Năm 2016: Không tái diễn cảnh lôi lợn ra chém giữa sân đình
(Thethaovanhoa.vn) - Không phải vấn đề mới, nhưng những tranh cãi về nghi lễ mang tính “bạo lực” lại làm nóng cuộc họp tổng kết lễ hội 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (diễn ra chiều 30/12).
“Chúng ta dứt khoát sẽ không để tái diễn tình trạng lôi lợn ra chém giữa sân đình vào năm tới” - ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH, TT&DL khẳng định. “Và lâu dài, những lễ hội có phần chọi trâu, đâm trâu cũng sẽ phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với Thông tư 15”.
Vừa ban hành và sẽ có hiệu lực kể từ tháng 2/2016, thông tư 15 của Bộ VH, TT&DL gồm 16 điều, liên quan tới một số quy định mới trong việc cấp phép, tổ chức, đảm bảo văn mình lễ hội.Đặc biệt, điều 4 của Thông tư quy định không tổ chức các lễ hội có nội dung “mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập bạo lực; cảnh rùng rợn, mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác, mô tả các hành động tội ác khác”.
Trước đó, khi chia sẻ về vấn đề này, đại diện Sở VH,TT&DL Quảng Nam cũng cho biết: tại khu vực tỉnh Tây Giang (Quảng Nam) vẫn đang tồn tại nghi thức đâm trâu trong một số lễ hội mừng lúa mới của bà con các dân tộc thiểu số. Hiện, lãnh đạo địa phương cũng đã có nghiên cứu các biện pháp vận động bà con để từng bước thay đổi tập tục này. Tuy nhiên,chắc chắn đó sẽ là một quá trình rất dài, bởi nghi thức đâm trâu đã từng “bén rễ” rất sâu trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào vùng cao.
Riêng theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Hoa (Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở VHTTDL Bắc Ninh), sau những cuộc vận động của địa phương, nhân dân làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đã có sự thay đổi trong nghi thức chém lợn vào năm 2013,2014 theo hình thức “chém kín” (được thực hiện ở nơi khuất, chỉ có một số ít người chứng kiến). Tuy nhiên, vào năm 2015 vừa qua, trước sự phản ứng của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, cũng như theo nguyện vọng của bà con nơi đây, lợn lại được mang ra chém giữa sân đình.
“Theo đúng nguyên tắc quản lý văn hóa,chúng tôi đã không xét thành tích làng văn hóa năm 2015 cho Ném Thượng, cũng như không xét tăng lương cho cán bộ quản lý của Ném Thượng. Nhưng về bản chất, đây là một vấn đề rất khó giải quyết, bởi việc vận hành nghi thức này là nguyện vọng của nhân dân địa phương” – ông Hoa nói.
Trước ý kiến của ông Hoa, ông Vũ Xuân Thành nhắc lại một số cuộc hội thảo từng được tổ chức về vấn đề này. Theo đó, dù ủng hộ quyền thực hành nghi lễ truyền thống của cộng đồng, nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo làng Ném Thượng nên tổ chức nghi thức này theo hình thức “chém kín”.
“Lễ hội không phải là một cái gì bất biếnmà có thể điều chỉnh được – nhất là những yếu tố không còn phù hợp với xã hội hiện đại” – ông Thành khẳng định. “Ngay cả với các trò cướp phết Hiền Quan hay tranh lộc đền Gióng, địa phương cũng cần phải có sự điều chỉnh về hình thức tổ chức để tránh những cảnh bạo lực, phản cảm trong mùa lễ hội tới đây”.
Thực tế,trong năm 2015, vấn đề “lễ hội bạo lực” đã thu hút sự chú ý tối đa của dư luận. Bên cạnh những tranh cãi quanh tục đâm trâu chém lợn, cảnh xô xát, đánh lộn “thực sự” tại hội cướp phết Hiền Quang (Phú Thọ) hay trong nghi thức tranh lộc tại Hội Gióng (Sóc Sơn) cũng khiến nhiều người tỏ ý lo lắng về sự biến tướng của những nghi thức truyền thống này.
Sơn Tùng