Ngẫm ngợi cuối tuần: Flappy Bird và giải Fields
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi không biết giáo sư Ngô Bảo Châu, chủ nhân của giải Fields có chơi Flappy Bird - game đang gây sốt trên toàn thế giới của bạn trẻ Việt Nam Nguyễn Hà Đông - hay không? Nhưng giả sử ông có chơi thì cũng chẳng có gì là lạ, vì ông cũng cần phải giải trí trên chiếc smartphone của mình trong những lúc thư giãn.
Nhưng việc người ta so sánh thành công của Flappy Bird với sự kiện giành giải Fields của GS Ngô Bảo Châu cho thấy có nhiều điều đáng nói. Nguyên văn ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty ePi Technologies, nói trên ICTnews như sau: “Tôi đánh giá sự kiện này (Flappy Bird) còn có giá trị thực tế đối với giới trẻ Việt Nam hơn nhiều so với sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields”.
Thành công của game di động Flaby Bird là một tín hiệu rất đáng mừng cho các nhà sản xuất game Việt Nam, cho dù nhiều người nói rằng, thành công đó có nhiều phần là may mắn, như cú ăn may thế kỷ của Gangnam Style, và rằng game này có thể khiến nhiều người xóa đi ngay sau khi tải về vì đơn giản đến mức nhàm chán.
Nhưng dù gì thì thành công cũng không đột nhiên mà có khi game này đánh trúng tâm lý của đám đông chơi game. Sự đơn giản cũng là một giá trị khi sự đơn giản đó đem lại hiệu quả. Vấn đề là nhiều người thích. Thích trong bao lâu, còn đứng ở vị trí dẫn đầu đến khi nào thì chỉ thời gian mới có thể trả lời được. Hơn nữa, dù thành công đến từ sự may mắn và hiệu ứng đám đông thì đó vẫn là thành công, vẫn có thể đi vào lịch sử, và đặc biệt, vẫn có thể mang lại doanh thu tới 50 ngàn USD mỗi ngày cho người sáng tác ra nó.
Giữa Flappy Birdvà giải Fields có một điểm chung là gây được sự chú ý trên bình diện thế giới, nhưng thật sai lầm khi so sánh hai thành công này với nhau. Giữa một công trình kết tinh trí tuệ đỉnh cao của con người, với một “tiểu phẩm” công nghệ gây ngạc nhiên hứng thú cho người chơi game là khoảng cách một trời một vực. Trước giải Fields của GS Ngô Bảo Châu, thế giới sửng sốt về tầm vóc trí tuệ của người Việt Nam, còn trước Flappy Bird, người ta ngạc nhiên trước sự thông minh và “tài khéo” của anh Nguyễn Hà Đông. Cũng chẳng nên so sánh Flappy Bird với Gangnam Style, dù đều là hai cơn sốt mang tính ăn may, nhưng Gangnam Style là một sản phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng, phản ánh công nghệ giải trí bậc cao của người Hàn Quốc và qua đó có thể nhìn thấy một mặt của đất nước, con người xứ kim chi.
Không phải cái gì được coi là “nổi tiếng thế giới” đều “ngang giá trị”. Vấn đề là sự nổi tiếng ấy mang lại ý nghĩa gì cho cộng đồng (to lớn, trọng đại, cốt tử hay đơn thuần là giải trí, thư giãn) và qua sự nổi tiếng ấy bộc lộ năng lực, phẩm chất gì của bản thân mình, chưa kể đến việc nó có giá trị lâu dài, bền vững hay chỉ là cơn sốt nhất thời?
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa