Mỹ bùng phát virus gây viêm phổi khiến bệnh viện quá tải: Triệu chứng giống cảm lạnh, chưa có thuốc đặc trị
Các bệnh viện trên khắp nước Mỹ ghi nhận sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm virus RSV trong vòng 3-4 tuần qua. Bác sĩ rất ngạc nhiên khi thấy virus bắt đầu lưu hành từ mùa hè vì thông thường nó đạt đỉnh vào mùa đông.
Bệnh viện quá tải vì bệnh nhi tăng đột biến
Virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus - RSV) thuộc giống Orthopneumovirus, họ Pneumoviridae và bộ Mononegavirales, là căn nguyên hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ và cũng là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi. Ước tính 60% trẻ nhiễm trước 1 tuổi và có đến 80% trẻ đã nhiễm RSV khi được 2 tuổi.
Đêm hôm trước, bé Aesop Light (4 tháng tuổi) vẫn vui vẻ, lanh lợi nhưng đến sáng hôm sau, em bắt đầu có triệu chứng khó thở. Ngay sau đó, cha mẹ của Aesop là Corey và Tara Light đưa con trai đến một phòng cấp cứu gần nhà của họ ở ngoại ô Chicago, nhưng ở đó không có khoa Nhi. Vì vậy, Aesop được xe cấp cứu đưa đến bệnh viện khác cách đó một giờ lái xe.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé dương tính với virus hợp bào hô hấp RSV, loại virus phổ biến gây nhiễm trùng phổi. Tara Light cho hay tình trạng của Aesop nhanh chóng diễn biến xấu.
Sau đó, Aesop Light đã được chuyển đến một Phòng chăm sóc tích cực ICU vào hôm 11/10 do nhịp tim, nhịp thở tăng vọt.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hàng năm, khoảng 58.000 trẻ phải nhập viện vì nhiễm RSV. Trong đó, 100-300 ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuần trước, gần 5.000 xét nghiệm cho kết quả dương tính. Con số này tương đương với cùng kỳ tháng 10/2021 nhưng cao hơn nhiều so với tháng 10/2020.
CDC cho biết, hiện họ không tính số ca nhiễm RSV trên toàn quốc hay số trường hợp nhập viện, tử vong nhưng có theo dõi những thay đổi trong quá trình lây lan của virus.
Người phát ngôn của CDC khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng số ca nhiễm RSV ở nhiều khu vực của Mỹ. Một số nơi thậm chí đạt đỉnh".
Khảo sát tại các bệnh viện cho thấy, tại 5 bang California, Illinois, Massachusetts, North Carolina và Rhode Island đều báo cáo các khu điều trị bệnh nhi tại các bệnh viện nơi họ công tác đang quá tải do số lượng bệnh nhân nhiễm RSV tăng cao.
Tiến sĩ Charlotte Boney, bác sĩ Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Baystate (Springfield, Massachusetts) thừa nhận họ đang không đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh. Thông thường, vào mùa đông, phòng cấp cứu tiếp nhận khoảng 100 trẻ/ngày nhưng hiện con số rơi vào khoảng 130-150 trẻ/ngày. Nhiều bệnh nhân nhiễm RSV ở Massachusetts phải chuyển đến các bang lân cận.
Tiến sĩ Michael Koster, Giám đốc bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Hasbro ở Providence, Rhode Island, cho biết bệnh viện đang phải tiếp nhận và điều trị cho cả những bệnh nhi sống cách đó hơn 160 km. Bởi những cơ sở y tế lân cận đều quá tải.
Tương tự, Tiến sĩ Sameer Kamath (Bệnh viện Nhi đồng Duke) thông tin khu vực xung quanh Raleigh, Durham và Chapel Hill cũng có số ca nhiễm RSV cao. "Đã có những đêm, 3 bệnh nhân nằm trên một giường. Điều này rất đáng sợ", ông nói.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Comer ở Chicago, giường bệnh và phòng chăm sóc đặc biệt ICU đã kín chỗ trong hơn một tháng. Chỉ riêng tháng 10, phòng cấp cứu tiếp nhận số ca nhập viện cao hơn bình thường 150%. Trong đó, có khoảng 10-30 bệnh nhân nhiễm RSV cùng điều trị tại cùng một thời điểm. Số lượng này chiếm phần lớn trong số 30 ICU và 60 giường cấp cứu của bệnh viện.
