MU và những hay dở dưới kỷ nguyên Glazer
(Thethaovanhoa.vn) - Từ khi MU chính thức được nhà Glazer tiếp quản, đã có không ít gương mặt để lại ấn tượng cùng những chữ ký gây thất vọng. Cùng nhìn lại những gương mặt ấy trước khi Erik ten Hag chính thức nắm quyền từ mùa tới.
Có một điều chắc chắn chờ đợi nhà cầm quân người Hà Lan: Ông vẫn được nhà Glazer cấp ngân sách để mua sắm hè này, bất chấp việc đội chủ sân Old Trafford chỉ góp mặt ở sân chơi Europa League. Trước khi nói về những mục tiêu mua sắm, ông nên nhìn lại những chữ ký thành công và thất bại suốt 17 năm qua của MU.
Thành công
David De Gea (Atletico Madrid, 2011)
Không cần bàn cãi thêm, quyết định chiêu mộ De Gea với mức phí 18,9 triệu bảng từ Atletico Madrid mùa Hè năm 2011 là thương vụ đáng ngợi khen nhất. Đó không chỉ nằm ở việc thủ thành người Tây Ban Nha giữ vai trò người gác đền số một của MU suốt sáu đời HLV khác nhau, tính từ những mùa cuối cùng của Sir Alex Ferguson cho đến nửa năm tạm quyền ngắn ngủi của Ralf Rangnick. Con số chỉ 4 danh hiệu lớn suốt 11 năm qua rõ ràng bất công với năng lực của thủ thành 31 tuổi này, nhưng mọi thứ đáng ra còn tệ hơn với MU nếu không có sự ổn định đến kinh ngạc của De Gea trong khung gỗ. Không phải lúc nào anh cũng giữ được phong độ đỉnh cao, nhưng thật khó tìm ra một thủ môn nào sở hữu trạng thái tinh thần vững vàng như anh trước hàng thủ xoay như chong chóng về nhân sự và chiến thuật của MU. Sẽ chẳng bất ngờ nếu tân HLV Ten Hag tiếp tục đặt niềm tin vào De Gea mùa tới.
Edwin van der Sar (Fulham, 2005)
Trước khi De Gea đặt chân đến Old Trafford, MU từng sở hữu một chữ ký thành công khác trong khung thành: Edwin van der Sar. Khoác áo nửa đỏ thành Manchester ở tuổi 34, thủ thành người Hà Lan chính là điểm tựa vững vàng về kinh nghiệm thi đấu trong một tập thể có nhiều cầu thủ trẻ giàu tiềm năng như Cristiano Ronaldo hay Wayne Rooney. Trong 6 năm gắn bó với đội chủ sân Old Trafford, Van der Sar thu về tổng cộng 11 danh hiệu khác nhau, trong đó có 4 chức vô địch Premier League cùng một lần vô địch Champions League. Đáng chú ý, anh còn tạo ra một kỷ lục khi giữ sạch lưới ở mốc 1.311 phút ra sân, trong đó bao gồm chuỗi 14 trận giữ sạch lưới liên tiếp.
Patrice Evra (Monaco, 2006) – Nemanja Vidic (Spartak Moskva, 2006)
Có hai thương vụ tạo ra bộ tứ vệ trứ danh của MU những năm đầu thế kỷ 21 và đều diễn ra vào kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2006: Patrice Evra gia nhập MU từ Monaco với mức phí 5,5 triệu bảng và Nemanja Vidic buộc MU phải chi 7 triệu bảng để chiêu mộ anh từ Spartak Moskva. Hai gương mặt này có những khởi đầu đối lập khi Vidic không mất nhiều thời gian để tạo ra sự ăn ý ở vị trí trung vệ bên cạnh Rio Ferdinand, trong lúc Evra có màn ra mắt tệ hại ở trận derby Manchester hồi tháng 1/2006, đem đến những lo ngại về một thương vụ thảm họa cho MU. Rốt cuộc, cả hai dần dần chiếm lấy vị trí chính thức một cách vững chãi ở những mùa giải kế tiếp. Evra ra sân tổng cộng 379 lần cho MU, thu về 10 danh hiệu lớn và tạo dựng tên tuổi của một hậu vệ trái hay nhất ở Old Trafford sau thời Denis Irwin. Vidic cũng thu về số danh hiệu tương tự và còn được tin tưởng giữ tấm băng đội trưởng của MU.
Michael Carrick (Tottenham, 2006)
Sau khi hoàn tất thương vụ Evra và Vidic để gia cố hàng thủ vào đầu 2006, MU đã chiêu mộ Michael Carrick từ Tottenham nhằm lấp đầy khoảng trống Roy Keane để lại nơi tuyến giữa. Carrick là một phần không thể thiếu trong đội ngũ MU hiện diện ở ba trong 4 trận chung kết Champions League từ 2008 đến 2011. Anh cũng góp công không nhỏ vào những danh hiệu đầu tiên ở kỷ nguyên hậu Sir Alex, từ chức vô địch Cúp FA mùa 2015-16 dưới thời Louis van Gaal, vô địch Cúp Liên đoàn và Europa League mùa 2016-17. Anh cũng trải qua thời gian làm trợ lý và HLV tạm quyền sau khi giải nghệ vào mùa 2017-18, trước khi chính thức rời đi khi HLV Rangnick dẫn dắt tạm quyền đến hết mùa này.
