'Mọt' Tam quốc - Bí ẩn Ngụy Diên (Kỳ 3): Thâm ý hay cuồng vọng?
(Thethaovanhoa.vn) - Hàng loạt điểm vô lý trong đề xuất Tý Ngọ cốc của Ngụy Diên khiến nhiều người đặt câu hỏi: đó thật sự là cuồng vọng của viên hổ tướng này hay chỉ là một lời tuyên bố để hướng tới những cái đích khác?
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
Bởi, ngay cả khi có một sự may mắn thần kỳ giúp Diên làm được điều không tưởng: công hạ Trường An, ông cũng gần như không có cách nào để bảo vệ cứ điểm này và kiểm soát được Quan Trung như dự định.
Viển vông tới mức vô lý
Thực tế, cái tên Quan Trung xuất phát từ vị trí được bao bọc bởi bốn quan ải quan trọng: Bắc có Tiêu Quan, Nam có Vũ Quan, Tây có Tán Quan, Đông có Đồng Quan. Bốn quan ải này cộng thêm cao nguyên Mạc Bắc và thiên hiểm Tần Lĩnh tạo ra địa khu được gọi là “tám trăm dặm Tần Xuyên” mà trung tâm chính là Trường An.
Từ quan điểm phòng thủ, chiếm Trường An với quân số ít ỏi, lại chưa khống chế được “Quan Trung tứ quan” thì bị bao vây, tiêu diệt chỉ là chuyện trong sớm tối. Một ví dụ điển hình chính là chiến dịch Đồng Quan năm 211. Liên quân của Mã Siêu, Hàn Toại, Dương Thu, Lý Kham, mặc dù nắm Trường An nhưng cũng phải tiến ra phía Đông để thủ vững Đồng Quan, đề phòng quân Tào Tháo từ Hà Đông xâm nhập vào bình nguyên Quan Trung.
Thực tế chứng minh đúng vậy. Sau khi quân Tào Tháo vượt qua được Hoàng Hà, tiến vào Quan Trung, quân Mã Siêu không dám đóng lại Trường An vì sợ bị tiêu diệt cả cụm, trái lại phải chia ra đóng trại ở bờ Nam sông Vị Thủy để tận dụng ưu thế cơ động của kỵ binh Tây Lương, kết quả là kéo dài thêm một chút hơi tàn.
Từ chiến dịch Đồng Quan, có thể thấy: giữa Trường An và bốn quan ải quan trọng không còn thiên hiểm nào để phòng ngự. Chiếm Trường An trong khi chưa khống chế được tứ quan, sớm muốn gì quân Thục cũng sẽ bị bao vây bởi viện binh từ bốn phía.
Đặt trong trường hợp quân số của họ chỉ có 5.000 người như ý tưởng của Diên, viễn cảnh bị tiêu diệt là không sao tránh khỏi. Thậm chí, lực lượng bộ binh của Gia Cát Lượng theo đường Tà Cốc tiến ra cũng không thể chiếm ưu thế khi phải đương đầu với kỵ binh thiện chiến của Tào quân trên vùng đồng bằng trống trải này.
Có một điều đáng lưu ý: đề xuất vượt Tý Ngọ Cốc không xuất hiện ở phần chính văn của Tam quốc chí (Thục thư - Ngụy Diên truyện) do Trần Thọ viết, mà lại nằm trong phần bổ chú do Bùi Tùng Chi đưa vào gần 100 năm sau đó. Ở phần bổ chú này (trích từ sách Ngụy lược, vốn là một cuốn sách ghi chép lịch sử nước Ngụy), Nguỵ Diên cũng chỉ dám nói sẽ định được Hàm Dương chứ không hềnói về việc chiếm giữ được “Quan Trung tứ quan”.
Còn ở phần chính văn của Ngụy Diên truyện, đề xuất của Diên là “xin cầm một vạn binh, cùng Lượng đi khác đường hội quân ở Đồng Quan, như việc cũ của Hàn Tín”. Mấy chữ vắn tắt này dễ dẫn đến cách hiểu rằng Ngụy Diên còn nhiều cuồng vọng hơn nữa. Ông muốn tạo ra một đòn đánh quyết định thắng lợinhư Hàn Tín năm xưa, với việc lấy được toàn bộ bình nguyên Quan Trung, bao gồm cả Trường An và “Quan Trung tứ quan”, sau đó kéo quân tới Đồng Quan, hội binh cùng Gia Cát Lượng để đại chiến với viện binh Tào Ngụy từ Quan Đông kéo đến.
Tâm lý chiến và sĩ khí luận?
Bắc phạt lần một, Thục hội quân ở Hán Trung. Trong thực tế, quân Thục chuẩn bị theo hướng Tây Bắc đánh Lương Châu và chắc chắn là có liên hệ để thu phục, dụ hàng thế lực bản địa tại đây. Bằng chứng là Thục quân vừa đến thì ba quận Lương Châu là Thiên Thủy, Nam An, An Định đều phất cờ phản Ngụy để hưởng ứng.
Ngụy Diên có biết về hướng tấn công sắp tới hay không? Chắc chắn biết. Việc chuẩn bị hậu cần kéo dài hàng năm diễn ra trong phạm vi quản hạt của chính Diên (huyện Miện Dương nằm ở Tây Bắc Nam Trịnh, Hán Trung - nơi Diên là Thái thú). Công tác chuẩn bị hậu cần cho tác chiến ở vùng rừng núi Lương Châu tất nhiên cũng khác với việc chuẩn bị hậu cần cho tác chiến ở đồng bằng Quan Trung.
