Năm 2021 của Barcelona: Của La Masia trả lại cho La Masia
(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch Joan Laporta đã biến bản thân thành kẻ thù với các cổ động viên Barcelona khi buộc Leo Messi phải rời Camp Nou theo cách gây sốc nhất với thế giới, và Barca thì bị loại khỏi Champions League lần đầu tiên sau 17 năm.
Với nhiều người, đó là hành động gây hấn với lịch sử và biểu tượng của đội bóng xứ Catalunya, nhưng vị chủ tịch có vẻ như theo đuổi chủ nghĩa dân túy không quá lo lắng cho điều đó, ông đang nỗ lực vượt qua những di chứng của vụ Barcagate đã vấy bẩn hình ảnh của Barcelona, đẩy lùi cuộc khủng hoảng tài chính, xây dựng một kỉ nguyên mới với Xavi Hernandez và những cậu bé từ La Masia.
Một năm sóng gió
Vụ Barcagate dù không còn gây ra quá nhiều tác hại nhưng nó vẫn ở đó, với việc cựu chủ tịch Josep Bartomeu bị tạm giữ trong vòng 48 giờ đồng hồ trước khi ông này quay trở lại tấn công Joan Laporta. Nhưng vị chủ tịch đương nhiệm vẫn đứng vững và đáp trả những cáo buộc đó một cách rành rọt. Trước đó, ông là khiến tất cả sửng sốt khi công bố khoản nợ hơn 1 tỉ euro của câu lạc bộ khoản lỗ hơn 481 triệu euro.
Nó thật sự là một vụ Big Bang ở xứ đấu bò, vì không chỉ phơi bày phần đen tối nhất trong những thương vụ đắt đỏ và cũng lố bịch nhất thế giới như Coutinho hay Dembele, mà nó còn cho thấy, đội bóng này được điều hành bởi những kẻ phá hoại, lũng đoạn tài chính và thao túng truyền thông, và điều đó thì tồi tệ đến như thế nào khi những ngôi sao này đang trở thành gánh nặng cả ở khía cạnh thể thao và kinh tế.
Barcelona không chỉ bị coi là con nợ mà còn bị trói chặt chân tay bởi những qui định tài chính được siết chặt khiến cho họ phải nghiến chặt răng chìa bàn tay với những quỹ tiền tệ để có cơ hội vận hành cỗ máy này một cách suôn sẻ.
Nó có thể là một phần nhỏ của lý do cho việc Leo Messi phải ra đi, vì phần lớn là Joan Laporta không muốn quyền lực của ông bị chia sẻ và bị phân tán tại Camp Nou vì sức ảnh hưởng quá lớn của siêu sao người Argentina.
Vị chủ tịch 59 tuổi sẽ còn gây tranh cãi trong nhiều năm nữa vì đã khiến số 10 phải rời đi với nước mắt, Ronald Koeman bị sa thải vì thành tích kém cỏi và Barcelona kết thúc năm 2021 ở vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng, nhưng ông đã làm tất cả những gì cần thiết trên cương vị của một nhà quản lý để khiến mọi thứ tốt hơn, nhưng nếu không bắt đầu hành động như một người khởi xướng cách mạng, Laporta không bao kết thúc mọi thứ bằng vinh quang.
Mở đầu cách mạng
Chúng ta luôn cần có thời gian để đánh giá điều gì là tốt đẹp hoặc tệ hại, có những điều luôn bắt đầu với sự hỗn loạn rồi sau đó trở thành niềm hạnh phúc, nhưng có những điều tưởng chừng như sẽ mang tới may mắn nhưng lại kết thúc bằng đổ vỡ.
Bạn không thể phán xét mọi thứ ngay trong những lần đầu tiên, và điều đó càng đúng với Barcelona, ở bất cứ phần lịch sử nào của họ. Đội bóng xứ Catalunya đã trải qua nhiều giai đoạn đau thương như những gì đã xảy đến trong năm 2021 trước khi bước vào thời kì hoàng kim của mình. Năm 1988 là sự kiện Hesperia, khởi đầu cho sự xuất hiện của cố huyền thoại Johan Cruyff và Dream Team, như cả thế giới đã biết.
Năm 2000, Figo thực hiện cuộc đào tẩu tới Real Madrid, đó là vụ scandal không thể gột rửa, dù có lẽ bây giờ nó còn chằng thể so sánh với sự mất mát từ Leo Messi, chủ tịch Joan Gaspart từ chức và cuộc khủng hoảng kéo dài đấy cũng chính là khởi nguồn cho thời kì hoàng kim từ Frank Rijkaard-Ronaldinho tới Pep Guardiola-Leo Messi và sau đó là Luis Enrique-Leo Messi.
Lần này cũng vậy, nếu quá khứ hai thập kỉ trở lại đây gắn liền với tên của siêu sao người Argentina thì cuộc khủng hoảng này là sự quá độ cần thiết để gây dựng một nền móng mới với Xavi Hernandez là người dẫn dắt, phía sau huyền thoại của Barcelona là Pedri, Ansu Fati, Nico và Gavi.
Nó có thể kéo dài trong vài năm tới trước khi lên đến đỉnh cao như chờ đợi, nhưng chắc chắn là sự sống đã được ươm mầm trong đống đổ nát, nó có cơ hội để phát triển và điều cần làm là chủ tịch Laporta cùng các cộng sự của ông phải đảm bảo những tài năng này sẽ đạt đến tầm vóc như Xavi-Iniesta-Messi trước đây.
Sự ra đi của ngôi sao người Argentina có thể không quá tồi tệ về mặt giá trị lịch sử, vì nó đang khởi đầu cho một cuộc cách mạng mới. Và cuộc khủng hoảng tài chính, theo một cách tích cực, đã đưa Barcelona trở lại với những giá trị bản thể, thay vì đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng, họ có cơ hội sử dụng những tài năng tự đào tạo, vì những gì thuộc về La Masia phải trả lại cho La Masia.
Nhật Minh