Thất bại
Gabriel Obertan (Bordeaux, 2009)
Thương vụ Obertan chuyển đến MU vào mùa Hè 2009 đã gây xôn xao không chỉ cho các cổ động viên MU mà cả HLV Laurent Blanc, người khi ấy còn đang dẫn dắt Bordeaux. Cựu trung vệ người Pháp không quên cảnh báo Obertan cần phải vượt qua những thách thức cả về thể chất lẫn tinh thần để trụ lại ở Old Trafford. Rốt cuộc, Obertan chỉ mang về 1 bàn sau 28 lần ra sân và phải khăn gói rời MU sau ba năm gắn bó.
Bebe (Vitoria Guimaraes, 2010)
Đây là một trong những thương vụ kỳ lạ nhất của MU, khi một cầu thủ vô danh như Bebe được chiêu mộ mà không phải thông qua quá trình theo dõi kỹ lưỡng từ Sir Alex Ferguson. Nhiều người từng kỳ vọng Bebe sẽ vụt sáng theo cách người đồng hương Cristiano Ronaldo đã làm sau khi chuyển đến từ Sporting Lisbon. Rốt cuộc, anh chỉ ra sân đúng 7 lần trong mùa đầu tiên ở Old Trafford rồi sau đó là ba mùa giải liên tục được cho mượn. Bản thân Sir Alex sau đó cũng thừa nhận sự nuối tiếc khi quá vội vã chiêu mộ Bebe dưới áp lực theo đuổi từ Real Madrid và Benfica.
Angel Di Maria (Real Madrid, 2014)
Nếu Bebe đem đến sự tiếc nuối về một thương vụ đốt cháy giai đoạn trong sự nghiệp, Di Maria lại chọn sai điểm đến sau khi bày tỏ ý muốn rời Real Madrid vào mùa Hè 2014. Mức phí 59,7 triệu bảng đem đến những kỳ vọng lớn lao cho tiền đạo người Argentina này ở Old Trafford, chưa kể vị thế được nâng tầm của anh sau khi cùng Real Madrid đoạt chức vô địch Champions League thứ 10 trong lịch sử trước đó.
Màn ra mắt của Di Maria khá ấn tượng, ghi 1 bàn và kiến tạo 1 đường chuyền thành bàn ở 3 trong 4 lần ra sân đầu tiên. Rồi điều gì xảy ra sau đó? Di Maria là nạn nhân của việc bị luân chuyển vị trí liên tục dưới thời Louis van Gaal, từ vị trí tiền vệ đến trung phong. Cộng thêm sang chấn tâm lý từ vụ bị trộm nhà vào tháng 1/2015, Di Maria bắt đầu chơi tệ đi từ tấm thẻ đỏ ở trận thua Arsenal tại tứ kết Cúp FA, trước khi anh khép lại sự nghiệp ở MU bằng 23 phút ra sân ở trận gặp Hull tại vòng đấu cuối cùng và sau đó chuyển đến PSG vào mùa Hè 2015.
Alexis Sanchez (Arsenal, 2018)
Sanchez đã được chào đón nồng nhiệt bằng một đoạn video ra mắt có cảnh tiền đạo người Chile chơi đàn piano. Rốt cuộc, quãng thời gian ngắn ngủi của anh ở Old Trafford chẳng là một bản nhạc như ý. 5 bàn thắng trong 45 lần ra sân cho MU quả là con số chẳng xứng tầm với mức lương cao ngất trời lên tới 560.000 bảng/tuần của Sanchez. Việc phải làm bạn liên tục với giường bệnh đã làm suy giảm những đóng góp của tiền đạo người Chile. Đến tháng 8/2020, MU thở phào khi tống Sanchez sang Inter Milan dưới dạng chuyển nhượng tự do, sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về tài chính.
Sancho-Rashford: Chơi hay ở MU, hoặc ngồi nhà xem World Cup Mới đây, HLV Gareth Southgate đã phát đi thông điệp cảnh báo đến bộ đôi tấn công Marcus Rashford-Jadon Sancho: Họ cần phải tận dụng cơ hội để tỏa sáng ở MU từ đầu mùa tới nếu muốn nuôi hy vọng có tên trong danh sách đội tuyển Anh dự World Cup 2022 vào cuối năm. Cả hai là những người đã đá hỏng loạt sút luân lưu ở trận chung kết EURO 2020, khiến tuyển Anh mất chức vô địch vào tay Italy. Kể từ đó đến giờ, cả Rashford lẫn Sancho đều không còn được đảm bảo chỗ đứng ở ĐTQG. Lần gần nhất Sancho có tên trong thành phần tuyển Anh là tháng 10 năm ngoái, còn trường hợp của Rashford là đợt tập trung tháng 11 năm ngoái. Cả hai được coi là những hạt nhân tương lai trong đội hình của HLV Southgate khi Sancho mới 22 tuổi còn Rashford là 24 tuổi. Bây giờ, khó khăn đang chờ đợi họ khi bộ đôi này không được đảm bảo tần suất đá chính đều đặn ở MU. Sancho không tìm thấy chỗ đứng thường xuyên khi Cristiano Ronaldo vẫn là gương mặt bất khả xâm phạm trên hàng công MU, còn việc Rashford đóng góp 4 bàn và 2 đường kiến tạo vẫn chưa tương xứng với năng lực vốn có của mình. |
Đức Hùng (Tổng hợp)