Nếu chợ Bình Tây không còn là 'chợ'…
(Thethaovanhoa.vn) - Chợ Bình Tây (dân gian còn gọi là Chợ Lớn) hiển nhiên là một trong những ngôi chợ quan trọng và đẹp bậc nhất tại miền Nam Việt Nam. Trải qua bao nhiêu thăng trầm cùng lịch sử, chợ Bình Tây ngày nay vẫn căn bản giữ được không gian kiến trúc và hồn cốt ngày xưa, ấy là điều đáng trân quý. Thế nhưng, nếu chợ Bình Tây sau này biến thành siêu thị, hoặc biến mất thì sao?
Từ khi ra đời cho đến nay, chợ Bình Tây luôn tấp nập theo hướng hiện đại, nhưng về căn bản thì đây vẫn thuộc mô hình chợ truyền thống. Trong khoảng 20 năm gần đây ở các đô thị lớn, chợ truyền thống đang bị thách thức khốc liệt vì sự “đổ bộ” của hệ thống siêu thị (siêu thị = chợ đặc biệt).Gần đây nữa, các vấn đề về an toàn thực phẩm, thịt rau nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất càng làm cho siêu thị lên ngôi. Nếu một ngày nào đó các chợ truyền thống biến thành siêu thị, và tên gọi - khái niệm chợ bị mờ nghĩa, bị biến mất trong ngôn ngữ, trong đời sống người dân, cũng không phải là quá bất ngờ.
Chợ Bình Tây. Ảnh: HTV
Trở lại quá khứ, chữ “búa” trong “chợ búa” vẫn có thể đứng một mình, nhằm để chỉ những nơi buôn bán nhỏ, có nhiều món hàng. Ngày nay, vài địa phương (như Hà Tĩnh, Lạng Sơn…) vẫn còn người lớn tuổi dùng chữ búa riêng rẽ, nhằm để chỉ những phố nhỏ có bán hàng giống như chợ.
Khi chợ xuất hiện nhiều (về quy mô thường lớn hơn búa), búa lần lượt biến mất hoặc sáp nhập vào chợ, thành “chợ búa”. Kiểu như sau này, có thể “chợ” sẽ sáp nhập vào siêu thị, “chợ” nhường chỗ cho “thị”, dù “thị” cũng là chợ mà thôi. Điều này cũng đúng với vô vàn trường hợp mờ nghĩa - mất nghĩa khác, ví dụ xe cộ, phố xá, gà qué, chó má, hỏi han, đỏ hỏn, bếp núc, trắng bạch, heo cúi, tàu bè, sông ngòi...
Trước khi khái niệm chợ biến mất, nhiều món hàng đặc sản trong chợ đó, phố đó sẽ biến mất trước, làm cho chợ/phố mất dần chức năng và cách thức buôn bán cũ. Ví dụ như Hà Nội 36 phố phường, ngày nay đến đó, hiển nhiên không còn nhiều phố giữ được đặc sản, món hàng gốc, vài phố đã biến mất hoặc đổi tên gọi.
Ngày trước ở Nam Định chẳng hạn, người dân thường ca như sau: “Mồng bốn đi chợ Qua Ninh/ Mồng năm chợ Trình, mồng sáu Non Côi/ Nghỉ ngày mồng bảy mà thôi/ Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng”.
Còn ở Bắc Ninh thì: “Chợ Giàu một tháng sáu phiên/ Ai ơi nhớ lấy đừng quên chợ Giàu/ Chợ Giàu bán sáo, bán sành/ Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay/ Đình Bảng bán ấm bán khay/ Phù Lưu họp chợ mỗi ngày mỗi đông”. Vùng Thừa Thiên - Huế thì: “Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh/ Cá tôm mua tại chợ Sình/ Triều Sơn bán nón, Bao Vinh bán đường”…
Nếu bây giờ mà đến các tỉnh này, tìm mua các đặc sản theo các câu ca xưa chắc chắn rất khó tìm đủ, chưa nói vài chợ đã chuyển địa điểm, đã biến mất. “Sông kia rày đã nên đồng”, “thương hải tang điền” là quy luật chung của cuộc đời.
Cũng xin nhắc lại, chợ Bình Tây (còn gọi là chợ Quách Đàm, hoặc Chợ Lớn mới) do “trùm ve chai” Quách Đàm (người Triều Châu, Trung Quốc) bỏ tiền túi mua đất xây dựng - ban đầu đây là chợ tư nhân. Chợ khởi công năm 1928, khánh thành năm 1930, xây theo kỹ thuật Tây phương, nhưng kiến trúc theo kiểu Trung Quốc. Người dân còn gọi đây là Chợ Lớn mới, vì sau khi Chợ Lớn cũ (ngày nay là Bưu điện quận 5) bị hỏa hoạn, phải di dời về chợ Quách Đàm.
Như vậy là, một chợ công (Chợ Lớn cũ) đã biến mất, đã phải di dời về một chợ tư nhân (chợ Quách Đàm), để sau đó chợ tư này lại biến thành chợ công (chợ Bình Tây). Dù vô tình hoặc cố ý, tư nhân có thể làm biến mất một chợ truyền thống, để rồi tạo ra một chợ truyền thống khác; như ngày nay các siêu thị đang “xâm chiếm/thay thế” các chợ truyền thống vậy.
Với tổng mức đầu tư cho việc trùng tu hơn 122 tỷ đồng, chắc chắn chợ này sẽ còn là chợ Bình Tây trong một tương lai không hề ngắn. Vì vậy, việc đáng lo lắng không phải là sợ nó biến mất, mà là việc trùng tu ấy có giữ được hồn cốt xưa cũ hay không. Còn tương lai xa hơn, ai biết được chuyện gì xảy ra, chợ Bình Tây có thể biến thành siêu thị hoặc một cao ốc thương mại, có gì mà bất ngờ?
Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa