Master Of Symphony - Quyền lực của 'các chị'
(Thethaovanhoa.vn) - Đêm diễn đầu tiên của chuỗi chương trình Master Of Symphony vừa diễn ra tại nhà hát Hòa Bình tối 20/11. Sự xuất hiện của 5 giọng ca: Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương. Mỹ Linh, Trần Thu Hà đã làm cho sân khấu ca nhạc TP.HCM bớt đi phần nào sự ảm đạm đang vây quanh.
Họ, những ngôi sao hàng đầu, đã chứng minh một sự thật rằng dù họ đã nổi tiếng từ rất lâu, dù thời cực thịnh của họ đã sang bên kia sườn dốc nhưng giá trị của họ thì vẫn chưa thể bị hạ bệ.“Đừng đùa với các chị!”
Ca sĩ Bằng Kiều, trước show diễn này, đã nhận xét rằng “những giọng ca ấy là sự khác biệt, căn bản là chưa ai thay thế được. Chúng ta ao ước có những tượng đài mới nhưng muốn xây cái khác thì nó phải đẹp hơn nhưng tất cả những cái mới đang diễn ra, tôi thấy chỉ là những màu sắc tô điểm mà thôi”.
Và thông điệp đọng lại sau khi chương trình kết thúc, nghe có vẻ khôi hài, nhưng là sự thật tự động được bật lên: “Đừng đùa với các chị!”.
Âm nhạc chỉ tôn sùng những giá trị cũ là một nền công nghiệp âm nhạc cũ rích. Nhưng có một sự thật là âm nhạc phổ thông Việt đang thiếu rất nhiều phương hướng, sự kế thừa và suốt một thời gian dài nó phát triển với suy nghĩ đó là quán tính của vinh quang để lại nhưng thật ra đó là lối đi vào đường mòn, thiếu hẳn sự khai phá.
Cái quán tính vinh quang ấy bắt đầu bùng nổ vào thời cực thịnh của nhạc Việt với sự xuất hiện, thêm vào, của 5 giọng ca Hà Nội. Họ rơi vào một thời điểm quá đẹp của một thị trường đang khát khao những điều mới mẻ, những giọng nói mới, những âm thanh mới.
Nhưng để được như vậy, họ đã có cả một quãng đường dài để tôi luyện và khẳng định và khi vinh quang gọi tên, họ đều là những người xứng đáng. Nhưng cái vinh quang ấy, sau đó, lại được kế thừa bằng những thứ hào nhoáng nhưng ăn xổi. Tính bền vững, nền trụ, bị lãng quên cho những xu hướng ngắn hạn và ăn đong.
Và vì thế, khi nghe Mỹ Linh hát Trên đỉnh Phù Vân thì sẽ lại tiếp tục cảm giác ngơ ngác y như nghe cô lần đầu tiên hát tại chương trình Duyên dáng Việt Nam 5 gần 20 năm trước. Khoảng trầm của Mỹ Linh vẫn rất đẹp và ở quãng cao, âm sắc sáng dần lên, hút vào, nhả nốt điêu luyện, quãng chuyển giọng thượng thừa.
20 năm sau, Trên đỉnh Phù Vân vẫn chưa ai “bay” qua được Mỹ Linh.
Nhưng chương trình có hay không? Công bằng mà nói, đường dây kịch bản khá ổn nhưng hơi rời rạc vì thiếu những điểm nhấn “đọ” nhau giữa những giọng ca. Đâu đó cũng có một vài đáng tiếc vì sự cố sân khấu (MC Hoàng Oanh, ca sĩ Thu Phương bị ngã vì tam cấp sân khấu, điện đàm của bảo vệ liên tục vang lên giữa khán phòng khiến ca sĩ mất tập trung…), ca sĩ một vài chỗ quên lời hoặc đảo đoạn ca từ (Hà Trần với Thu Cạn, Thanh Lam với Giọt nắng bên thềm)… Nhưng tất cả những điều ấy đều được san lấp bởi những giọng ca vàng.
Tất cả những bài hát trong chương trình đều cũ. Nó chỉ khác đi là được thay bằng lớp hòa âm mới đậm chất đương đại của Hoài Sa. Và trong chiếc áo mới, cả 5 giọng ca đều cho thấy họ biến báo và hợp thời ra sao. Mỗi người đều thể hiện bản lĩnh của mình theo thời gian, đó là đẳng cấp mà họ đã dày công xây dựng. Những bài hát ấy vẫn nghe họ hát trong những chương trình đơn lẻ. Nhưng thật sự, khi xuất hiện đơn lẻ, họ là đặc biệt, khi xuất hiện cùng nhau thì đó là hiện tượng.
Cả khi 5 giọng ca ấy xuất hiện cùng nhau trong một chương trình, nó sẽ giúp công chúng hình dung lại một quãng đường rất đẹp của nhạc Việt và nó cũng định hình lại một lần nữa, rằng, trong đẳng cấp cũng có những cấp bậc riêng. Và ở đỉnh cao ấy, với nhiều người sau khi nghe xong chương trình, vẫn chỉ một mình Thanh Lam.
Họ đã tôi luyện mình trong âm nhạc như một võ sinh, suốt quãng đường âm nhạc của mình họ thử sức qua nhiều trường phái, có lúc gây địa chấn, có lúc làm hoang mang, nhưng đẳng cấp giọng hát thì chưa bao giờ bị phủ nhận.
Khoảng trống của những thế lực nâng đỡ Diva
Nhìn những giọng ca vàng trình diễn gợi lên nhiều cảm giác cho nhiều người. Ai cũng nhớ lại một thời âm nhạc rất đẹp ấy. Nhưng cái đáng nói hơn, nhìn họ trình diễn lại những ca khúc ấy, những bài hát tạo nên sức vóc âm nhạc của họ, sẽ càng tiếc nhớ hơn cả một guồng quay đã đưa những giọng ca này lên đỉnh.
Diva không phải là công chúa trong chuyện cổ tích. Họ lên đỉnh không thể một mình, mà phía sau họ là những bệ đỡ, là cơ chế vận hành trơn tru và đầy sáng tạo.
Phía sau những giọng ca ấy là ai nếu không phải là những Thanh Tùng, Dương Thụ, Bảo Chấn, Quốc Bảo, Việt Anh, Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Anh Quân, Huy Tuấn… Đó chính là những thế lực tạo ra diva và duy trì vị thế của họ. Họ đã có những khởi đầu bùng nổ và những cú đột rẽ ly kỳ tạo ra những cột mốc mới.
Họ xuất hiện cùng nhau vào đúng thời điểm cần của thị trường, họ có giọng nói riêng và đến giờ thứ quyền lực tỏa ra của họ vẫn còn hấp dẫn.
Điều này sẽ lý giải cho dòng chảy đương thời vì sao khi không thiếu những giọng ca có thể mang tính kế thừa nhưng thiếu hẳn một đội ngũ back up hiệu quả phía sau để có thể đẩy họ lên cao nữa.
Nên mới thấy, dù chương trình Master Of Symphony chưa phải thật sự là một đêm nhạc diva trọn vẹn nhưng nó đại diện cho nhiều miền cảm giác. Sự xuất hiện của những giọng ca vàng càng làm thấy khoảng trống mênh mông mà họ để lại. Không phải riêng họ, mà là cả một guồng máy hậu thuẫn chuyên nghiệp vẫn chưa thể làm gì khác hơn.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa