MU có thể gặp vấn đề lớn vì quá chậm chạp trong vụ De Jong?
Người ta không xây thành Rome trong một ngày nhưng sau vài tuần thì họ cũng phải đặt vài viên gạch trong khi đó MU thực tế chưa làm gì để mua Frenkie de Jong.
MU khởi động chiến dịch mua sắm mùa Hè chậm chạp một cách đáng lo ngại. Điều này có thể khiến quá trình tái thiết quy mô của Erik Ten Hag bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đến lúc này HLV người Hà Lan vẫn chưa có bất kỳ viện binh mới nào trong khi những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với MU như Man City, Liverpool, Tottenham đều đã củng cố lực lượng rất đáng kể trước khi tập luyện cho mùa giải mới.
Tất nhiên sự khác biệt nói trên có thể được lí giải phần nào dựa trên xuất phát điểm của các đội bóng. Các đội như Man City, Liverpool, Tottenham đều không thay HLV và HLV của họ đều đã có các kế hoạch nhân sự dài hơi trong khi MU trải qua những thay đổi ở vị trí HLV nên dĩ nhiên MU phải mất nhiều thời gian hơn để vạch kế hoạch cho tương lai và do đó, sự chậm chạp của họ trên thị trường chuyển nhượng cũng không có gì bất ngờ.
Dễ hiểu vì sao Erik ten Hag coi Frenkie de Jong là viên gạch đầu tiên ông cần có cho dự án tái thiết Quỷ Đỏ. De Jong từng là học trò của Ten Hag nên ông hiểu rõ cầu thủ này. De Jong có khả năng chuyền bóng, xử lí bóng tinh tế và nhạy cảm chiến thuật mà không tiền vệ nào hiện tại của MU có được.
Tuy nhiên, MU đến giờ vẫn chưa thể mua được De Jong mà một trong những nguyên nhân là Erik Ten Hag phải mất thời gian thuyết phục anh này đến Old Trafford. De Jong không muốn gia nhập một CLB không được dự cúp C1 mùa tới.
Nhưng ngay cả khi De Jong có vẻ đã “xuôi xuôi” vì hiểu rằng Barca không cần anh và anh không có lựa chọn nào khác hơn thì MU vẫn chưa thể “chốt đơn”.
Barca sẵn sàng bán De Jong cho MU để tái đầu tư vào Lewandowski hay Bernardo Silva. Không đội nào khác cạnh tranh với MU trong vụ này. Nhưng MU vẫn còn cách Barca một khoảng trên bàn thương lượng nên các cuộc thương lượng giữa hai bên vẫn chưa đến hồi kết.
Các cuộc thương lượng càng kéo dài thì nguy cơ MU thất bại trong vụ De Jong càng nhiều. De Jong nhiều lần khẳng định là muốn ở lại Camp Nou nhưng Barca cần tiền nên muốn bán anh. Dù vậy, Barca không định bán rẻ tiền vệ người Hà Lan mà đòi giá cao nhất có thể. MU thì cứ “kì kèo” nhằm giảm giá mua. Hai bên không bên nào chịu nhượng bộ cho tới lúc này nên các cuộc thương thảo vẫn không có tiến triển.
MU không thể thực hiện nhiều vụ giao dịch cùng lúc nên nếu họ càng tập trung cho vụ De Jong thì họ càng mất thêm thời gian để chiêu mộ các cầu thủ khác mà Ten Hag cũng muốn có. Điều đó đồng nghĩa với việc họ có nhiều nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội mua sắm hơn.
De Jong dĩ nhiên là nhân tố quan trọng trong dự án tái thiết của Ten Hag nhưng MU không chỉ cần mua De Jong. Họ còn cần tăng cường một tiền vệ phòng ngự chất lượng cao mà nhiều mùa giải qua họ không có.
Họ cần một tiền đạo đẳng cấp thế giới mà không quá già vì không thể trông cậy gì nhiều ở Ronaldo dù Ronaldo có ở lại mùa tới. Họ cần một trung vệ tầm thế giới vì Maguire chơi không đạt yêu cầu còn Varane quá nhạy cảm với chấn thương.
Sự chậm chạp trên thị trường chuyển nhượng đã nhiều lần khiến MU không có được chiến dịch mua sắm như ý muốn. Do không thể chốt sớm các mục tiêu mua sắm nên cuối cùng MU chiêu mộ cầu thủ theo kiểu “vơ bèo vạt tép”.
Những thương vụ như kiểu mua Van de Beek, Cavani, Alex Telles và Facundo Pellistri đều được thực hiện trong tình trạng vội vàng và khi MU không còn nhiều lựa chọn. Hệ quả thế nào chúng ta đều đã biết.
Nếu MU mất quá nhiều thời gian để chốt vụ De Jong thì họ sẽ lại giẫm vào vết xe đổ của chính họ trên TTCN. Nó có thể dẫn đến việc MU không còn đủ thời gian để chiêu mộ những cầu thủ khác đúng theo “đơn đặt hàng” của Erik ten Hag và thay vào đó, họ mua về những cầu thủ có thể không hợp hoặc không đủ trình độ để chơi bóng đúng như triết lí của ông Ten Hag.
Nếu điều đó xảy ra, Ten Hag phải làm việc với một đội bóng không có đủ những nhân tố ông mong muốn thì rất khó để triết lí bóng đá của ông có thể được phát huy một cách hiệu quả. Và nếu thế, MU lại có nguy cơ gặt hái những kết quả “làng nhàng”.
HT
Tổng hợp