Messi, Songkrasin, Thành Lương...cũng khiêm tốn
(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu – tài liệu mà BTC VCK U21 QG – Cúp CLEAR Men 2015 cung cấp, chiều cao trung bình của một cầu thủ trưởng thành hoặc sắp trưởng thành chỉ là 1,71 m, cao hơn chiều cao trung bình của đàn ông Việt Nam chừng 8-9 cm, tức là đã thông qua quá trình chọn lọc và tập luyện. Sức vóc hình thể như vậy không được cho là lý tưởng để chơi bóng đá và có thể chiếm lĩnh được đỉnh cao.
- HLV Phạm Minh Đức: 'Cầu thủ chuyên nghiệp phải có chiều cao tốt'
- Báo động chiều cao ở giải U21 quốc gia 2015
Người khác từng phải ngước nhìn
Tầm vóc (chiều cao), sức vóc (thể trạng, sức mạnh) và cơ địa (kết cấu xương, khớp)… có liên quan trực tiếp đến di truyền, các chế độ dinh dưỡng, môi trường sống và quá trình vận động, tập luyện... Và, để nâng cấp tất cả những chỉ số này, phải cần đến một chiến lược mang tầm quốc gia, chứ không thể có ngay trong ngày một ngày hai.
Trong lịch sử nền bóng đá, đặc biệt là các giải đấu U21 QG, khi cầu thủ đã bắt đầu qua ngưỡng trưởng thành (tức là không thể phát triển thêm chiều cao), không thiếu các cầu thủ giỏi nhưng chỉ có một thân hình khá khiêm tốn. Các trường hợp của Thành Lương và Phan Quý Hoàng Lâm (VCK 2005), Danh Ngọc, Thanh Trung… là những minh chứng.
Các cầu thủ chỉ cao trên dưới 1,60 m như Thành Lương, Hoàng Lâm, anh em nhà Danh Ngọc, Nhật Nam hay Đinh Thanh Trung, Quang Hải, thậm chí cả Văn Quyến, Như Thuật… lẽ đương nhiên phải mang những tố chất đặc biệt mới có thể thích nghi, rồi phát tiết trong môi trường bóng đá đỉnh cao. Về nguyên tắc, cầu thủ trước hết phải cao, to.
Việc chuyển dịch, vận hành các hệ thống chiến thuật để phù hợp với cơ thể cầu thủ Việt Nam, vì thế luôn là một bài toán khó cho các HLV cấp độ ĐTQG. Năm 2008, dù chiều cao trung bình của ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup lên tới gần 1,75 m, thì nó vẫn không là gì so với Singapore, Thái Lan hay Malaysia. Nhưng chúng ta đã đánh bại tất cả.
HLV Calisto vẫn duy trì lối đánh biên (vốn đem lại hơn 75% tỉ lệ các bàn thắng), nhưng đường chuyền quyết định thường là những cú căng ngang tầm thấp, hoặc xẻ vào nách giữa trung vệ và hậu vệ đối phương. Chiến-thuật-mặt-đất (tức chơi bóng sệt, với các đường ban ngắn và trung bình) được duy trì, tạo tính liên tục, buộc đối phương hở sườn.
Bàn thắng mà Quang Hải ghi vào lưới Singapore ở trận bán kết diễn ra ở Kallang Roar là thành quả của một pha tổ chức tấn công nhanh thuộc hàng kinh điển, có thể đưa vào sách giáo khoa. Chỉ với 3 mắt xích, 4 trạm trung chuyển đã làm nên một bàn thắng nhanh như điện giật. Nó không khác mấy với pha ghi bàn của Công Vinh vào lưới Iraq mới đây.
Sau HLV Calisto, có thể thấy phần lớn các ông thầy ngoại (Falko Goetz và Toshiya Miura) đều đã không đạt được sự hợp lý tối đa trong cách chơi, khi họ từ bỏ sở trường mà dùng sở đoản (rất nhiều các pha bóng dài và bổng được lặp lại). Tính thời điểm (chất lượng đội hình đi xuống) chỉ là một trong những nguyên nhân khách quan khác.
