Man City bị loại ở tứ kết C1: Pep Guardiola có thực sự xuất sắc?
(Thethaovanhoa.vn) - Một lần nữa Man City bị loại sớm ở cúp C1. Thất bại trước đối thủ bị đánh giá thấp hơn như Lyon khiến người ta phải đặt lại câu hỏi về năng lực cầm quân của Pep Guardiola.
Kết quả tứ kết Champions League 2020
* Man City 1-3 Lyon
* Barcelona 2-8 Bayern Munich
* RB Leipzig 2-1 Atletico Madrid
* Atalanta 1-2 PSG
Lịch thi đấu bán kết Cúp C1 Champions League 2020:
* 02h00 ngày 19/8: Leipzig vs PSG
* 02h00 ngày 20/8: Bayern Munich vs Lyon
“Phú quý giật lùi”
Nhìn lại sự nghiệp cầm quân của Pep Guardiola thì dễ thấy là nó diễn ra theo kiểu “phú quý giật lùi”. Ở Barca thì ông vô địch cúp C1. Ở Bayern Munich thì ông không vượt nổi “ngưỡng bán kết”. Ở Man City thì ông không qua nổi “ngưỡng tứ kết”. Tổng cộng là 7 mùa liên tiếp sau khi rời Barca (3 với Bayern và 4 với Man City), Pep Guardiola thất bại ở cúp C1.
Những đội bóng ông cầm quân sau khi rời Camp Nou đều có tiềm lực tài chính tốt, có nhiều ngôi sao trong đội hình nhưng vẫn không thể lên đỉnh Châu Âu. Hãy cùng tổng kết lại các thất bại của Guardiola với Bayern và City để xem vấn đề ở đây là gì?
Mùa 2013-14, Bayern của Pep thua tan nát Real Madrid chung cuộc 0-5 ở bán kết cúp C1, mùa 2014-15, vẫn là bán kết và Bayern thua Barca chung cuộc 3-5. Mùa 2015-16, vẫn là bán kết và Bayern bị Atletico Madrid loại theo luật bàn thắng sân khách sau khi hòa 2-2 chung cuộc.
Mùa 2016-17, Man City của Guardiola bị Monaco loại cũng theo luật bàn thắng sân khách sau khi hai đội hòa 6-6 chung cuộc ở vòng 1/8. Mùa 2017-18, Man City bị Liverpool đánh bại 5-1 chung cuộc ở tứ kết. Mùa 2018-19, City bị Tottenham loại cũng ở tứ kết theo luật bàn thắng sân khách sau khi hòa 4-4 chung cuộc và mùa này City thua Lyon 1-3 cũng vẫn ở tứ kết.
Nhìn lại các thất bại của Guardiola ở 7 mùa cúp C1 gần nhất với Bayern Munich và Man City thì thấy vấn đề nổi cộm là các đội bóng của Pep có xu hướng để thủng lưới nhiều, nếu không muốn nói là rất nhiều, nghĩa là phòng ngự kém.
Guardiola chỉ giỏi bóng đá tấn công?
Vốn là tiền vệ phòng ngự khi còn thi đấu nhưng Pep Guardiola lại được biết đến là người theo đuổi bóng đá tấn công trong vai trò HLV. Thành công rực rỡ ông gặt hái khi dẫn dắt Barca gắn liền với bóng đá tấn công và tên tuổi của Guardiola trong giới cầm quân bắt đầu được xây dựng và hình thành từ những năm tháng ở Camp Nou ấy.
Ở Barca, triết lí tiki-taka mà Guardiola kế thừa và phát triển từ ông thầy Johan Cruyff được đặt lên bệ phóng lí tưởng để thành công khi ông có trong tay những tiền vệ giỏi cầm bóng, giàu sáng tạo và cực ăn ý vì đã chơi cùng nhau từ lâu như Xavi, Iniesta, Busquets…, khi ông có một hậu vệ siêu tấn công như Daniel Alves và đặc biệt, là một Messi thiên tài, người có thể mang đến sự thăng hoa trong lối chơi tấn công.
Nhưng Bayern Munich và Man City không phải là Barca, không đội nào có hàng tiền vệ phù hợp một cách lí tưởng với triết lí bóng đá của Pep như Barca từng có. Cũng không đội nào có một siêu sao tầm cỡ Messi trong đội hình. Và ở những môi trường mà chất “bột” không đủ tốt và phù hợp như ở Barca, Guardiola đã không thể “gột nên hồ”.
Ông vẫn theo đuổi bóng đá tấn công nhưng trong khi Bayern và Man City thời Guardiola tấn công không đạt được hiệu quả cao như Barca thì họ phòng ngự lại rất tệ. Guardiola có vẻ chỉ thích và chỉ giỏi tìm kiếm những ngôi sao tấn công mà không có khả năng xây dựng được lối chơi phòng thủ chắc chắn cho đội bóng bằng chiến thuật hợp lí và những cầu thủ chất lượng.
Hãy nhìn lại một số cầu thủ phòng ngự và tiền vệ được Pep chiêu mộ về Man City. John Stones, Benjamin Mendy, Danilo, Kyle Walker, Laporte, Guendogan, Rodri…tất cả đều phòng ngự kém, hoặc phong độ không ổn định (Laporte) hoặc có thiên hướng tấn công và kỷ luật chiến thuật kém.
Các ngôi sao tấn công và triết lí của Pep đủ giúp ông vô địch Bundesliga và Ngoại hạng Anh nhưng ở một giải đấu khắc nghiệt và không có nhiều cơ hội sửa sai như cúp C1, những vụ mua sắm không chính xác và năng lực xây dựng lối chơi phòng ngự cho đội bóng có vẻ hạn chế của Pep khiến ông khó chinh phục đỉnh cao.
HT