'Mặt tiền' bờ biển quê hương...
(Thethaovanhoa.vn) - Nha Trang quyết tâm tháo dỡ những công trình kiến trúc nằm phía đông đường Trần Phú. Đó là một thông tin đặc biệt. Bởi, những gì từng diễn ra quanh trục không gian này không chỉ là chuyện riêng của một con đường, thậm chí là của riêng Nha Trang.
Dài 6 km, chạy suốt bờ biển, Trần Phú là “mặt tiền” của Nha Trang, và tất nhiên, là nơi thu hút khách du lịch thường xuyên nhất. Nhưng, cũng chính từ vị thế “mặt tiền” ấy, một cách khó cưỡng, resort và các công trình khách sạn cao tầng san sát mọc lên. Kết quả: một phần lớn không gian nhìn ra biển của thành phố bị chắn ngang bởi những bức tường khổng lồ, trong đó có những “bức tường” kéo dài tới 400 mét liên tục.Thậm chí, năm 2015, dự án “không tưởng” của một nhà đầu tư Ấn Độ cũng từng được đặt lên bàn cân. Theo đó, 4/6 km bờ biển phía Đông đường Trần Phú sẽ được thành phố cho thuê trong thời hạn 50 năm để xây dựng một khu du lịch – đô thị khổng lồ, với rất nhiều cao ốc. Và, mọi chuyện chỉ chấm dứt khi dư luận phản ứng gay gắt trước việc nhà đầu tư “nhanh nhảu” cắm hàng loạt biển báo… cấm xâm phạm trên dải bãi biển này.
Trần Phú của Nha Trang không phải là trường hợp duy nhất về cách khai thác bờ biển theo kiểu “băm nhỏ” như vậy. Chỉ cần bỏ ra vài phút tìm kiếm trên mạng, chúng ta sẽ bắt gặp hàng chục câu chuyện tương tự tại những Mũi Né, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Phan Thiết…Và ở đó, không chỉ có câu chuyện của những khối nhà bê tông mọc lên sát biển và che khuất tầm nhìn. Ngược lại, cạnh rất nhiều bờ biển, hàng trăm hecta đất từng được chính quyền địa phương giao hẳn cho chủ đầu tư để xây resort, phục vụ cho lượng khách riêng của họ.
Bãi biển bị chiếm, du khách phổ thông, cũng như người dân bản địa, bỗng nhiên bị hạn chế rất nhiều trong việc ra tắm hoặc hóng mát nơi công cộng. Và, để không phải đi bộ vài km khi tìm ra biển, ở khá nhiều nơi, người ta phải đánh liều “vượt rào”, chủ động… trèo vào bãi biển tại những khu resort mới chỉ quây tường nhưng bỏ hoang.
Đường Trần Phú được xây dựng khá sớm trong lịch sử hình thành Nha Trang. Khi ấy, mật độ giao thông còn thấp, và rất nhiều thành phố biển quy hoạch những con đường dọc theo bãi biển để phục vụ du lịch, cũng như tạo nên điểm nhấn về sự thơ mộng, lãng mạn riêng của mình.
Vậy nhưng, trong một cuộc hội thảo về đô thị, nhiều chuyên gia quốc tế đã tỏ ý ngạc nhiên khi các đô thị VN như Mũi Né, Đà Nẵng lại tiếp tục khai thác bờ biển theo mô hình ấy.
Đơn giản, trong xu hướng đô thị hiện đại, những con đường du lịch chạy dọc ấy lại chính là một “lát cắt” thu hút xe cộ và tách rời bờ biển với phần đô thị bên trong. Để rồi, trong khi phần không gian sát biển rất mỏng ấy bị cắt vụn bởi các nhà đầu tư, những khu đất tiếp giáp phía trong lại gần như không còn cơ hội để xây thêm khách sạn, hoặc phát triển dịch vụ của mình.
Như những lời tư vấn được ra, các thành phố biển VN đã đến lúc chấm dứt ngay cách khai thác bờ biển theo kiểu thiếu tầm nhìn như vậy. Thay vào đó, những con đường vuông góc với bờ biển được khuyến khích quy hoạch để giúp cộng đồng tiếp cận với không gian biển một cách thật thuận lợi, dễ dàng.
Và, cũng trong sự gợi ý này, những con đường dọc biển mà lịch sử để lại như Trần Phú cần sớm được biến thành phố đi bộ - hoặc nhiều cầu bộ hành vắt qua. Khi ấy, không cần thiết phải “bán đứt” thật nhiều đoạn bờ biển,những khoảng đất nằm sâu phía trong cũng sẽ trở nên có giá và tạo sức hút về du lịch.
Chắc chắn, việc “giải phóng” bờ biển của Nha Trang là một quyết định dũng cảm để khắc phục những sai lầm trong quá khứ. Nhưng câu hỏi còn lại nằm ở tương lai: chúng ta có đủ kiên nhẫn và khoa học để học cách khai thác “mặt tiền” ở những thành phố biển theo cách hợp lý nhất cho mình?
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa