Nam Định xử lý các vụ dùng bằng giả thi viên chức
Đến nay, các cơ quan chức năng huyện Hải Hậu đã xử lý bốn trường hợp và chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra, xử lý bốn trường hợp khác liên quan đến sử dụng bằng giả.
Ông Nguyễn Thế Vinh, quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hải Hậu cho biết, trong đợt tuyển dụng giáo viên trên địa bàn huyện tháng 8/2011 đã có bốn trường hợp sử dụng bằng và bảng điểm giả để tham gia thi tuyển.
Các trường hợp này đều đã trúng tuyển và nhận công tác tại các trường trên địa bàn Hải Hậu.
Tỉnh Nam Định có quy định chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm chuyên ngành sư phạm tiểu học vào dạy tiểu học; còn các trường hợp khác như tốt nghiệp cao đẳng liên thông, trung cấp sư phạm ngành tiểu học hoặc cao đẳng sư phạm chuyên ngành cấp trung học cơ sở sẽ không được tuyển.
Trước quy định này, một số ứng viên có bằng trung cấp sư phạm ngành tiểu học, cao đẳng liên thông hoặc cao đẳng ngành sư phạm trung học cơ sở đã mua bằng và bảng điểm giả để đăng ký, dự tuyển giáo viên.
Sự việc lúc đầu tỏ ra "êm thấm" do Hội đồng tuyển dụng huyện Hải Hậu trong quá trình thu nhập hồ sơ không phát hiện ra bởi bằng và bảng điểm được làm giả rất tinh vi.
Các giáo viên sau khi trúng tuyển được phân công đi công tác tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, một thời gian sau, một số người dân biết rõ sự việc lên tiếng tố cáo và cơ quan công an vào cuộc điều tra, xác minh, phát hiện bốn trường hợp sử dụng bằng và bảng điểm giả.
Theo điều tra của Công an huyện Hải Hậu, để có thể tuyển dụng làm giáo viên tiểu học, Phạm Ánh H (sinh năm 1991; trú tại Xóm Cầu, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; tốt nghiệp trung cấp giáo dục tiểu học trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương) và Ngô Thị Thanh H (sinh năm 1989, trú tại xóm 7, xã Nam Dương, huyện Nam Trực; tốt nghiệp trung cấp giáo dục tiểu học trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam) đã bỏ ra lần lượt 72 triệu và 65 triệu đồng để nhờ Nguyễn Văn Hiến (sinh năm 1958, trú tại xã Nam Dương, huyện Nam Trực) và Nguyễn Xuân Chí (sinh năm 1958, có hộ khẩu thường trú tại số nhà 7/52/1 đường Lương Thế Vinh, phường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định) mua bằng, bảng điểm giả cao đẳng sư phạm và xin giúp vào làm giáo viên tại huyện Hải Hậu.
Còn Hà Thị Th (sinh năm 1989, trú tại đội 9, xã Trực Khang, huyện Trực Ninh; tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Hải Dương hệ trung cấp sư phạm giáo dục tiểu học) được Đỗ Quang Phúc (ở thành phố Thái Bình) và Nguyễn Ngọc Chuân (ở thành phố Nam Định) mua giúp bằng và bảng điểm cao đẳng sư phạm, đồng thời nhờ Đỗ Văn Trưởng (trú xã Nam Tiến, huyện Nam Trực) làm hồ sơ và xin xét tuyển giáo viên tại Hải Hậu.
Trường hợp khác là Nguyễn Thị D (chưa rõ năm sinh, địa chỉ) có bằng cao đẳng sư phạm chuyên ngành sư phạm trung học cơ sở nhưng vì huyện chỉ tuyển cao đẳng sư phạm ngành sư phạm tiểu học nên D đã mua bằng và bảng điểm giả cho phù hợp với tiêu chí của tỉnh.
Căn cứ kết quả trúng tuyển giáo viên năm 2011, ngày 23/8/2011, Ủy ban Nhân dân huyện Hải hậu ký hợp đồng lao động với Phạm Ánh H, Ngô Thị Thanh H, Hà Thị Th và Nguyễn Thị D từ ngày 1/9/2011 đến ngày 31/8/2012. Bốn trường hợp này được phân công về dạy tại trường Tiểu học Hải Triều và trường Tiểu học Hải Lý.
Sau một thời gian, Phạm Ánh H chuyển công tác đến trường Tiểu học xã Nam Hùng, huyện Nam Trực. Đến khoảng giữa năm 2012, trước đơn thư tố cáo của một số người dân, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh, phát hiện cả bốn trường hợp trên đều sử dụng bằng và bằng điểm giả. Các giáo viên này đều đã bị cho thôi việc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Thế Vinh cho biết thêm, rút kinh nghiệm những năm trước, trong đợt tuyển dụng giáo viên tiểu học tháng 7/2013, Phòng Giáo dục và Đào tạo Hải Hậu tăng cường rà soát, kiểm tra, đối chiếu và đã phát hiện bốn trường hợp nữa. Phòng đã chuyển giao cho cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo pháp luật.