Mỹ xét xử vụ “Rockefeller dỏm”
Người đàn ông mang họ Rockefeller
Christian Karl Gerhartsreiter, nhân vật tự nhận là có họ hàng với trùm dầu mỏ Rockefeller |
Nhưng đó là trước khi người vợ Sandra Boss tiến hành ly dị và mang đi không chỉ ngôi nhà đắt tiền tại Boston mà còn cả căn thứ hai ở New Hampshire. Chưa hết, Sandra còn lấy đi đứa con gái và đề nghị tòa chỉ cho Clark thăm con 3 lần/năm, mỗi lần 8 tiếng và phải có sự giám sát của nhân viên xã hội. Bất chấp việc đó, Clark vẫn là “ngài Rockefeller” được kính trọng. Ở tuổi 47, ông ta được xem là thành viên một gia đình danh giá, thông minh, giàu có. Clark sở hữu một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền, có chân trong những CLB dành cho giới thượng lưu và được nhận khoản tiền bồi thường ly dị trị giá 800.000 USD.
Khi hai cha con đi đến phố Marlborough, một chiếc xe SUV màu đen bất ngờ trờ tới. Chẳng nói chẳng rằng, Clark xô ngã nhân viên giám sát, đẩy con gái vào xe và hò hét yêu cầu tài xế đạp ga. Clark biến mất cùng cô con gái trong khoảng một tuần trước khi bị bắt vào ngày 3/8/2008 với tội danh bắt cóc và tấn công người khác.
Nói dối “thành thần”
Thời điểm bé Reigh bị bắt cóc, cảnh sát Boston đã tìm kiếm trong kho thông tin quốc gia cái tên Clark Rockefeller để phục vụ cho việc phá án. Tuy nhiên, họ hoàn toàn bất ngờ khi không tìm thấy gì. Nhà chức trách liên hệ với Sandra, nhưng chị này cũng không nắm được bất kỳ thông tin cá nhân nào của Clark như số bằng lái, thẻ an sinh xã hội, mã số thuế. Thẻ tín dụng của Clark được lập dựa trên tài khoản của Sandra, người có thu nhập lên tới 1,2 triệu USD/năm. Số điện thoại di động của Clark đăng ý dưới tên một người bạn. Vụ việc kỳ lạ của người đàn ông này sau đó đã được chuyển cho Cục Điều tra Liên bang (FBI). Những liên hệ đầu tiên của FBI với gia đình Rockefeller cho thấy họ không có thành viên nào tên là Clark. Nhà chức trách khi đó mới nhận ra rằng Clark thực tế là tay lừa đảo siêu hạng, kẻ sống nhờ danh tính của người khác.
Christian Karl Gerhartsreiter và con gái Reigh Storrow Mills Boss
Gerhartsreiter tự nhận mình đã tốt nghiệp Đại học Harvard, từng làm việc cho Bộ Quốc phòng, rồi lãnh đạo một công ty sản xuất động cơ tên lửa, hoặc là nhân vật chuyên giải quyết tiền nợ của các nước thuộc thế giới thứ ba... Gerhartsreiter khoe mình thích sưu tập ô tô Rolls-Royces, xe thể thao tốc độ cao của Italia, đồ trang sức và các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền. Nhân vật này nói rằng mình là bạn thân của nữ ca sĩ Britney Spears, cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl, nhà vật lý thiên thể Stephen Hawking và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người mà ông ta gặp trong một lần dắt chó đi dạo(?!).
Một gã tâm thần?
Cho đến khi bị đưa ra tòa, Gerhartsreiter vẫn khăng khăng mình là Clark Rockefeller và cho đến phút chót, người vợ đã ly dị vẫn không biết ông ta thực sự là ai.
Trong phiên xử Gerhartsreiter diễn ra hôm 27/5, bác sĩ tâm lý Catherine Howe cố gắng bào chữa theo hướng xác định ông ta bị điên do mắc hai chứng bệnh tâm thần, gồm bệnh ảo giác và rối loạn hành vi. Howe cho biết Gerhartsreiter luôn nghĩ rằng mình là con cháu trong một gia đình danh giá, bản thân rất giàu có và nhiều quyền lực. Luật sư cho rằng do đã mang bệnh tâm thần, ông ta càng sốc và bị đẩy tới đường cùng khi không được nuôi con gái. Tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng bào chữa theo hướng chứng minh bị tâm thần cũng khó thành công. Một số tên giết người khét tiếng ở Mỹ như Jeffrey Dahmer và David Richard Berkowitz đều đã thử dùng “chiêu” này nhưng thất bại.
Ngoài ra, rắc rối liên quan tới Gerhartsreiter chưa phải đã hết bởi bên cạnh vụ bắt cóc, ông ta còn bị cho là nghi phạm trong vụ mất tích bí ẩn của cặp vợ chồng trẻ Jonathan và Linda Sohus hồi năm 1985. Cả hai rất có thể đã bị giết hại, sau khi họ cho một người đàn ông có tên Christopher Crowe Mountbatten Chichester thuê nhà. Người ta đã xác định được rằng Chichester chính là Gerhartsreiter và tìm thấy một số khúc xương được cho là của Jonathan Sohus. Xem ra trước mắt vẫn còn rất nhiều sóng gió đang chờ đón “ngài Rockefeller dỏm”.