Nắng nóng kéo dài bất thường ở Nam Bộ
Nắng nóng với nhiệt độ cao hơn hẳn so với trung bình nhiều năm ở Nam Bộ đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Dự báo trong tháng 3/2024, nhiệt độ Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm, rất ít mưa, khiến xâm nhập mặn tăng, ranh mặn sẽ đi sâu vào nội đồng, đòi hỏi nhiều giải pháp ứng phó cấp bách.
Nhiều nơi phá vỡ mức nhiệt kỷ lục
Từ ngày 9/2, thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Nam Bộ bắt đầu nắng nóng bất thường, có những ngày nắng nóng gay gắt và hiện chưa có dấu hiệu kết thúc.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong tháng 2/2024, ngoại trừ ngày 27/2 có mưa một vài nơi với lượng mưa khoảng 5 - 10mm, còn lại cả tháng gần như không mưa. Nhiệt độ cao nhất tại Đông Nam Bộ dao động từ 35 - 37 độ C, một số nơi 37 độ C và trên 37 độ C như: Long Khánh (Đồng Nai) là 37,2 độ C; Đồng Xoài (Bình Phước) và Biên Hòa (Đồng Nai) 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp từ 30 - 50%.
Các chuyên gia cho rằng, thông thường từ giữa tháng 2 hằng năm, Nam Bộ mới bắt đầu xuất hiện nắng nóng một vài nơi. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng gay gắt đến sớm hơn trên diện rộng do ảnh hưởng của El Nino. So với cùng thời điểm của hai đợt El Nino hoạt động mạnh gần đây (tháng 2 các năm 2016 và 2020), năm nay cường độ nắng mạnh hơn khi tại các trạm quan trắc như Thủ Dầu Một, Nhà Bè, Vĩnh Long, Cao Lãnh và Thổ Chu, nhiệt độ đã phá vỡ mức nhiệt kỷ lục cùng thời kỳ. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận trong tháng 2 năm 2016 và 2020 là 37 độ C (tại Biên Hòa); nhiệt độ cao nhất trong tháng 2/2024 là 38 độ C, được ghi nhận tại Biên Hòa vào ngày 15/2.
Thực tế, nửa đầu tháng 2/2024, không khí lạnh còn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực nên có những ngày thời tiết hơi se lạnh và có mù nhẹ vào lúc sáng sớm. Đến nửa cuối tháng, không khí lạnh hoạt động yếu và những đợt tăng cường về phía Nam thưa dần. Cùng với đó, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh dần khiến nắng nóng ngày một gia tăng trên khu vực. Nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C xuất hiện ngày một nhiều với diện ngày một mở rộng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 3/2024, dự báo nắng nóng gay gắt diện rộng xuất hiện nhiều đợt trên khu vực Đông Nam Bộ và ven biên giới Tây Nam. Ở các khu vực khác của miền Tây, nắng nóng diện rộng cũng xảy ra nhiều đợt và dài ngày. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ từ tháng 3 - 4/2024. Nhiệt độ trung bình phổ biến trên phạm vi toàn quốc từ tháng 3 - 5/2024 cao hơn khoảng 0,5 - 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm.
Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ sắp tới tiếp tục có những đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao nhất trong mùa nắng nóng năm nay dự báo ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ có thể lên tới khoảng 39 - 40 độ C. Mùa cao điểm nắng nóng tại Nam Bộ được dự báo rơi vào tháng 4/2024 với số ngày nắng đạt 15 - 20 ngày trong tháng. Đến tháng 5/2024, khu vực Nam Bộ sẽ bắt đầu vào mùa mưa. Tuy nhiên, trong tháng vẫn sẽ xuất hiện một vài đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất 35 - 37 độ C.
Hạn hán, xâm nhập mặn do nắng nóng kéo dài
Theo các chuyên gia, cường độ nắng nóng dần mạnh hơn, ít mưa, thời gian nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí không cao nên khả năng xảy ra hạn hán tại các tỉnh Nam Bộ cao, xâm nhập mặn tăng, ranh mặn sẽ đi sâu vào nội đồng. Đồng bằng sông Cửu Long cũng đối mặt với sụt lún, sạt lở đất do nước trong các kênh rạch dần cạn kiệt.
Để ứng phó với nắng nóng, hạn hán, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây Nguyên cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các địa phương hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Tại Sóc Trăng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư các công trình ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bằng hệ thống đê, kè, cống, âu thuyền; nạo vét kênh, rạch tạo nguồn giữ nước. UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai xem xét, xây dựng đề án mang tính tổng thể về ứng phó, khắc phục thiên tai cho từng khu vực vùng trũng, sạt lở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện các công trình bức xúc xử lý sạt lở bờ sông Saintard (huyện Long Phú); xử lý khẩn cấp sạt lở nguy hiểm bờ sông Phụng An (huyện Kế Sách); cấp kinh phí xây dựng kè ly tâm bảo vệ bờ biển từ K39 đến K45 (thị xã Vĩnh Châu)…
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang áp dụng phần mềm WebGis cập nhật tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tỉnh xây dựng hệ thống cảnh báo để hỗ trợ đưa ra các quyết định ứng phó, phòng chống thiên tai với 8 trạm khí tượng thủy văn, 6 điểm đo mặn, 25 trạm đo mực nước kết hợp với đo mưa tự động, 8 trạm đo mưa tự động.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi sát ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên cả nước, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung, Tây Nguyên để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.