Môn thể thao độc lạ ở SEA Games nhưng quen thuộc với người Việt, từng xuất hiện tại Olympic và có tiêu chuẩn quốc tế
Môn kéo co đang thu hút sự chú ý của CĐV Việt Nam khi xuất hiện trong các môn thi đấu tại SEA Games 2025.
Hôm qua (21/11), chủ nhà Thái Lan đã công bố danh sách 50 môn thể thao chính thức nằm trong chương trình thi đấu tại SEA Games 33, diễn ra vào tháng 12/2025. Trong số 50 môn thể thao này có môn kéo co (Tug of war) khiến nhiều người chú ý.
Môn kéo co là gì?
Kéo co (còn được gọi là kéo co dây, kéo dây, kéo co truyền thống) là một môn thể thao đối kháng, nơi hai đội thi đấu sức mạnh bằng cách kéo hai đầu dây ngược chiều nhau. Mục tiêu là kéo dây về phía đội mình một khoảng cách nhất định, vượt qua sức kéo của đội đối phương.
Theo Từ điển Oxford, "tug of war" ban đầu mang nghĩa "trận đấu quyết định" hoặc "cuộc tranh đấu gay gắt vì quyền thống trị". Đến thế kỷ 19, thuật ngữ này mới được dùng để chỉ môn thi đấu thể thao giữa hai đội kéo dây đối nghịch nhau. Trò kéo co có lịch sử không rõ ràng nhưng được biết đến ở nhiều nơi như Campuchia, Ai Cập cổ đại, Hy Lạp, Ấn Độ và Trung Quốc.
Ở Hy Lạp cổ đại, môn thể thao này được gọi là helkystinda, ephelkystinda hoặc dielkystinda, đều liên quan đến các động từ chỉ hành động kéo hoặc giằng. Các trò chơi này vừa để rèn luyện sức mạnh chiến đấu vừa tăng cường thể lực.
Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian thường xuất hiện trong phần hội trại các lễ hội truyền thống, là một trong những nét sinh hoạt văn hóa gắn với những quan niệm tâm linh của nhiều dân tộc, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ.
Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - đây là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Năm 2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Môn kéo co là trò chơi dân gian quen thuộc ở Việt Nam - Ảnh: TTXVN
Môn kéo co trong thể thao
Môn kéo co từng là một phần của Thế vận hội từ năm 1900 đến 1920 và hiện là nội dung chính thức tại Đại hội Thể thao Thế giới (World Games). Liên đoàn Kéo co Quốc tế (TWIF) tổ chức giải vô địch thế giới hai năm một lần cho cả đội quốc gia và câu lạc bộ.
Tại SEA Games 33, môn kéo co có 5 bộ huy chương. Tờ Mcot của Thái Lan cho biết quy định và tiêu chuẩn quốc tế của môn kéo co: "Sân thi đấu kéo co phải được trải thảm cao su dài 36 m, rộng từ 1 đến 1,2 m. Dây kéo co phải có chu vi từ 10 cm đến 12,5 cm và chiều dài tối thiểu là 33,5 mét. Điểm giữa dây được đánh dấu bằng một vạch trung tâm, cùng hai vạch khác cách vạch trung tâm 4 mét. Đội nào kéo được dây vượt qua vạch của đối phương trước sẽ giành chiến thắng.
Trang phục thi đấu cũng đạt tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm thiết bị bảo vệ chấn thương và giày thi đấu phù hợp. Môn kéo co có thể tổ chức trong nhà hoặc ngoài trời. Tại Thái Lan, kéo co đã liên tục được đưa vào các giải thể thao quốc gia nhờ sự nỗ lực của Hiệp hội Kéo co Thái Lan".
Điểm đặc biệt của kéo co không chỉ nằm ở sức mạnh mà còn ở kỹ thuật và chiến thuật, tạo nên sự kịch tính cho mỗi trận đấu. Người xem sẽ không khỏi phấn khích khi chứng kiến các vận động viên dồn toàn lực kéo dây vượt qua vạch đối phương.
