Natalie Cole và cuộc đời thăng trầm của một huyền thoại
(Thethaovanhoa.vn) - Natalie Cole, con gái của huyền thoại jazz Nat "King" Cole, bắt đầu sự nghiệp từ những năm 1970 và ngay lúc đó bà đã được đánh giá là “Nữ hoàng” soul Aretha Franklin kế tiếp. Sau khi Cole qua đời hôm 31/1 tại Los Angeles ở tuổi 65, nhiều đồng nghiệp đã bày tỏ niềm thương tiếc bà.
“Cole đã chiến đấu can đảm với một cuộc chiến khốc liệt. Bà qua đời như khi còn sống, đầy nhân phẩm, sức mạnh và danh dự. Chúng tôi sẽ rất nhớ người mẹ, người chị của mình và hình ảnh bà không thể nào phai nhạt trong tâm trí chúng ta” – tuyên bố của Robert Yancy, con trai Cole và Timolin cùng Casey Cole, cặp em gái song sinh của bà.
Tạo hướng đi riêng
Theo gia đình, Cole qua đời do những biến chứng từ nhiều căn bệnh. Bà từng chiến đấu với chứng nghiện ma túy và căn bệnh viêm gan siêu vi đã buộc bà phải ghép thận hồi tháng 5/2009.
“Tôi phải kìm nước mắt. Cole đã phải chiến đấu trong một thời gian dài. Bà là một trong những ca sĩ vĩ đại nhất mọi thời” – tuyên bố của Franklin, ca sĩ huyền thoại từng có mối thù địch với Cole khi bà mới bước chân vào nghề.
Với giọng ca mezzo-soprano đầy sức mạnh, Cole sinh ra để làm ca sĩ. Bà được truyền cảm hứng từ người cha của mình và năm 11 tuổi đã hát cùng cha. Năm 1965, Nat "King" Cole qua đời do bệnh ung thư phổi. Lúc đó Cole mới 15 tuổi. Song trong những năm 1990, khi Cole ở đỉnh cao sự nghiệp, nhờ công nghệ hiện đại bà đã “tái hợp” với cha và song ca cùng ông.
"Nữ hoàng" soul Natalie Cole
Trong sự nghiệp của mình, Cole luôn phải giằng xé giữa những âm hưởng quá khứ và hiện tại. Khi còn trẻ, Cole thường nghe nhạc phẩm của Franklin và nữ ca sĩ rock Janis Joplin, và nhiều năm liền miễn cưỡng trình diễn chất liệu âm nhạc của cha. Cole từng trình diễn trên sân khấu cùng ca sĩ huyền thoại Frank Sinatra, song còn cover nhạc phẩm Pink Cadillac của Bruce Springsteen.
“Tôi quyết định tạo hướng đi riêng của mình” – Cole viết như vậy trong cuốn hồi ký Love Brought Me Back (2010).
Năm 1975, Cole thực hiện bản thu âm đầu tiên, Inseparable và lập tức gặt hái thành công. Nền âm nhạc đã “chào đón” bà với 2 giải Grammy cho Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất và Màn trình diễn R&B hay nhất của nghệ sĩ nữ (với nhạc phẩm This Will Be (An Everlasting Love). Song thành công nhanh chóng ấy cùng với đánh giá là Franklin kế tiếp vẫn không khiến Cole hài lòng.
“Lần đầu tiên xem Franklin trình diễn tại một sự kiện âm nhạc, bà đã ném một cái nhìn sắc lạnh vào tôi và quay lưng lại. Hành động ấy làm tôi mất vài tuần mới trấn tĩnh được” – Cole từng kể với nhà viết tiểu sử David Ritz.
Được nhóm sản xuất/nhà soạn ca khúc gồm Chuck Jackson và Marvin Yancy hỗ trợ, Cole liên tiếp cho ra đời các ca khúc ăn khách như Our Love và I've Got Love on My Mind, và năm 1979 bà đã được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood.
