Một nghệ thuật khác nơi... 'đáy mắt'
(Thethaovanhoa.vn) - Đáy mắt - vở múa đương đại của Bùi Ngọc Quân, với âm nhạc của Trí Minh và diễn xuất của 7 nữ diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – vừa công diễn tuần trước tại Hà Nội. Và, chúng ta thấy ở đó một thứ nghệ thuật khác so với những gì mình đã xem.
1. Khác, bởi ít khi ta thấy một chương trình múa đương đại bán vé (chứ không phải phát vé mời) lại có đông khán giả đến thế. Gần 900 chỗ ngồi của Nhà hát lớn Hà Nội hầu như được lấp kín. Ngạc nhiên hơn nữa, khán giả không chỉ chăm chú hoàn toàn trong một giờ đồng hồ cho vở diễn mà còn dành thêm chừng đó thời gian để ngồi lại giao lưu với các nghệ sĩ.
Trong phần giao lưu ấy người ta mới biết khán giả của Đáy mắt có rất đông người nước ngoài như Anh, Philippines, Hàn Quốc… Khán giả Việt thì có các nghệ sĩ từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ múa, âm nhạc, kịch cho tới hội họa, phê bình mỹ thuật…
Và Đáy mắt cùng những nghệ sĩ làm nên nó xứng đáng với khán giả của mình - những người đến nhà hát để được chạm tay vào nghệ thuật, nhờ nghệ thuật bắc cầu cho những trò chuyện nội tâm của chính mình.
Mặc dù còn những lời tỏ bày tiếc cái này, thiếu cái nọ của những khán giả chưa thật quen với “một nghệ thuật khác”, Đáy mắt thật sự mang tới một trình diễn đầy sáng tạo đồng thời đầy thách thức với khán giả, mang tới những khám phá cảm xúc ở những đường biên lạ lẫm của tâm hồn người xem.
Đáy mắt khẳng định một cách mạnh mẽ: múa Việt Nam được tồn tại như một môn nghệ thuật độc lập (chứ không phải là phụ họa cho mấy ca sĩ trình diễn) có khán giả của mình, những người sẵn sàng bỏ tiền để mua nghệ thuật và thưởng thức nó một cách trân trọng và “có văn hóa”.
Cũng lần đầu tiên người ta được thấy trên sân khấu múa không phải là những thứ đẹp đẽ đến từng centimet, từ trang phục, hình thể của diễn viên đến những màn đồng diễn múa phô diễn kỹ thuật tuyệt vời, mà là những luộm thuộm “váy chống nắng”, những màn múa giật cục như người máy, những ngẫu hứng, giẫm đạp và rũ rượi.
2. Góc sân khấu là nhạc sĩ Trí Minh diễn live với chiếc bàn mix âm thanh điện tử cùng chiếc laptop. Âm nhạc mà anh mang đến cho các diễn viên múa và khán giả chẳng phải là những giai điệu mượt mà, du dương, lãng mạn. Đó là một tác phẩm âm nhạc đồ sộ kéo dài suốt 1 giờ đồng hồ, kéo khán giả trồi sụt qua bao cung bậc cảm xúc; từ ngọt ngào như suối mát qua những âm thanh từ nhạc cụ tre trúc, qua giọng hát trong vắt của diễn viên; từ những giọt thanh âm thư thái của bản “nhạc thiền” trên cây piano trộn tiếng róc rách của thiên nhiên sông núi; cho tới những bản nhạc cổ điển tươi vui của Mozart, đột ngột chuyển qua những thanh âm mạnh mẽ của những bản DJ, hay những nét nhạc đầy kích thích nội tâm của âm nhạc đương đại; thậm chí là âm nhạc của … im lặng.
Với âm nhạc ấy, múa ấy, đến diễn viên cũng “căng thẳng” ở những buổi đầu tiên nhập cuộc. Ngô Hạnh Dương, nữ diễn viên trẻ nhất (21 tuổi) trong 7 diễn viên tham gia Đáy mắt kể, tuần đầu tiên cô và các bạn của mình đều căng thẳng, thậm chí sốc với một vở múa mà biên đạo chỉ “ném” cho mình một cái khung và bắt các diễn viên phải tự hoàn thiện bức tranh.
Như lời đạo diễn, diễn viên của vở phải tự tư duy, phải tự khám phá chính mình, đánh thức những ngóc ngách cảm xúc của chính mình mà những nhạt nhòa thường ngày đã khiến nó ngủ vùi. Họ phải tự đắp dựng lên hình hài nhân vật của mình trên sân khấu, phải “lên đồng” với vai diễn của mình suốt 60 phút liên tục không ngơi nghỉ.
7 cô gái trẻ ấy chưa từng có một trải nghiệm công việc tương tự. Kết quả là họ cũng khiến chính khán giả của mình phải căng mình để nhập cuộc thực sự. Và không phải ai cũng đủ “nội lực” để thẩm thấu được thứ nghệ thuật mới ấy.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ, dù đã “cố gắng theo dõi, nhập cuộc”, rất nể phục tài nghệ của diễn viên, nhưng ông “thèm” được ngơi nghỉ, được thư giãn, tận hưởng những êm dịu, những tuyệt đẹp của tạo hình múa quen thuộc.
Cũng chung mạch cảm xúc ấy, Tố Uyên đến từ Không gian nghệ thuật Heritage Space nói, Đáy mắt khiến cô rất xúc động về sự khổ luyện và tài nghệ của diễn viên, nhưng nó cũng khiến cô thấy “căng thẳng quá”. Rồi, một giáo viên múa của trường Cao đẳng Múa Việt Nam khi ra tới sảnh của Nhà hát lớn vẫn còn nán lại với bạn bè của mình, chỉ để sẻ chia cảm nhận của mình, một người sống nhiều năm cùng nghệ thuật múa cổ điển: “Nó thiếu chất thơ”.
Dù vậy, những tràng vỗ tay nồng nhiệt tưởng như kéo dài không dứt. Đáy mắt đã cho thấy một thứ nghệ thuật rất khác với những cũ mòn của sàn diễn Việt Nam đương đại.
Và, với việc Đáy mắt đang được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam xây dựng kế hoạch để tiếp tục biểu diễn, nó còn làm được một việc quan trọng: bước đầu xây dựng hi vọng về một lớp công chúng nghệ thuật “kiểu khác”. Họ tới rạp không chỉ vì được tặng vé miễn phí, chỉ vì muốn thư giãn giải trí. mà thật sự muốn tìm hiểu và khám phá về nghệ thuật.
Hương Thương