết nuôi mình, và sau đó là đóng góp cho xã hội, đấy mới là sống, đấy mới là người. Góc nhìn của giáo sư cũng sâu sắc lắm thay.
Lâu nay chúng ta coi trọng vai trò làm người, và trong vai trò làm người lại đề cao đạo đức sống, lý tưởng sống. Tưởng sâu sắc lắm mà hóa ra cũng phiến diện thôi. Bản thân không nghề thì sao sống trọn vẹn một đời người, ai nuôi?!
Tôi đọc đâu đó trên mạng, một bạn viết: "Nếu anh không thực hiện giấc mơ của mình thì người khác sẽ thuê anh thực hiện giấc mơ của họ". Càng thấm sâu lời cụ Hà Văn Cầu, làm nghề mới khó.
Làm nghề là làm cho mình, còn có nghề mà đi làm thuê thì chỉ là hạng hai. Phải làm để thực hiện ước mơ của mình. Cảm ơn Quốc Trọng có tấm thịnh tình với cụ Hà Văn Cầu.
Tiễn cụ bằng mấy lời bàn về thuật ngữ làm người làm nghề của cụ mà đạo diễn điện ảnh Quốc Trọng đã nói...
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa