Mẹ Bằng Kiều ngâm thơ Linh Lê về mối tình Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ sĩ Lưu Nga, mẹ ca sĩ Bằng Kiều, người được mệnh danh là “giọng ngâm thơ hay nhất Việt Nam”, bay từ Mỹ về dự buổi ra mắt tập thơ Còn lại tiếng người hót đắng cay của nhà văn Linh Lê tại Hà Nội tối 19/9.
Còn lại tiếng người hót đắng cay là tập thơ đầu tay của nhà văn Linh Lê. Trước đó, cô là tác giả của 3 cuốn truyện dài, tiểu thuyết. Buổi ra mắt cuốn sách diễn ra ở Lý Quốc Sư, Hà Nội trong không gian ấm cúng.
Hà Nội, tình yêu, nỗi nhớ
Cùng với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình có mặt tại sự kiện, nghệ sĩ Lưu Nga là một người bạn lớn của tác giả. Linh Lê là con gái cố nhà văn Đà Linh, người được bạn văn trân trọng vì sự trong sáng và tử tế. Được giới thiệu trong buổi ra mắt sách, nghệ sĩ Lưu Nga chia sẻ: “Linh Lê là người cháu mà tôi rất yêu quý, một cô gái có vẻ đẹp mong manh”.
Nhà thơ Linh Lê và nghệ sĩ Lưu Nga
Nghệ sĩ Lưu Nga ngâm bài thơ Hà Nội, Hà Nội của Linh Lê tặng những người bạn có mặt trong sự kiện. Bà nói: “Rất nhiều bạn bè của tôi tìm thấy mình trong bài thơ này”. “Rồi có ngày em tìm về Hà Nội/ Nơi có tiếng anh cười trong gió đông/ Em đã quên đôi điều mình tuyệt vọng/ Để ký ức xanh sống mãi với chân tình” – bài thơ ngân lên qua giọng đọc của nghệ sĩ đã khiến tác giả Linh Lê rơm rớm nước mắt.
Buổi ra mắt sách có nhiều giây phút xúc động. Đặc biệt, ban tổ chức dành một chiếc bàn nhỏ ở vị trí trung tâm để tưởng nhớ nhà văn Đà Linh, trên bàn đặt một ngọn nến. Linh Lê gắn bó sâu sắc với cha mình, được ông truyền cho niềm đam mê văn chương. Việc cô theo đuổi văn chương chính là nhờ ảnh hưởng của cha từ thời thơ bé.
Linh Lê chia sẻ: “Đây là buổi ra mắt sách đầu tiên của tôi không có sự hiện diện của ba. Nhưng tôi luôn có cảm giác người vẫn ở đây và chứng kiến buổi ra mắt này”. Nhà văn Đà Linh qua đời năm 2013 ở tuổi 58, để lại sự thương tiếc cho gia đình và bè bạn. Khi đó, Linh Lê cùng gia đình đã nhận được nhiều lời chia sẻ từ bạn văn khắp nước.
Thơ tình có tình dục là điều tự nhiên
Tập thơ Còn lại tiếng người hót đắng cay giàu cảm xúc. Chủ đề là một mối tình sâu nặng, khắc cốt ghi tâm. Nhưng Linh Lê từ chối nói về nguồn cảm hứng giúp cô viết nên những vần thơ này. Cô muốn người đọc cảm nhận thơ cô từ tác phẩm, chứ không phải là chuyện tình của tác giả.
Nhận xét về thơ Linh Lê, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: “Nếu muốn tìm đọc những bài thơ cách tân thì sẽ không tìm thấy ở đây, nhưng nếu muốn tìm những gì mới mẻ thì sẽ thấy và rất đáng trân trọng. Thơ Linh Lê có được sự hồn nhiên và chân thành”.
Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, họa sĩ Lê Thiết Cương và biên tập viên Quang Minh, MC của buổi ra mắt, quan tâm đến khía cạnh tính dục trong thơ Linh Lê. Họa sĩ Lê Thiết Cương so sánh: “Linh Lê viết về tình dục ý nhị hơn Vi Thùy Linh, Vi Thùy Linh táo bạo hơn”.
MC Quang Minh đọc luôn bài thơ Say, một ví dụ theo anh là rất tiêu biểu cho ẩn dụ tình dục trong thơ: “Uống đi em/ Uống thật say/ Uống cho đã đời/ Vòi rượu này/ Sớm mai tỉnh giấc/ Chim bay hết/ Còn lại tiếng người/ Hót đắng cay”.
Tập thơ "Còn lại tiếng người hót đắng cay"
Mặc dù vậy, bản thân Linh Lê lại ngại ngùng khi nói về chủ đề này. Cô chia sẻ: “Nhiều bài báo khi viết về tôi thường lấy chủ đề tính dục của tác phẩm để thu hút người đọc. Tôi nghĩ, tình dục là điều bình thường đẹp đẽ nhất của tự nhiên. Khi viết văn làm thơ, tôi đưa yếu tố này vào một cách tự nhiên, không phải suy nghĩ nhiều. Nếu ai đọc văn thơ tôi trọn vẹn thì họ sẽ không để ý đến yếu tố tính dục mà chủ ý đến các yếu tố khác”.
Linh Lê tên thật là Nguyễn Huyền Linh, sinh năm 1986 tại Đà Nẵng. Trước tập thơ, cô từng xuất bản các tiểu thuyết: Không khóc ở Kuala Lumpur, Mùa mưa ở Singapore, Người tình Sài Gòn (2013). Cô hiện là hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Hà Nội.
Nha Đam