Triệu chứng giống như cảm lạnh
Nói về nguyên nhân bùng phát bệnh viêm phổi trước thời điểm mùa đông như mọi năm, các bác sĩ cho rằng do nhiều trẻ không tiếp xúc với virus đường hô hấp sau thời gian dài đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội vì Covid-19. Hiện tại, khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng, virus RSV quay lại.
Cũng giống như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua:
- Nhiễm bẩn bởi các giọt bắn có chứa virus RSV được thải ra từ người bệnh qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng.
- Tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt bị nhiễm bẩn có chứa virus hoặc quần áo, vật dụng của người bị bệnh, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
- Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm RSV thông qua thơm hôn hoặc mớm thức ăn...
Virus RSV xâm nhập vào cơ thể con người qua niêm mạc mũi, gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp. Virus đi qua tiểu phế quản và các phế nang làm tổn thương phế nang, ứ khí, thậm chí dẫn đến hoại tử tế bào đường hô hấp.
Theo tiến sĩ Sameer Kamath, Giám đốc Y tế của Bệnh viện Nhi đồng Duke, đối với nhiều trẻ em, triệu chứng nhiễm RSV giống cảm lạnh thông thường. Nhưng đối với một số trường hợp trẻ sơ sinh hoặc trẻ em bị bệnh phổi hay hệ miễn dịch yếu thì các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn, thậm chí là tử vong.
“Những đối tượng thường có triệu chứng nặng là trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi hoặc trẻ lớn tuổi hơn nhưng có bệnh khác”, tiến sĩ Sameer Kamath nói.
RSV có thể dẫn đến viêm tiểu phế quản, khiến đường thở bị viêm và tắc nghẽn bởi chất nhầy, gây khó thở. Nếu nhiễm trùng di chuyển đến các túi phổi, nó có thể gây viêm phổi. Chẳng hạn, như Aesop Light, em có nhiều triệu chứng cảnh báo trước đó. Khi nhập viện, bé được hỗ trợ thở oxy, hút chất nhầy khỏi mũi bằng ống. Đến ngày 13/10, bé đã có thể tự thở.
Đáng nói, hiện tại, các bác sĩ chưa có thuốc đặc trị cho bệnh nhân nhiễm RSV nên chỉ có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ như ống thở, máy thở, dùng steroid...
Tuy nhiên, tiến sĩ Bradley cho biết bệnh viện San Diego sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus RSV từ Pfizer vào cuối năm nay. Pfizer cũng đang thử nghiệm một loại vaccine phòng RSV. Trong thử nghiệm giai đoạn cuối trên người lớn tuổi, nó cho thấy có thể ngăn ngừa bệnh nặng đến 86%.
Dù vậy, tiến sĩ Bradley dự đoán phải mất vài năm nữa, vaccine RSV mới được đưa vào sử dụng. Trong lúc chờ đợi, theo ông, hỗ trợ thở oxy vẫn là biện pháp hiệu quả cao.
"Đây là bệnh nhiễm trùng phổi. Loại virus này không đi đến các cơ quan khác trong cơ thể như cúm. Một khi phổi nhận được oxy và hoạt động trở lại, bệnh nhi sẽ ổn", ông Bradley nói.
Những điều cha mẹ cần lưu ý để hạn chế lây nhiễm RSV
- Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, hoặc sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh.
- Cha mẹ, người lớn cần rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ bị ốm khác...
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch.
- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống với những người có các triệu chứng giống như cảm lạnh.
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật mà mọi người thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa và thiết bị di động...
- Khi trẻ bị bệnh nên cách ly và chăm sóc trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho công cộng.
- Ở những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng khi nhiễm RSV có thể tiêm dự phòng kháng thể đơn dòng mỗi tháng một lần vào mùa dịch giúp tăng cường miễn dịch chống lại virus RSV tốt hơn.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tại Việt Nam, bệnh do RSV bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè. Nhiễm trùng RSV có thể gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng, từ triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh đến các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè do virus. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng và có thể dẫn tới tử vong. Ước tính năm 2015, toàn cầu có 33,1 triệu ca nhiễm trùng đường hô hấp dưới do RSV (ALRI), 3,2 triệu ca bệnh nhập viện và 59.600 ca tử vong tại bệnh viện ở trẻ em dưới 5 tuổi. |
Nguyễn Phượng
Theo NBCnews