'Mùa hoa cải bên sông': Bản quyền không chỉ là tiền
(Thethaovanhoa.vn) - Vở kịch Khát vọng của đạo diễn NSƯT Lâm Tùng (Nhà hát Kịch Việt Nam) vừa tham dự một liên hoan sân khấu tại Trung Quốc và giành 6 giải thưởng quốc tế khác nhau, cụ thể: Vở diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Thiết kế sân khấu xuất sắc nhất và Nam, Nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Nghĩa là, gần như đại diện cho mọi thành phần sáng tạo của vở diễn đều được tôn vinh – ngoại trừ khâu kịch bản. Nhưng, đó lại chính là nơi nảy sinh những rắc rối sau vở diễn.
Rắc rối, bởi hơn 20 năm trước, kịch bản Khát vọng được cố tác giả Tạ Xuyên chuyển thể từ truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
Thế nhưng, khi mang tới Trung Quốc dự Liên hoan, vở diễn lại không có tên ông, (mà chỉ ghi tên cố tác giả Tạ Xuyên trong thành phần sáng tạo). Cho dù, ở những buổi diễn trong nước trước đó, tên truyện ngắn "gốc" và tên nhà văn Nguyễn Quang Thiều vẫn được giới thiệu bình thường.
Sự cố ấy được nhà văn Nguyễn Quang Thiều đón nhận một cách khá bình tĩnh. Ông viết trên trang cá nhân "Xin chúc mừng Nhà hát kịch Việt Nam. Cho dù người ta không nói đến tác giả truyện ngắn nhưng nhiều bạn đọc vẫn nhận ra vở kịch chuyển thể từ truyện ngắn trên của tôi. Một chút vui trong những ngày đầu năm mới".
Thế nhưng, khi Nhà hát kịch VN giải thích (thông qua báo giới) rằng tác quyền vở diễn đã được thanh toán đầy đủ cho gia đình cố tác giả Tạ Xuyên, còn việc thiếu tên nhà văn Nguyễn Quang Thiều trên tờ rơi của vở là do... thiếu chỗ (vì phải in cả phần tiếng Anh và tiếng Trung), thì ông phản ứng và tỏ rõ sự không bằng lòng.
***
Những rắc rối kiểu này không thiếu trong đời sống sân khấu nhiều năm qua, khi một số kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Thông thường, khi dựng vở, các nhà hát thường có xu hướng chỉ làm việc về vấn đề bản quyền với tác giả kịch bản, đồng thời để tác giả này tự "giải quyết" với tác giả của tác phẩm văn học.
Cách làm việc ấy có thể dẫn tới rắc rối về bản quyền, khi chuyện thỏa thuận giữa 2 phía không đạt tới sự rõ ràng (và có văn bản). Bởi, tùy lựa chọn, người viết tác phẩm văn học có thể sẽ nhận được thù lao một lần duy nhất (thường gọi là bán đứt) từ người chuyển thể, hoặc có thể sẽ nhận mức thù lao tương ứng với mỗi lần kịch bản được khai thác trên sân khấu.
Nhưng, quan trọng hơn, cũng từ lý do ấy, nhiều khi những thành phần sáng tạo bị "bỏ quên", như trường hợp "Mùa hoa cải bên sông". Thậm chí khi dàn dựng cho các loại hình sân khấu đặc thù như tuồng, chèo, cải lương, đã có trường hợp không chỉ tác giả văn học mà người chuyển thể (từ kịch bản dành cho kịch nói sang thể loại kịch hát) cũng không được nhắc tới.
Mặc dù, theo khẳng định của các chuyên gia về bản quyền, khi ra đời những tác phẩm phái sinh (như trường hợp Khát vọng phái sinh từ Mùa hoa cải bên sông), việc phải dẫn đầy đủ tên của mọi thành phần sáng tạo (cụ thể ở đây là nhà văn Nguyễn Quang Thiều) là điều bắt buộc, xét theo Luật sở hữu trí tuệ.
***
Sự việc ở thời điểm này đã khép lại, khi đạo diễn NSƯT Lâm Tùng lên tiếng nhận lỗi với tác giả Mùa hoa cải bên sông. Trước đó, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết: ông chỉ cần một lời xin lỗi, thậm chí một cuộc điện thoại để giải thích sau khi sự việc đã xảy ra.
Trong đời sống văn hóa hơn chục năm qua, những sự cố liên quan tới bản quyền chủ yếu dược dư luận quan tâm ở góc độ kinh tế. Nhưng với câu chuyện này, đó lại không phải là vấn đề cả 2 phía đặt nặng. Sơ suất với vở Khát vọng hẳn sẽ giúp người làm nghề ghi nhớ: đôi khi, sự trân trọng và cầu thị với những người trong cuộc lại có hiệu quả hơn bất cứ hợp đồng bản quyền nào.
Anh Bảo