Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục ảm đạm
(Thethaovanhoa.vn) - Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm tốc trong tháng thứ ba liên tiếp và đơn hàng xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua đã cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi nhu cầu trong nước và nước ngoài suy giảm.
Theo thống kê của Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của nước này tháng 2 đã giảm từ mức 49,5 xuống 48,2, dưới ngưỡng 50, báo hiệu sự sụt giảm về hoạt động chế tạo. Đây cũng là lần đầu tiên hoạt động sản xuất trong tháng 2 của Trung Quốc sụt giảm kể từ tháng 1/2009, thời điểm toàn cầu chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính. Các phân tích dựa trên khảo sát của hãng Reuters trước đó chỉ rõ PMI của Trung Quốc sẽ không thay đổi từ mức 49,5 trong tháng 1 vừa qua.
Hoạt động xuất khẩu cũng không khả quan. Các đơn hàng xuất khẩu mới cũng giảm trong tháng thứ 9 liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu thế giới yếu. Chỉ số phụ đo tiêu chí này trong tháng 2 đã sụt xuống từ 46,9 của tháng trước đó xuống mức 45,2 - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Tuy nhiên, tổng các đơn hàng mới - thước đo hoạt động xuất khẩu trong tương lai - đã quay trở lại đà tăng, cho thấy sự cải thiện về nhu cầu trong nước. Chỉ số phụ đo tiêu chí này tăng nhẹ từ 49,6 của tháng 1 lên 50,6 tháng 2, sau khi giảm trong hai tháng liên tiếp.
Theo chuyên gia Triệu Thanh Hà của NBS, mặc dù PMI chậm lại, song nhu cầu thị trường đang tăng đà trở lại. Ông cho rằng do ảnh hưởng của tăng trưởng toàn cầu yếu và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang nổi lên, hoạt động ngoại thương của Trung Quốc đối mặt với sức ép tương đối lớn.
- Mỹ triển khai quyết định tạm đình chỉ tăng thuế đối với Trung Quốc
- Báo Trung Quốc ủng hộ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên ở Hà Nội
- Mỹ, Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế
Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu "hụt hơi" trong nhiều tháng qua với mức tăng trưởng chỉ dừng ở 6,6% trong năm 2018. Đây là mức thấp nhất trong gần 3 thập niên qua trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải chống chọi với núi nợ công khổng lồ. Ông Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics nhận định các chỉ số PMI đã cho thất sự tăng trưởng của Trung Quốc đứng trước sức ép không hề nhỏ và ông dự đoán tình hình sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, song các nhà phân tích quan ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nguy cơ giảm tốc sâu hơn nếu các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ thất bại.
Thanh Hương