Một phim 'khóc', một phim 'cười'
Mấy điểm chung xung quanh hai phim này: 1) đặt khung cảnh câu chuyện tại miền Tây Nam bộ, vai chính thuộc về những người nghèo khó; 2) do hai gương mặt đạo diễn mới đảm nhiệm; 3) không được truyền thông rầm rộ - phim Tỷ phú chăn vịt chiếu ra mắt một ngày trước khi công rạp.
Những điều trên đây cũng lý giải phần nào lý do đến hết ngày 26/11 hai phim này vẫn chưa có lịch chiếu tại cụm rạp có doanh thu tốt nhất là CGV; còn Tỷ phú chăn vịt “vắng bóng” thêm tại Lotte Cinema, BHD Star Cineplex. Ngay ngày ra rạp (28/11) nhưng tại cụm Galaxy Kinh Dương Vương (TP.HCM) phim Đời như ý chỉ có 3 suất chiếc với khung giờ “không đẹp” là 14h40, 16h15 và 19h45; Tỷ phú chăn vịt khá hơn, 5 suất chiếu, nhưng khung giờ cũng gần như vậy: 9h15, 12h00, 16h25, 19h00 và 21h50.
Đời không như là mơ
Điểm chung tiếp theo của hai câu chuyện này là “đời không như là mơ”, khi mà một phim nói về chuyện “như ý” mà chẳng mấy khi được như ý. Một phim nói về tỷ phú mà lúc nào cũng túng thiếu, nợ nần, hoặc bị đồng tiền hành xác.
Nếu xét về mục đích lấy nước mắt thì hoàn cảnh của cô Lùn (danh hài Việt Hương thủ vai) và anh Hai Đời (Đông Dương) trong Đời như ý đủ sức làm điều đó. Dường như đạo diễn cũng chỉ tập trung vào khía cạnh này nên kể chuyển khá dàn trải, cốt lột tả hết éo le, ngang trái.
Hơn nữa, phim vốn được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư, nơi đã có sẵn một nỗi buồn đặc trưng, sâu lắng. Truyện này từng dựng kịch (do chính Vương Quang Hùng dựng cách đây 5 năm), dựng cải lương… nên khi lên phim, đạo diễn có thêm cơ hội “né tránh” lối mòn và kế thừa cảm xúc để nghịch cảnh càng xót xa hơn.
Còn về khả năng gây cười, có khi bằng tình huống, có khi cố tình “chọc lét” khán giả thì Tỷ phú chăn vịt có “dư đất”. Vai chính Tư Ếch (Nhật Cường thủ vai) là một kế thừa rất rõ ràng các hình ảnh Tư Ếch, Hai Lúa, Tư Ruộng… từng lên phim hài, lên tiểu phẩm hài. Đây cũng là “nhân vật hình dung” khá quen thuộc về hình ảnh người nông dân Nam bộ trong cách nhìn của người thành thị, dù thực tế ngày nay chẳng mấy khi gặp. Ngoài Nhật Cường, Trịnh Kim Chi, Cát Phượng, Hiếu Hiền… phim này còn quy tụ nhiều cây hài khác, mà tình huống nào cũng muốn lấy tiếng cười là chính.
Thiếu tôn trọng khán giả
Một điểm chung không mấy vui của hai phim này là sự thiếu vắng chất điện ảnh, nó chẳng khác gì ngôn ngữ phim truyền hình thường thấy. Tất nhiên, chẳng có gì ngăn cản một phim truyền hình đem ra chiếu rạp, nhưng xét về công tác đạo diễn, sự tôn trọng khán giả, giá vé… thì đây là cách làm “hơi ăn gian”. Cũng xin nhắc lại, năm ngoái, Hãng phim Hoàng Thần Tài từng “hô biến” phim truyền hình Yêu thuê thành phim chiếu rạp Cưới chạy; nghe nói năm này sau khi chiếu rạp họ cũng sẽ “kéo dài” Đời như ý để chiếu truyền hình.
Nhìn vào poster, một trong ba nhà sản xuất Tỷ phú chăn vịt lấy tên là Gialaxy Media, mới nhìn cứ tưởng là Galaxy Media, một công ty đã có bề dày kinh nghiệm. Như vậy có vẻ không tôn trọng đồng nghiệp đi trước, dễ làm khán giả mắc lừa. Galaxy Cinema là một thương hiệu của Công ty CP Phim Thiên Ngân. “Galaxy” nghĩa là “thiên ngân”, “thiên hà”, còn “gialaxy” nghĩa là gì?
Đây là chưa nói trong bối cảnh điện ảnh Việt đang nỗ lực thay đổi diện mạo và chất lượng phim chiếu rạp để tăng sức cạnh tranh, cách làm của hai phim này (cũng như một số phim của Hãng phim Phước Sang trước đây) chỉ là sự đẩy lùi tiến trình chung. Tất nhiên, việc làm phim dở, việc “xào” phim truyền hình để chiếu rạp thì chẳng vi phạm luật pháp, nên chẳng thể cấm.
Như Hà
Thể thao & Văn hóa