Nga thám hiểm hồ nước bí ẩn nhất Nam Cực
Hồ nước bí ẩn kể trên mang tên Vostok. Đây là một hồ nước ngọt có kích thước khoảng 23.000 km², độ sâu hơn 700m, nhưng bị chôn vùi hoàn toàn dưới lớp băng dày tới 4km của Nam Cực. Nó đã tách biệt hẳn so với phần còn lại của thế giới, ước chừng đã ở trong tình trạng “giam cầm” này từ hơn 15 triệu năm về trước.
Như khám phá hành tinh khácSau một thập kỷ lên kế hoạch, các nhà khoa học của Nga đã bắt tay vào công cuộc nghiên cứu bí ẩn của hồ Vostok. “Chỉ còn chút ít công việc nữa phải làm thôi” - Alexei Turkeyev, lãnh đạo Trạm Vostok đặt ở Nam Cực của Nga thông báo với hãng tin Reuters để cho biết họ đã gần xuyên qua lớp băng dày và sắp tiếp cận với hồ nước. Trong nhiều tuần qua, nhóm của ông đã phải chạy đua với thời gian và nỗ lực khoan xuyên lớp băng dày tới 3.750m, trước khi mùa hè ngắn ngủi ở Nam Cực kết thúc.
Chính tại trạm này, vào năm 1983, người ta đã ghi nhận được nhiệt độ lạnh nhất từng thấy trên Trái đất là -89,2 độ C. Người ở đây lâu có thể bị đau đầu, co rút mắt, đau tai, chảy máu mũi, nghẹt thở, đột ngột tăng huyết áp, mất ngủ, nôn mửa, đau khớp và giảm trọng lượng đến 25 kg. Với việc mùa đông Nam Cực tới nhanh, các nhà khoa học sẽ buộc phải rời khỏi trạm Vostok. “Ngoài trời nhiệt độ đang là -40 độ C” - Turkeyev nói qua điện thoại vệ tinh - “Nhưng dù chuyện gì xảy ra, chúng tôi vẫn đang làm việc. Chúng tôi có cảm giác rất tốt. Chỉ còn 5 mét nữa là chúng tôi có thể tiếp cận với hồ nước".
Trạm Vostok của Nga, nơi đang diễn ra hoạt động khoan xuống lòng hồ nước bí ẩn |
Những điểm hoang sơ cuối cùng
100 năm sau khi các đoàn thám hiểm đầu tiên đặt chân tới Nam Cực, giới khoa học đã bắt đầu quan tâm đến các hồ nước ngọt nằm sâu dưới lớp băng dày. Người đầu tiên dự đoán về sự tồn tại của những hồ như vậy là nhà băng hà học Nga Igor Zlotnikov. Ông đặt giả thuyết rằng lớp băng dày của Nam Cực đóng vai trò như một tấm chăn giữ nhiệt. Nhiệt năng do Trái đất phát ra được giữ lại, giúp nước của các hồ ngầm dưới băng không bị đông thành đá. Người Nga sau đó đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu, thăm dò địa chất để phát hiện ra rằng trạm Vostok của họ đang nằm đúng trên mặt hồ Vostok.Những năm 1990, việc các bức ảnh vệ tinh phát hiện ra hàng loạt hồ nước ngầm nằm dưới bề mặt Nam Cực đã tạo nên một cơn sốt thám hiểm mới trong cộng đồng khoa học thế giới. Hiện các nhà thám hiểm Anh và Mỹ đang theo sát chân người Nga, bằng việc tổ chức các sứ mạng thăm dò nghiên cứu những hồ nước bị chôn vùi khác.
Hồ Vostok có kích cỡ bằng hồ Baikal ở Siberia, là hồ lớn nhất, sâu nhất và biệt lập nhất trong số 150 hồ nằm dưới băng tuyết của Nam Cực. Hồ đã được bão hoà khí oxy, khiến nó có môi trường rất đặc biệt không giống bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất. “Người Nga đang cầm đuốc dẫn đầu cuộc thám hiểm” - nhà nghiên cứu John Priscu ở Đại học bang Montana, một chuyên gia tham gia cuộc thám hiểm của người Mỹ tới một cái hồ khác của Nam cực nói.
Khả năng có sự sống dưới hồ nước dưới băng
Dưới lớp băng tuyết trắng xóa, Priscu nghi ngờ nhiều sinh vật lạ có thể đang sinh sống trong hồ Vostok, xung quanh vùng nước ấm nằm sâu dưới đáy hồ. “Tôi nghĩ rằng hồ Vostok là một ốc đảo dưới lớp băng, phù hợp cho sự sống sinh sôi” - ông tuyên bố.
Tuy nhiên với việc khoan tới mặt hồ thành công, các nhà thám hiểm giờ lại phải đối mặt với một câu hỏi khó khác: làm sao có thể nghiên cứu môi trường lòng hồ mà không làm xáo trộn cuộc sống dưới đó hoặc không mang về một số loài virus lạ nguy hiểm.
Đó là chưa kể tới việc người Nga áp dụng một phương pháp khoan có đổ Kerosene và Freon (một loại chất hóa học tổng hợp) vào lỗ khoan nhằm ngăn cản sự tái đóng băng của nước. Khi hoạt động khoan xuống hồ Vostok thành công, các chất này có dễ dàng xâm nhập vào nước hồ.
Đó cũng là điều mà các nhà nghiên cứu ở trạm Vostok nhận thức rất rõ. “Tôi cảm thấy rất phấn khích với cuộc thám hiểm này nhưng lúc chúng ta đã tiếp cận với thế giới lạ đó, chuyện sẽ không thể đảo ngược” - Alexei Ekaikin, một nhà khoa học trong đoàn nói từ trạm Vostok - “Một khi bạn đã chạm tay xuống hồ, nó sẽ vĩnh viễn mất đi sự nguyên sơ ban đầu”.