MU và chuyện nổi tiếng nhờ băng sex
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2003, có một sự kiện gây rúng động internet: Cuộn băng sex của Paris Hilton và người tình cũ Rick Salomon bị (được) phát tán rộng rãi.
1. Trước đó, cô được biết đến như là con gái của tỷ phú đã sáng lập chuỗi khách sạn Hilton nổi tiếng toàn cầu, theo kiểu người ta hay ngưỡng mộ những “rich kid” (những đứa trẻ ngậm thìa vàng). Paris Hilton không có tài năng gì đặc biệt, khi ấy mới ký hợp đồng làm người mẫu cho công ty quản lý của Donald Trump, xuất hiện trên một vài tạp chí người lớn, và đóng một vài bộ phim. Chấm hết.
Nhưng cuộn băng sex mới thực sự biến Hilton thành một hiện tượng giải trí: Các tờ báo lá cải bắt đầu đăng trích những hình ảnh được che từ các clip, đồng thời không quên thòng theo bình luận về đời sống trác táng của giới trọc phú. Những tờ báo nghiêm túc hơn thì bắt đầu phê phán thói háo danh vô nghĩa, và sự phô dâm quá mức của thời đại internet. Rồi các độc giả bắt đầu lên tiếng: Họ cho rằng giới truyền thông đã phí quá nhiều giấy mực cho một kẻ bất tài vô tướng.
Tất nhiên là mọi người đều đồng thuận rằng “trend” (xu hướng) này thật là hạ đẳng, thậm chí chẳng đáng để bàn đến. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận: Đa số những công dân của thời đại internet đều bị cuốn theo nó, dù ngoài mặt, họ có thể tỏ ra khinh bỉ. Ngay sau khi nổi tiếng nhờ cuốn băng sex, Paris Hilton và cô bạn thân Nicole Richie đã cùng nhau thực hiện ngay một show truyền hình thực tế có tên “Cuộc sống giản đơn”, và ngay tập đầu tiên đã đạt rating 13 triệu lượt người xem.
Từ đó, Hilton trở thành một hiện tượng thực sự, dù… chẳng có tài năng gì ngoài ăn với chơi. Sự nổi tiếng của cô nàng đã trở thành một biểu tượng: Những thứ tầm phào, thậm chí có phần hạ lưu theo luân lý chung, nhưng có sức hút khủng khiếp, khiến ai cũng phải bàn về nó. Những người nổi danh chỉ vì họ… nổi tiếng, không hơn không kém. Và sự chú ý của dư luận chẳng có ý nghĩa gì với chủ thể cả. Paris Hilton cơ bản vẫn là một hình tượng trống rỗng, dù ai cũng biết và bàn về cô.
2. Cho đến giờ, khi đã trải qua mùa giải thứ năm trắng tay và hoàn toàn không xây dựng được lối chơi hay phong cách cụ thể nào, MU vẫn là một thương hiệu được định giá đứng thứ ba thế giới (1,13 tỷ euro), với một lượng cổ động viên đông đảo trên khắp toàn cầu, và luôn tạo được “trend” trên mạng xã hội. Các CĐV vẫn bàn về MU một cách sôi nổi, dù về cơ bản, đây không còn là một đội bóng đáng để bàn tới, nếu bạn nghĩ về một CLB hàng đầu.
Mọi người bàn về họ như thế nào: Các clip phòng ngự hài hước của Harry Maguire; những pha bỏ lỡ không tưởng của Martial, Rashford; scandal hiếp dâm của Mason Greenwood; và hàng loạt những chuyện vô nghĩa khác. Hãy nhớ rằng trong vài năm ấy, ở nửa kia thành Manchester, Pep Guardiola và các cầu thủ của ông đã tạo ra một đội bóng thực sự, có cá tính, triết lý và khát vọng. Họ vẫn chưa nổi tiếng bằng MU, và không thể so bì về lịch sử, nhưng chưa bao giờ là một tập thể trống rỗng, như đội áo đỏ bây giờ.
Trong kỷ nguyên hiển hách chưa xa, Sir Alex Ferguson chính là người giữ cân bằng cho MU, một CLB lúc nào cũng có thể trở thành một hiện tượng kiểu Paris Hilton. Ông là người “sạc” cho các học trò đến nơi đến chốn mỗi khi họ xao lãng với công việc của mình. Ông đã từng gay gắt quá mức với học trò cưng David Beckham chỉ vì anh đã yêu một ca sĩ nổi tiếng (hãy nhớ lại vụ chiếc giày bay), đến nỗi rốt cục phải chứng kiến anh rời Old Trafford. HLV người Scotland hiểu rõ sự phù phiếm của những biểu tượng rỗng ruột: MU với ông, trước hết phải luôn là một đội bóng. Cả đời Ferguson đã đề phòng mối nguy này, nhưng mọi chuyện dần tuột dốc khi ông ra đi.
3. Một clip tân HLV Ten Hag đứng hò hét chỉ đạo trên sân tập, gay gắt đến mức… văng tục, đã viral (lan truyền) rất nhanh trên mạng xã hội gần đây. Sau trận giao hữu hòa Aston Villa vừa qua, ông cũng đã “sạc” họ một trận trong phòng thay đồ, vì đã lơ đễnh đánh rơi hai bàn dẫn trước. Ông nói thẳng luôn rằng “có thể là mấy anh chàng ấy mệt mỏi nhưng đó không phải cái cớ”, và “họ phải thể hiện hết mình và đó là những gì chúng tôi không làm được trong hiệp hai”.
Khi mới ngồi lên ghế HLV MU, tân HLV Ten Hag đã chia sẻ về triết lý của ông: “Tôi nghĩ một trong những vấn đề cần giải quyết nếu bạn muốn có kết quả là bạn cần một tập thể. Tức là tính tổ chức, sự hợp tác, và cả kỷ luật nữa. Khi không có kỷ luật ngoài sân, bạn cũng không thể tìm thấy nó trên sân. Với những vấn đề kiểu thế, tôi khá nghiêm khắc. Nhưng tôi nghĩ, bản thân các cầu thủ cũng phải nghiêm khắc với nhau, vì muốn thành công thì họ phải thành một khối. Đôi khi rất cần sự điều chỉnh”.
Có vẻ Ten Hag là một gáo nước lạnh, và người ta đã chứng kiến MU chơi như lột xác trong vài trận giao hữu gần đây, với một phong cách nghiêm túc và đáng xem hơn hẳn. Truyền thông và dư luận cũng đã bắt đầu nói về họ với tư cách một đội bóng hơn là một tập thể tấu hài. Tất nhiên, mùa giải vẫn còn chưa bắt đầu, và tất cả vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhưng đội bóng hiển hách cỡ đó, dĩ nhiên, không hề muốn mình chỉ nổi tiếng theo kiểu Paris Hilton với một cuộn băng sex.
Phạm An