Một phong trào, một làn sóng
(Thethaovanhoa.vn) - Một cuộc vận động, một phong trào chỉ có thể thành công khi nó lan tỏa sâu rộng được vào trong đời sống nhân dân và biến thành những hành động thiết thực, tự nguyện của cả cộng đồng.
Câu chuyện về lá thư của một em học sinh gửi cho 40 trường học trên địa bàn Hà Nội với thông điệp giản dị “không thả bóng bay trong ngày khai giảng” vẫn đang được dư luận hưởng ứng, ủng hộ. Nhiều trường đã gửi thư phúc đáp kèm theo cam kết sẽ không thả bóng bay trong ngày khai giảng. Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đã gửi thư khen ngợi.
Khi mà cả cộng đồng cùng hướng tới việc loại bỏ rác thải, chúng ta mới nhận ra rằng còn nhiều thói quen tưởng như nhỏ bé nhưng lại gây tác hại lâu dài cho môi trường. Những thói quen đó chỉ có thể được thay đổi đi khi tất cả chúng ta cùng nhận ra là phải thay đổi chúng.
Tuần này, học sinh tiếp tục tựu trường, cũng có nghĩa là các gia đình phải chuẩn bị sách vở năm học mới cho các em. Vậy ta hãy bắt đầu từ thói quen bọc sách vở của học sinh. Thời còn đi học, việc làm này đối với chúng tôi cũng là những kỷ niệm khó quên. Báo cũ, vỏ bao xi măng và nhất là họa báo Liên Xô là những lựa chọn lúc đó. Nhưng bây giờ hầu hết các em sử dụng bìa nylon (bán sẵn) để thay thế.
Tính ra, một học sinh ít nhất phải mua từ 30 đến 50 bìa nylon để bọc sách vở trong một năm học. Ngoài chuyện chi phí thì nếu ta nhân số lượng bìa nylon một em phải dùng với con số hàng triệu học sinh, một khối lượng rất lớn rác nhựa sẽ bị thải ra môi trường sau khi sử dụng. Chính vì vậy, năm học mới này, đã có những trường học kêu gọi, khuyến khích học sinh không bọc sách vở bằng nylon.
Nhìn sang lĩnh vực kinh doanh bán hàng thì việc cần thay đổi chính là túi đựng cho khách. Một chuỗi nhà sách có tiếng trên thị trường cũng có những sự thay đổi rất tao nhã, văn minh: Bắt đầu từ ngày 1/8/2019, khách hàng có thể lựa chọn 1 trong 3 cách để gói hàng.
Hoặc là sử dụng băng giấy để quấn quanh hàng hóa. Đối với các loại hàng hóa nhỏ, khó dùng băng giấy để quấn thì sẽ sử dụng loại túi giấy (loại giấy báo, tạp chí cũ) và giấy tận dụng (loại tự gấp) để gói hàng. Đối với hàng hóa mua số lượng nhiều, có kích thước lớn, khách hàng sẽ được sử dụng loại túi nhựa sinh học tự phân hủy, được chứng nhận bởi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để gói hàng.
Đối với các cơ quan, các công ty, các tổ chức xã hội. Việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần là việc làm rất thiết thực. Tại TP.HCM, nhiều trường đại học đã ra thông báo ngưng việc sử dụng nước uống đóng chai nhựa, ống hút nhựa.
Tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), kế hoạch về “Hạn chế và tiến tới loại bỏ rác thải nhựa” đã được đưa ra, phấn đấu đến hết quý 3/2019 sẽ dừng việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động thường xuyên, các cuộc họp, hội nghị… của ngành. Tại các cuộc họp đông người, cơ quan chỉ đặt bàn uống nước với cốc giấy và bình to loại sử dụng nhiều lần. Đây là hành động thiết thực của TTXVN nhằm hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ và Liên hợp quốc về “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nylon”.
Nội dung Kế hoạch nêu rõ ngoài kêu gọi, khuyến khích cán bộ công chức viên chức thay đổi thói quen tiêu dùng, loại bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cá nhân và tập thể phải xác định nguồn vật liệu nhựa sử dụng một lần để có những phương án loại bỏ khỏi cơ quan TTXVN; đề ra các giải pháp cụ thể hạn chế và tiến tới loại bỏ rác thải nhựa trong toàn ngành TTXVN.
Cụ thể là tổ chức thu gom, phân loại, vận chuyển xử lý rác thải nhựa theo đúng quy định; sử dụng túi đựng rác sinh học tự phân hủy trong công tác vệ sinh môi trường tại trụ sở cơ quan ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Sử dụng các loại túi cói, làn nhựa, khay nhựa…trong vận chuyển giao, nhận thực phẩm hằng ngày tại các bếp ăn số 5 và số 79 Lý Thường Kiệt, khu cà phê báo chí ở Hà Nội.
Văn phòng TTXVN, Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam từng bước thay thế đồ dùng, vật liệu nhựa sử dụng một lần bằng sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong các hoạt động chung như sử dụng bộ ấm chén uống trà hoặc bộ cốc thủy tinh cùng bình nước thủy tinh hoặc inox đựng nước lọc khi tổ chức các cuộc họp ít người.
***
Cách đây gần 2 tháng, ngày 9/6, Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa do Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức đã được phát động. Một trong những mục tiêu của phong trào là phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Theo dõi sự lớn mạnh của phong trào này, tôi bỗng nhớ đến những phong trào năm xưa. Đó là khi còn học cấp 1, ở khu tập thể chúng tôi luôn có hoạt động tổng vệ sinh cuối tuần tại nơi cư trú. Vào sáng thứ Bảy hàng tuần, mỗi gia đình sẽ cử một thành viên tham gia quét dọn các vị trí được phân công, cùng nhau thông cống rãnh, phát quang cây rậm.
Sau này được đi nhiều nơi, tôi cũng thấy nhiều địa phương tổ chức. Không chỉ ngoài dân sự, ngay cả trong quân ngũ thì công việc ngày cuối tuần của chúng tôi cũng là tổng vệ sinh toàn bộ doanh trại và nhiều khi ra cả các khu vực của người dân xung quanh.
Trải qua một thời gian, bây giờ phong trào tổng vệ sinh cuối tuần được rất nhiều nơi triển khai tại nhiều khu vực, đặc biệt là các khu du lịch, các bãi biển. Điểm danh thấy rất nhiều tỉnh thành trên cả nước hiện nay vẫn đang duy trì rất tốt, chứng tỏ nó là một phong trào thiết thực và hữu ích cho cuộc sống, đã lan rộng ra khắp các nơi, được mọi người ủng hộ và gọi dưới những tên gọi khác nhau như “Thứ Bảy xanh sạch đẹp”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày thứ Sáu tái chế”…
Khi một phong trào có ý nghĩa thiết thực, làm thay đổi nhận thức của mỗi người thì chắc chắn nó sẽ nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân và ngày càng lớn mạnh. Đó sẽ là một làn sóng mới làm thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày của chúng ta.
Xuân An