Chiến đấu với chứng nghiện ma túy, bệnh tật & khôi phục sự nghiệp
Tuy nhiên, trong đầu những năm 1980, sự nghiệp của Cole xuống dốc và bà đã mắc các chứng nghiện ma túy, rượu trong nhiều năm liền. Năm 1983, Cole từng phải vào trại cai nghiện 6 tháng.
Trong những năm 1990, sự nghiệp của Cole bắt đầu phục hồi khi bà tung ra album Eerlasting. Năm 1991, Cole đạt được những đỉnh cao mới với album đoạt nhiều danh hiệu bạch kim Unforgettable ... With Love. Cole tôn vinh cha mình khi song ca cùng ông những ca khúc nổi tiếng nhất của ông, trong đó có That Sunday That Summer, Too Young và Mona Lisa.
Mặc dù vấp phải sự chỉ trích song album này vẫn tiêu thụ được 14 triệu bản và đoạt 6 giải Grammy, trong đó có giải Album của Năm, Thu âm/Ca khúc của Năm với ca khúc chủ đề.
Natalie Cole và cha, huyền thoại jazz Nat "King" Cole
Trong quá trình thu âm album này hồi năm 1991, Cole từng chia sẻ: “Tôi phải vứt bỏ hết những “mánh khóe” học hỏi được từ dòng nhạc R&B và pop. Với cha tôi, âm nhạc bao giờ cũng là thứ yếu còn giọng ca mới là chính. Khi hoàn tất album, tôi mới khóc được. Lúc đó, tôi đã khóc rất nhiều. Xúc tiến dự án này, tôi được gắn kết lại với cha mình và khi hoàn tất ca khúc cuối cùng trong album, tôi phải nói lời từ biệt với ông”.
Năm 1992, Cole được đề cử giải Emmy với màn diễn các ca khúc của cha, được phát trên truyền hình. “Đây thực sự là lời cảm ơn của tôi với cha” – Cole nói với tạp chí People hồi năm 2006.
Năm 1996, bản song ca cha-con, When I Fall in Love, đã đoạt giải Grammy Màn phối hợp giọng ca hay nhất, và Still Unforgettable đoạt giải Album pop truyền thống hay nhất năm 2008.
Cole còn thử sức ở vai trò diễn viên. Bà từng xuất hiện trong các chương trình truyền hình Touched by an Angel và Grey's Anatomy. Tuy nhiên, Cole thấy hạnh phúc nhất khi lưu diễn và trình diễn trên sân khấu.
“Tôi vẫn thích thu âm và trình diễn trên sân khấu. Song cũng như cha, tôi thấy hạnh phúc nhất khi trình diễn cùng dàn nhạc hoặc lưu diễn cùng ban nhạc” – Cole viết trên trang web của mình hồi năm 2008.
Cũng trong năm này, Cole đã chỉ trích Viện Hàn lâm Thu âm khi đã trao 5 giải Grammy cho ca sĩ nghiện ma túy Amy Winehouse.
“Tôi từng là một người nghiện ma túy nặng. Bệnh viêm gan siêu vi đã hủy hoại cơ thể tôi suốt 25 năm và chuyện này có thể xảy ra với cô ca sĩ trẻ Winehouse hoặc bất cứ người nghiện nào khác” – Cole giải thích tại lễ trao giải Grammy.
Cole phải hóa trị đề chữa bệnh viêm gan siêu vi và trong 4 tháng, bà đã bị suy thận. Sau đó, bà đã phải chạy thận 3 lần/tuần cho đến khi được ghép thận hồi tháng 5/20098.
Dù bệnh tật, song Cole vẫn lưu diễn và thường chạy thận tại các bệnh viện khắp thế giới. “Trong đời, bạn có thể vượt qua được những thời khắc khó khăn và giành chiến thắng” – Cole từng nói với tạp chí People.
Tuấn Vĩ