Năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,5 triệu khách quốc tế
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5; tổng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng. Cả 3 chỉ tiêu trên đều đạt và vượt kế hoạch đề ra cho năm 2023.
Phục hồi mạnh mẽ
Năm 2023, với mục tiêu phục hồi và phát triển du lịch, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý, Hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều cố gắng.
Trong năm, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hai Hội nghị với ngành du lịch để bàn và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển. Ngày 18/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua chính sách mới về thị thực, xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở Trung ương, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã tham mưu, phối hợp trình Chính phủ ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phục hồi phát triển du lịch. Đồng thời, Cục đã tham mưu Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì 3 hội nghị quan trọng: Hội nghị "Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam" (tháng 12/2022); Hội nghị toàn quốc về du lịch (tháng 3/2023) và Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững (tháng 11/2023).
Trong năm 2023, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố tổ chức thành công nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè thế giới, như: Hội nghị "Các giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam"; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2023 với chủ đề: Du lịch Văn hóa; phối hợp với Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) sản xuất chương trình "Du lịch Việt Nam-Vietnam Traveller" phát sóng trên kênh VTV1; tổ chức Tọa đàm "Đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch"; tổ chức Lễ hội Bánh mì lần thứ nhất năm 2023…
Trong năm, các hoạt động, sự kiện du lịch cũng đã diễn ra sôi động trong cả nước, tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi cả hoạt động du lịch nội địa và quốc tế. Cùng với đó là hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện.
Đặc biệt, công tác xây dựng văn bản quản lý nhà nước được xác định là một trong những trọng tâm triển khai trong giai đoạn phục hồi du lịch; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được tham mưu rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời; công tác quản lý hoạt động lữ hành, khu, điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch, cơ sở lưu trú và công tác xúc tiến, quảng bá tiếp tục được đẩy mạnh; công tác chấn chỉnh, kiểm tra, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch được quan tâm, đề cao; chuyển đổi số trong hoạt động du lịch diễn ra mạnh mẽ…
Nhờ đó ngành du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tổng số khách du lịch quốc tế trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt; vượt 5,8% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.
Hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục vinh dự nhận danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2023". Tại Lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế (WTA) vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" và nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều hạng mục giải thưởng danh giá khác.
Đến nay cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022) với nhiều loại hình doanh nghiệp đa dạng hơn; 37.331 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ; 573 điểm du lịch, 64 khu du lịch cấp tỉnh và 7 khu du lịch cấp quốc gia được công nhận; 90 cơ sở đào tạo được uỷ quyền cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Về cơ sở lưu trú cả nước hiện có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 780.000 buồng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong năm 2023 công tác quản lý nhà nước về du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: một số quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn về kinh doanh lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên không còn phù hợp thực tiễn; cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao chưa được quan tâm; chưa tổ chức được các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam có quy mô, tính chất quốc gia, tạo tiếng vang; liên kết phát triển du lịch giữa cơ quan quản lý du lịch trung ương và địa phương, giữa các khối cơ quan quản lý nhà nước-hiệp hội-doanh nghiệp vẫn chưa chặt chẽ…
Một trong số nguyên nhân được Cục Du lịch chỉ ra là do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có phạm vi hoạt động và tính chất, quy mô gồm nhiều thành phần; một số quy định, chính sách, văn bản quản lý nhà nước chưa thống nhất, đặc biệt là đối với hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chất lượng cao…
Cục Du lịch cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung triển khai có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản quản lý nhà nước, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động du lịch.
Cục Du lịch cũng sẽ thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả. Trong đó, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa...) để hình thành các vùng liên kết, động lực tăng trưởng du lịch (Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Hà Nội-các tỉnh miền núi phía Bắc; Hà Nội với các tỉnh miền Trung, Huế-Đà Nẵng; Khánh Hòa-Ninh Thuận-Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận; Cần Thơ-Cà Mau-Kiên Giang)…
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng mô hình, phương thức xúc tiến du lịch có hiệu quả; tăng cường quản lý khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch bền vững; rà soát, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh…
Nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ cho ngành du lịch năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đề nghị các sở quản lý du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư du lịch, phát huy vai trò của nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển du lịch hiện đại, đẳng cấp quốc tế.
Tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, nâng cao chất lượng công tác hoạch định chính sách, đổi mới tư duy về quản lý và phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch theo phương châm "Nhà nước-doanh nghiệp-nhân dân đồng hành phát triển du lịch"; tích cực triển khai và tham mưu triển khai các sáng kiến, ý tưởng xúc tiến quảng bá mới, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng...