Mỹ hoãn hội nghị thượng đỉnh G7 vì lý do 'lỗi thời'
(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố hoãn hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), vốn dự kiến diễn ra vào ngày 10/6/2020 tại Mỹ, với lý do “đây là một nhóm cực kỳ lỗi thời”.
Hội nghị G7 có thể hoãn tới tháng 9
Theo kế hoạch ban đầu, hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng 6/2020 tại Trại David ở bang Maryland của Mỹ. Hồi tháng 3 vừa qua, Nhà Trắng cho biết do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan khắp thế giới và tình trạng đi lại toàn cầu bị hạn chế, hội nghị này sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tới ngày 28/5, Mỹ đã xem xét tình hình và quyết định tổ chức hội nghị trực tiếp như kế hoạch ban đầu, nhưng tổ chức ở Nhà Trắng thay vì Trại David. Tổng thống Trump cho rằng đã đến lúc tổ chức một hội nghị G7 trực tiếp, đồng thời nhấn mạnh rằng đây sẽ là một thông điệp cho thấy thế giới đang dần khôi phục trạng thái bình thường sau cuộc khủng hoảng y tế COVID-19. Một cuộc họp trực tiếp sẽ thể hiện sức mạnh và tinh thần lạc quan, khi các nhà lãnh đạo làm việc bình thường trong bối cảnh các nước đang nỗ lực vượt qua dịch bệnh. Tuy nhiên, tới ngày 30/5, ông Trump lại tuyên bố hoãn hội nghị.
Lý do mà Tổng thống Mỹ đưa ra là: "Tôi không cảm thấy rằng nhóm G7 có thể đại diện cho những gì đang xảy ra với thế giới. Đây là một nhóm cực kỳ lỗi thời". Ông cũng khẳng định sẽ mời thêm bốn quốc gia là Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh mở rộng của G7 vào mùa Thu năm nay. Tổng thống Trump cho hay hội nghị có thể diễn ra vào tháng 9 tới, trước hoặc sau phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Ý tưởng tổ chức họp mặt trực tiếp được các nhà lãnh đạo G7 tiếp nhận một cách thận trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát chặt và không ít lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai khi các quốc gia dần nối lại hoạt động kinh tế. Đặc biệt, Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối tháng 5 đã khẳng định sẽ không tham dự hội nghị G7 theo hình thức trực tiếp trong bối cảnh phải cân nhắc tình hình dịch bệnh trên thế giới. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc tổ chức hội nghị G7 theo phương thức gặp mặt trực tiếp trong tương lai gần".
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Charles Michel nhất trí tiến hành hội nghị trực tiếp "khi điều kiện y tế cho phép". Thủ tướng Canada Justin Trudeau nêu rõ bất cứ cuộc họp trực tiếp nào cũng phải đặt yếu tố an toàn lên trên hết. Người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng thông báo rằng ông Michel có thể tham gia "nếu điều kiện y tế cho phép".
Để G7 không “lỗi thời”
Nhóm G7 - gồm Mỹ, Italy, Nhật Bản, Canada, Pháp, Đức và Anh - tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường niên để thảo luận về hợp tác kinh tế quốc tế. Do những bất đồng liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Nga đã bị loại khỏi Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8) và G8 sau đó đổi tên thành G7. Một số chính phủ các nước G7 đã nhiều lần bác bỏ đề xuất của Tổng thống Trump đưa Nga trở lại tổ chức này này.
Định hướng từ G7 ở thời điểm hiện tại được cho là quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh các nền kinh tế đều nỗ lực tìm cách xoa dịu những tác động của đại dịch COVID-19.
Các nhà quan sát cho rằng, cuộc khủng hoảng COVID-19 mà G7 đang đương đầu thực sự nghiêm trọng. G7 từng thừa nhận COVID-19 là “một thảm họa nhân loại và khủng hoảng y tế toàn cầu, gây ra rủi ro lớn cho nền kinh tế thế giới". Trong nhóm 6 nước đứng đầu danh sách chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của virus SARS-CoV-2 thì có 5 nước là thành viên G-7, gồm Mỹ, Italy, Pháp, Đức, Anh. Trong đó, nền kinh tế đầu tàu Mỹ cũng đứng đầu thế giới kể cả về số người nhiễm và số ca tử vong. Hai quốc gia G7 còn lại là Nhật Bản và Canada cũng đối mặt với suy thoái. Nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ giảm 5,2% trong năm 2020, còn mức giảm của Canada là 6,2%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Canada dự kiến tăng vọt lên 25% so với mức 6% trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra.
Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến gần đây nhất vào ngày 17/4/2020 (giờ VN), các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí phối hợp hành động, bao gồm cả đối phó với đại dịch và phục hồi kinh tế hậu COVID-19, đồng thời cam kết thúc đẩy thương mại toàn cầu và đầu tư nhằm tăng cường sự thịnh vượng. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời cam kết trên giấy tờ bởi thực tế cho thấy, G7 đã không đưa ra được kế hoạch chi tiết nào để hiện thực hóa cam kết.
Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra bối cảnh để G7 tìm lại vai trò đầu tàu đối với nền kinh tế toàn cầu, thông qua việc thực hiện những hành động mạnh mẽ và hiệu quả để đánh bại đại dịch và nối lại các hoạt động của nền kinh tế thế giới.
Minh Trà/TTXVN (tổng hợp)