Không nhiều cầu thủ gặp hạn chế về thể hình mà vẫn vươn lên khẳng định được mình như Thành Lương (trái). Ảnh: VSI
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng…
Trong đội hình của ĐT Thái Lan vừa thắng Việt Nam 3-0 ở Mỹ Đình, Chanathip Songkrasin (cầu thủ vẫn được ví là Messi Thái) có chiều cao thuộc hàng khiêm tốn nhất: 1,60 m. Tuy nhiên, Songkrasin vốn dĩ đã là một cầu thủ đặc biệt, thậm chí là dị biệt và đó là lý do tại sao HLV Kiatisuk giao vai trò nhạc trưởng cho cầu thủ 22 tuổi này.
Một cầu thủ có thể hình khiêm tốn, không có nghĩa là anh ta thiếu sức mạnh (tranh chấp), hoặc tốc độ (đoạn ngắn và dài). Sẽ là sai lầm nếu nghĩ Messi “xịn” của Barcelona và Argentina thiếu sức mạnh tì đè, bứt tốc. Leo Messi bên cạnh kỹ thuật điêu luyện, nhãn quan chiến thuật ngoại hạng, thừa tự tin, còn biết mượn sức, chuyển yếu thành mạnh.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng Thành Lương, cầu thủ từng đoạt 3 Quả bóng vàng, cũng là một trường hợp đặc biệt. Lương (chân phải cao hơn chân trái hơn 1 cm – PV) không sở hữu tốc độ hơn người, nhưng bù lại là các động tác giả (để qua người, thoát đi); sức mạnh bình thường, nhưng Lương biết mượn người để chiếm ưu thế tranh chấp…
Tại CLB Hà Nội T&T hay Hà Nội ACB trước đây, Thành Lương được hưởng lợi nhiều từ các vệ tinh xung quanh, cao, to và giỏi tì đè. Tại các giải đấu cấp độ ĐTQG, kể từ năm 2009, khi Thành Lương được giao chức trách của một nhạc trưởng, kỳ vọng có thể tạo ra những đột biến, khác biệt, chúng ta đã thấy được những hạn chế của tiền vệ này.
Mặc dù vậy, một cầu thủ chỉ cao chừng 1,60m như Thành Lương có thể vươn tới tầm vóc của một cầu thủ lớn (chứ không đơn thuần chỉ là một cầu thủ giỏi) là chuyện xưa nay hiếm. Tuy nhiên, suy cho cùng, việc cải thiện giống nòi, nâng cấp tầm vóc (thông qua các chế độ dinh dưỡng, giáo án tập luyện) là một đòi hỏi mang tính lịch sử của nền bóng đá.
Hướng đến trận chung kết U21 QG – Cúp CLEAR Men 2015, An Giang và Hà Nội T&T là những đội trội hơn phần còn lại về hình thể, chứ chưa nói lối chơi (cũng đa dạng hơn, dựa trên sức vóc). Cầu thủ nhỏ con không thể cho HLV nhiều sự lựa chọn về chiến thuật vận hành và ngược lại. Muốn nhanh hơn, mạnh hơn và xa hơn, anh phải cao, to hơn.
1. U21 Hà Nội T&T là đội bóng có chiều cao trung bình cầu thủ tốt nhất VCK U21 QG 2015, với chỉ số là 1,736 m, tương đương với chiều cao trung bình của ĐT U23 QG và ĐT Việt Nam. 2. Theo một nghiên cứu mới đây của Hiệp hội AND Đông Nam Á được thực hiện năm 2014, chiều cao trung bình của đàn ông Việt Nam là 1,62 m, đứng áp chót khu vực (chỉ xếp trên Indonesia, 1,575 m). Singapore đứng đầu với chỉ số 1,71 m. 3. Các chuyên gia đã biên soạn đề án nâng cao tầm vóc của người Việt Nam, dự tính đến năm 2030, chiều cao trung bình sẽ được nâng lên từ 2,5 đến 3,5 cm. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa