Nâng tầm đội tuyển Việt Nam, chuyện không dễ...
HLV Philippe Troussier nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam cùng nhiệm vụ rõ ràng cũng là mục tiêu số 1, đến World Cup. Muốn thế, dĩ nhiên đội bóng của "phù thủy trắng" phải nâng tầm nhưng đây là chuyện không dễ.
Ông Troussier đã làm quen với các cầu thủ đội tuyển Việt Nam hồi tháng 3 nhưng ở đợt tập trung ngắn ngày đó, chưa có ý đồ chiến thuật hay sự thay đổi lớn lao nào được thực hiện vì không có trận đấu tập nào. Sang tới đợt tập trung dịp FIFA Days tháng 6 này với 2 trận đấu gặp Hong Kong (Trung Quốc) cùng Syria, dấu ấn mà HLV Troussier đặt lên con người và lối chơi ở đội tuyển Việt Nam mới thực sự rõ nét.
Bắt đầu từ việc đưa 4 cầu thủ ở đội U23 lên đội tuyển quốc gia ở trận thắng Hong Kong (Trung Quốc) 1-0. Kế đó là các lựa chọn nhân sự có phần khác biệt khi sử dụng những tân binh như Trương Tiến Anh hay Đinh Thanh Bình. Trên tất cả, HLV Troussier như nhiều người dự đoán đang kiên trì áp dụng lối chơi kiểm soát bóng lên đội tuyển Việt Nam, điều mà ông từng làm ở đội U23 từ Doha Cup, SEA Games 32 cho tới thời điểm hiện tại.
Muốn đi World Cup, đội tuyển Việt Nam không chỉ trông chờ vào cách đá phòng ngự, phản công vốn làm nên thương hiệu dưới thời HLV Park Hang Seo. Ông Troussier không sai khi thay đổi cách đá của đội tuyển Việt Nam nhưng ở thời điểm "nhập môn" như bây giờ, các cầu thủ, kể cả những người dày dạn kinh nghiệm cũng có không ít những bỡ ngỡ.
Thậm chí, có những yêu cầu đơn thuần về chuyên môn nhưng không phải tuyển thủ nào ở đội tuyển Việt Nam cũng có thể dễ dàng đáp ứng và thích nghi nhanh chóng được. Cứ nhìn cái cách HLV Troussier vung tay phản ứng, đập vào thành cabin kỹ thuật sau một vài tình huống xử lý khó hiểu của trung vệ Thanh Bình hay việc Tấn Tài, Hoàng Đức, thậm chí kể cả Văn Hậu, phải bào mòn thể lực đến mức nào ở trận đấu với Hong Kong (Trung Quốc) để theo kịp yêu cầu chiến thuật từ HLV Troussier mới thấy khó.
Cách chơi kiểm soát bóng chẳng khác nào như một cuộc "cách mạng" của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại vì nó khác hẳn lối chơi của đội tuyển Việt Nam cũng như U23 Việt Nam ở nhiệm kỳ HLV Park Hang Seo. Nó cũng đòi hỏi một lực lượng dồi dào, nền tảng thể lực cực mạnh và bền bỉ ở các cầu thủ đội tuyển Việt Nam mới có thể theo kịp.
Chỉ cần một chút ngợp hay tâm lý bất ổn, áp lực một chút thôi là bất cứ cầu thủ nào của đội tuyển Việt Nam cũng có thể đối diện với nguy cơ gặp chấn thương không đáng có.
Trận thắng sát nút 1-0 của đội tuyển quốc gia trước Hong Kong (Trung Quốc) và cả hai trận giao hữu của đội U23 với CLB CAHN và sau đó là Hải Phòng, có bổ sung cầu thủ từ đội tuyển như trường hợp Công Phượng cho thấy HLV Troussier còn rất nhiều việc phải làm để cách chơi mới mà ông áp dụng ở đội tuyển Việt Nam được các cầu thủ vận hành thuần thục hơn.
Ngoài ra, cũng không thể quên việc lối chơi nào, dù tấn công hay phòng ngự thì cũng cần con người, những cầu thủ có thể hiểu và làm theo được như mong muốn của HLV trưởng. Đây lại đang là vấn đề nan giải với đội tuyển Việt Nam khi khá nhiều cầu thủ của đội tuyển Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí thoái trào về phong độ vì lý do tuổi tác, cả việc không được thi đấu thường xuyên ở các CLB chủ quản.
Không phải là ông Troussier không tính đến việc trẻ hóa, tìm các nhân tố mới cho đội tuyển Việt Nam, nhưng cho dù đó là Phan Tuấn Tài, Khuất Văn Khang, Hoàng Văn Toản hay Nguyễn Văn Tùng thì chưa thể ngày một, ngày hai trở thành thủ lĩnh ở ĐTQG, dù có được đôn lên tập luyện và thi đấu cùng các đàn anh với tần suất ngày một đều đặn hơn.
Nâng tầm đội tuyển Việt Nam để cải thiện chất lượng chơi bóng, hiện thực hóa giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam là việc cần thiết nhưng đâu phải cuộc "cách mạng" nào cũng có thể thành công. Thời gian sẽ là câu trả lời cho chúng ta.