Theo tờ Mcot, Hiệp hội Kéo co Thái Lan hy vọng môn thể thao này được đưa vào SEA Games sẽ giúp tăng sự phổ biến và thu hút thêm nhiều vận động viên tham gia, qua đó phát triển bộ môn kéo co mạnh mẽ hơn trong khu vực.
Cũng theo Mcot, tại các giải đấu quốc gia, kéo co có 4 bộ huy chương vàng, gồm: Đồng đội nam (4 người) với tổng trọng lượng không quá 300 kg, đồng đội nữ (4 người) với tổng trọng lượng không quá 250 kg, đồng đội nam (8 người) với tổng trọng lượng không quá 600 kg và đồng đội nữ (8 người) với tổng trọng lượng không quá 500 kg.
Danh sách 50 môn thi đấu chính thức tại SEA Games 33
Nhóm môn thể thao dưới nước: Bơi, Nhảy cầu, Bóng nước, Bơi nghệ thuật, Bơi ngoài trời (50 bộ huy chương)
Điền kinh: 43 bộ huy chương
Bắn cung: 10 bộ huy chương
Cầu lông: 7 bộ huy chương
Bóng rổ: 4 bộ huy chương
Đua thuyền: Canoeing, Rowing, Đua thuyền rồng: 30 bộ huy chương
Xe đạp: Đường trường, Lòng chảo, Leo núi, BMX: 17 bộ huy chương
Cưỡi ngựa: 8 bộ huy chương
Đấu kiếm: 12 bộ huy chương
Bóng đá và Futsal: 4 bộ huy chương
Golf: 4 bộ huy chương
Thể dục: Thể dục dụng cụ, Thể dục nhịp điệu, Aerobic: 16 bộ huy chương
Bóng ném: 2 bộ huy chương
Khúc côn cầu: 6 bộ huy chương
Judo: 12 bộ huy chương
Bóng bầu dục: 2 bộ huy chương
Đua thuyền buồm: 13 bộ huy chương
Bắn súng: 30 bộ huy chương
Bóng bàn: 7 bộ huy chương
Taekwondo: 20 bộ huy chương
Tennis: 7 bộ huy chương
Ba môn phối hợp: 11 bộ huy chương
Bóng chuyền: 4 bộ huy chương
Vật: 12 bộ huy chương
Trượt băng: 9 bộ huy chương
Khúc côn cầu trên băng: 2 bộ huy chương
5 môn phối hợp hiện đại: 6 bộ huy chương
Cử tạ: 14 bộ huy chương
Bóng chày và bóng mềm: 4 bộ huy chương
Billiards Snooker: 10 bộ huy chương
Boxing: 17 bộ huy chương
Floorball: 2 bộ huy chương
Esports: 6 bộ huy chương
Muay: 18 bộ huy chương
Bóng lưới (gần giống bóng rổ): 1 bộ huy chương
Pencak Silat: 13 bộ huy chương
Bi sắt: 11 bộ huy chương
Cầu mây: 11 bộ huy chương
Bóng quần: 4 bộ huy chương
Bowling: 6 bộ huy chương
Nhóm môn thể thao mạo hiểm (Leo tường thể thao, Trượt ván nước, Trượt ván, Trượt tuyết): 20 bộ huy chương
Karate: 15 bộ huy chương
Jujitsu: 18 bộ huy chương
Cricket: 4 bộ huy chương
Wushu: 14 bộ huy chương
Kabaddi: 6 bộ huy chương
Teqball: 5 bộ huy chương
Kickboxing: 8 bộ huy chương
Bóng gỗ: 6 bộ huy chương
Các môn cờ: 8 bộ huy chương
Ba môn thi đấu trình diễn
Ném đĩa (3 bộ huy chương)
Kéo co (5 bộ huy chương)
Dù lượn (4 bộ huy chương)