Ngụy Diên có biết tính khả thi rất thấp của phương án Tý Ngọ Cốc hay không? Chắc chắn biết. Bài học của Mã Siêu vẫn còn ngay trước mắt. Dù Diên có thể an toàn đi qua Tý Ngọ, rồi may mắn hạ được Trường An và kịp thời hội quân ở Đồng Quan, nhưng sau đó thì sao?
Quân Lương Châu cũng từng chiếm Trường An nhưng để bảo vệ Đồng Quan, họ cũng phải cách sông đối chiến với Tào Tháo. Họ lấy kỵ binh làm chủ, sức cơ động rất mạnh (khác với quân Thục vốn lấy bộ binh làm chủ) nhưng cũng không bảo vệ được hết các khuyết khẩu. Cuối cùng, Mã Siêu để cho Từ Hoảng vượt sông ở Bồ Phản, đánh tạt sườn dẫn đến vỡ trận.
Vậy nhưng, Ngụy Diên vẫn khăng khăng đòi đi đường Tý Ngọ Cốc, lại còn làm rầm rộ chuyện “không hài lòng”, “chê Lượng nhát gan”, đến nỗi chuyện cơ mật binh nhung nhà Thục lại được đồn thổi thế nào mà Ngụy lược- một cuốn sử về nhà Ngụy- cũng biết để chép lại.
Bởi thế, đã có những phỏng đoán: đề xuất Tý Ngọ Cốc dĩ nhiên là cuồng vọng nếu nhìn từ khía cạnh tác chiến chiến thuật. Nhưng, nó cần được đánh giá khác hơn, nếu xem xét dưới góc độ của một tuyên bốchính trị
Quân Ngụy sẽ thế nào nếu biết bên phía Thục có một đại tướng ngông cuồng muốn xâm phạm Trường An qua đường Tý Ngọ? Dù coi thường, họ cũng phải thêm một đạo phòng tuyến ở đó, đồng thời cũng không thể bỏ lơ Tà Cốc hay Trần Thương.
Gia Cát Lượng sẽ thế nào nếu có một đại tướng Thục quân cứ nhất nhất mạo hiểm lăn vào chỗ chết? Dĩ nhiên là bác bỏ, nhưng vị quân sư này cũng sẽ yên tâm rằng Thục quân vẫn còn những người kiên quyết chống Tào, kế tục chí hướng của Lưu Bị.
Quân Thục sẽ thế nào nếu có một viên đại tướng của mình tuyên bố sẽ hội sư ở Đồng Quan, nuốt trọn Trường An? Sĩ khí hẳn phải lên cao, mà cho dù không đi đường Tý Ngọ thì tâm lý cầu thắng ắt cũng được duy trì.
Nếu bỏ qua góc độ quân sự để nhìn nhận “Tuyên bố Tý Ngọ cốc” dưới những lăng kính ấy, Ngụy Diên cũng không nhất thiết là một tín đồ của chủ nghĩa phiêu lưu, mà có khi lại là một chuyên gia về tâm lý chiến và sĩ khí luận.
Và cuối cùng, một giả thuyếtcũng đặt ra: phải chăng,việc Ngụy Diên một mực đòi mạo hiểm mở “canh bạc tất tay”qua Tý Ngọ Cốc chính là cách để ông ta bày tỏ sự bất đồng (thậm chí là gây sức ép) với Gia Cát Lượng vì chiến lược phạt Ngụy khá thận trọng của vị Thừa tướngnày?
Dĩ nhiên, với những sử liệu không đầy đủ, “thâm ý của Ngụy Diên” cũng chỉ dừng lại ở mức độ giả thuyết. Nhưng, người ta có thể hiểu được cá tính, cũng như lý giải số phận bi thảm của ông, qua những mâu thuẫn với các Thục tướng, và đặc biệt là cái án “phản nghịch” lúc cuối đời.
Khoảng cách quá lớn về tiềm lực Thực tế ngoài các vấn đề về tác chiến, cục diện giao tranh Thục - Ngụy còn chịu sự chi phối quyết định từ vấn đề tiềm lực. Ở góc độ này, Thục chỉ sở hữu một châu (Ích Châu) trong khi Ngụy đã nắm giữ hơn chín châu của Trung Quốc. Nói về binh lực,theo Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâmthời Nguyên,Thục chỉ có khoảng trên 94 vạn khẩu, trên 10 vạn quân, trong khi Ngụy có đến hơn 443 vạn khẩu, trên 43 vạn quân. Đặt trong tương quan quá chênh lệch như vậy, mưu trí hay dũng khí trong tác chiến đều khó phát huy tác dụng. Là đại tướng lâu năm của Thục quân, chắc chắn Ngụy Diên hiểu rõ điều này, cũng như biết rằng việc dùng thực lực nước Thục để đánh một đòn ăn gọn toàn bộ đồng bằng Quan Trung chỉ là chuyện rắn nuốt voi. |
Nguyễn Đỗ Thuyên
Kỳ cuối: Bí ẩn Ngụy Diên - Tự thân chuốc họa