Nếu U21 An Giang vô địch thì sao?
(Thethaovanhoa.vn) - Suy cho cùng cũng… chẳng để làm gì! Ừ, thì khán giả vui vẻ một thoáng chốc, có chút thành tích, để rồi các cầu thủ lại trôi vào quên lãng khi không có đội bóng đỉnh cao.
- Kết thúc VCK U21 QG Báo Thanh Niên – Cúp Clear Men 2015: Sự hụt hẫng của bóng đá Việt Nam
- VCK U21 QG Báo Thanh Niên – Cúp Clear Men 2015: Bình Định khiến bảng B kịch tính đến hồi chót
- VCK U21 quốc gia: Nhân tài như lá mùa thu
- Hà Nội T&T dẫn đầu bảng B VCK U21 QG Báo Thanh Niên – Cúp Clear Men 2015: Không Duy Mạnh, không sao!
- VCK U21 QG Báo Thanh Niên – Cúp Clear Men 2015: Gia Lai gây thất vọng
Với trình độ nền bóng đá còn phập phù, nhiều đội bóng U của tỉnh lẻ A, B, C vô địch giải trẻ, đã là chuyện thường ngày.
Chuyện trận chung kết U21
Trở lại trận chung kết U21, nếu U21 An Giang vô địch, sẽ không công bằng cho U21 HN T&T. Họ tốn rất nhiều tiền, đầu tư bài bản, xây dựng lối chơi, bản sắc… nghiêm túc. Bóng đá là đẳng cấp, đây không phải là lần đầu tiên các đội trẻ của nhà bầu Hiển vô địch. Có điều, nhiều người vẫn chưa đánh giá đúng mức sự đầu tư và nhiệt huyết, trong công tác đào tạo trẻ của ông Hiển. Hiện tại, ông Hiển mới là trung tâm thu hút, sử dụng nhiều cựu danh thủ, hoặc cầu thủ có tên tuổi làm công tác “gõ đầu trẻ”.
Trước đó, những PVF, Viettel, đang nổi lên công tác đào tạo trẻ tốt, rồi lò truyền thống như SLNA, tất cả đều thi đấu không thành công tại giải U21 năm nay.
Dù thế, cầu thủ và lãnh đạo PVF, Viettel cũng không vội buồn. Bóng đá đang có những chuyển dịch tích cực, việc ra đời các trung tâm như PVF, Viettel là hướng đi khả quan nhất. Đầu vào đã được chọn lọc kỹ càng, cung cách quản trị đội bóng không quan liêu, việc dạy dỗ cầu thủ toàn diện hơn, dứt khoát sẽ thành công trong tương lai. Chính sự khác biệt đó đang đẩy một số lò đào tạo truyền thống, trong đó có SLNA, rơi vào tình thế nan giải. Họ không còn chiếm lợi thế đã đành, lại bị bị rút ruột nhân tài.
Và chuyện của bầu Đức
Làm công tác đào tạo trẻ không đơn giản, bởi sẽ phải giằng xé giữa bệnh thành tích, với lòng kiên nhẫn, chờ quả chín mới gặt hái.
Bầu Đức, với Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG đã đi tiên phong. Bao năm ông Đức ém quân, tách rời thế giới bóng đá xung quanh. Cuối cùng, vì lòng tự trọng (có thể cả ai đó hứa) đã bung lứa U19 tham dự hàng loạt giải đấu, làm mát mặt VFF một thời. Rốt cục, lứa U19 đó không được là nòng cốt ở SEA Games 2015. Trở về V-League, Công Phượng và đồng đội bị dập tơi bời. Bầu Đức bắt đầu chán nản bóng đá nội.
Việc đưa Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật Bản, đá cho đội hạng 2 đang bê bết, với mức phí 2 tỷ đồng, có thể gọi là tự tìm đường thoát cũng được, hoặc PR cũng không sai. Trước đây, bầu Đức từng nuôi khát vọng, chuyển nhượng 1 cầu thủ trưởng thành từ lò của ông, cỡ 3 đến 4 triệu USD, chứ ai nghĩ thấp như thế này.
Đến giờ phút này, chưa ai nghi ngờ công nghệ đào tạo của Học viện bóng đá do bầu Đức làm chủ là không tốt. Nhưng để xuất khẩu được cầu thủ đá ở các CLB danh tiếng châu lục xem ra rất khó. Bởi công nghệ tốt nhưng thể trạng và văn hóa bóng đá cầu thủ Việt không đảm bảo thì cũng chịu. Học viện đa số là trẻ con nông thôn, chế độ dinh dưỡng đã thiếu từ bé, nên thể chất không thể vượt ngưỡng. Cho nên, sức vóc các cầu thủ Học viện của bầu Đức (và nhiều trung tâm khác) vẫn khó có thể giúp trình độ cầu thủ Việt vượt giới hạn, để đá giải nhà nghề nước ngoài.
Cho nên, trong những năm tới, bầu Đức hướng đến nguồn cầu là các CLB trong nước, cũng nên tính. Bởi, đa số các CLB chưa tự cung tự cấp. Một số CLB giàu có hiện nay sẵn sàng trả tiền lót tay “bom tấn”, dăm tỷ cho một cầu thủ, là thực tế. Như vậy, cũng hơn đứt cái CLB hạng 2 bê bết của Nhật Bản chỉ trả vài tỷ, chưa biết gặt hái thành tựu đến đâu.
Mở học viện bóng đá nhưng vẫn phải tính đến chiến lược đầu ra cho cầu thủ một cách thực tế. Nếu không, cũng rất dễ rơi vào ảo tưởng.
Nên nhớ, Thái Lan cũng có học viện bóng đá Thai Lan Arsenal JMG, đã giải tán từ năm 2012. Cho nên, nếu không có lối thoát, làm ăn lỡ khó khăn, khả năng bầu Đức giải tán Học viện của ông, hoặc đầu tư ít hơn theo mô hình như PVF,Viettel, HN T&T, cũng hoàn toàn có thể xảy ra.
Cho nên, trước mắt với 4 lứa cầu thủ đang có, HAGL duy trì được đội 1 đạt đẳng cấp số 1 trong nước, bán được nhiều sản phẩm có giá trị trong quốc nội, đã là mừng cho bầu Đức rồi. Mơ ước cao xa, không đạt được, có khi lại tự giày vò bản thân, suy nghĩ và hành động tiêu cực, thêm khổ thân!
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa