Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng 2020 chuẩn nhất
(Thethaovanhoa.vn) - “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” - đây là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt, mọi nhà đều chuẩn bị làm lễ cúng tươm tất, với mong muốn một năm mới bình an, may mắn.
Thông thường, lễ cúng rằm tháng Giêng sẽ được làm vào ngày 15/1 Âm lịch hàng năm. Một số gia đình vì công việc bận bịu mà làm trước từ ngày 13, 14. Năm Canh Tý 2020, rằm tháng Giêng rơi vào thứ 7 ngày 8/2 dương lịch.
- Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng - Tết Nguyên Tiêu
- Cách người Việt xưa đón Tết Nguyên Tiêu rằm tháng Giêng
- Chuẩn bị cúng rằm tháng Giêng thế nào cho chuẩn, khấn gì cho đúng?
Trong những ngày này, các gia đình thường chuẩn bị 2 lễ cúng, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên. Gia chủ cũng có thể lập đàn tràng tại gia để làm lễ giải hạn.
Mâm cỗ cúng phật sẽ không có các món mặn mà thay vào đó là các món ăn chay tinh khiết. Gia chủ có thể chuẩn bị các món chay như: Bánh trôi nước, món xào chay, bánh canh măng nấm hoặc canh củ quả, hoa quả, xôi chè, các món đậu… Ngoài ra, lễ vật cúng sẽ có hương, hoa, đèn, nến.
Lễ cúng gia tiên là mâm lễ mặn với đầy đủ các món ăn ngày Tết. Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng truyền thống thường có những món sau: Gà luộc, bánh chưng, nem, mọc ninh măng, giò chả, xôi, hoa quả… Các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu.
Trong ngày này, mâm cỗ được từng gia đình chuẩn bị theo điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên Tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên trong năm mới âm lịch, dân gian ta thường gọi là Tết Nguyên Tiêu hay lễ Thượng Nguyên.
Vào ngày rằm, ngoài việc sắm mâm cỗ cúng tại gia; người Việt Nam còn thường đi lễ chùa, lễ Phật để cầu mong bình an, mạnh khỏe quanh năm.
Ngày Thượng nguyên-Rằm tháng Giêng có gốc gác thế nào?
Theo chuyện Phật thì ngày mùng một đầu tháng (âm lịch) và ngày rằm là ngày của các Phật. Do vậy Phật tử đều đến chùa dâng lễ vật cúng Phật vào hai ngày đó. Nhưng ngày mùng một ban đêm lại đen tối mịt mù, ngược lại đêm Rằm thì trăng soi vằng vặc. Nhất là đêm Rằm đầu tiên của một năm thì thiêng liêng lắm nên các Phật giáng lâm xuống mọi chùa chiền để độ trì cho mọi người tai qua nạn khỏi, phúc lộc đầy nhà.
Khoảng dăm bảy thế kỷ trở lại đây, có một thục tế rằng tín ngưỡng đạo giáo thâm nhập vào Phật giáo. Tôn giáo này coi Rằm tháng Giêng là ngày vía Thiên quan, là dịp may hãn hữu để làm lễ dâng sao giải hạn trừ tai ách. Do vậy các chùa cũng nhân ngày này dựng đàn tràng làm lễ dâng sao. Đàn tràng có 3 cấp. Trên cùng là Trời, Phật, Tiên, Thánh. Cấp giữa là các vì sao thủ mạng (theo đạo Giáo, mỗi con người hàng năm chịu ảnh hưởng của một vì sao nào đó). Cấp dưới cùng là các cô hồn chúng sinh lang thang vô định. Lễ vật thường là hoa quả, trầu cau, xôi oản, trà rượu và đồ vàng mã.
Đó chính cũng là lý do khiến thêm nhiều người đến cửa chùa để cầu xin may mắn, tránh tai ương.
Theo truyền thống Phật giáo, ngày rằm tháng Giêng là lúc Phật giáng lâm nên đây là ngày rằm quan trọng nhất năm, mang ý nghĩa lớn. Chính vì vậy mà vào rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.
Ngoài ra, trong ngày này, người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà và nhiều gia đình coi đây là ngày quan trọng trong năm nên cúng lễ rất chu đáo, cẩn thận. Các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm tháng Giêng, một là lễ cúng chay (cho ban thờ Phật) và hai là lễ cúng mặn (cho ban thờ gia tiên). Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau.
Tết Nguyên Tiêu - Tết Trạng Nguyên
Tết Nguyên Tiêu - đêm trăng sáng đầu tiên của một chu kỳ xuân mới, ánh trăng chiếu rạng khắp miền hạ giới sau một mùa đông dài tối tăm, lạnh lẽo. Theo các nhà phong thủy, đêm này âm dương giao hòa đầy vượng khí, càn khôn thịnh phát nhất tại cực điểm, cây trái thuận thời thi nhau trổi dậy đâm chồi nẩy lộc, vạn vật hóa sinh. Trăng Nguyên tiêu thanh bình, gió lành mơn man thổi nhẹ, không gian lãng đãng làm cho tâm hồn thi nhân thêm phấn chấn trước những thay đổi của cảnh sắc mây trời, hương thơm của cỏ cây hoa trái lan tảo khắp chốn nhân gian. Tết Nguyên Tiêu là men tố, là thời khắc gây nguồn cảm hứng thi ca bất tận.
Vào dịp này, vua chúa có lệ ban lấy ngày Nguyên Tiêu là dịp để triệu tập các Trạng nguyên và những người đỗ đạt cao trong nước về kinh hội họp, đãi yến tiệc trong vườn Thượng Uyển. Tại đây, các ông Trạng cùng nhau xem hoa thưởng nguyệt, làm thơ xướng họa, ứng đáp câu đối, thổi sáo chơi đàn, ca ngợi tạo hóa và triều đại, bởi vậy nên về sau người ta gọi là Tết Trạng nguyên; một ngày tết dành riêng để tôn vinh việc học hành.
Nước ta vào thời Lý - Trần, triều đình có tổ chức Tết Trạng nguyên; đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông, Tết Trạng nguyên được tổ chức một cách trọng thể ở kinh thành Thăng Long, khắp cả trong cung ngoài phố múa hát đàn ca tưng bừng, cờ hoa trang hoàng rực rỡ.
Xưa kia, tại các nhà thờ họ, trưởng họ, trưởng tộc thường triệu tập những thanh niên học cao, hiểu rộng, có tài và đức lên đọc bản báo cáo thành tích một năm hoạt động với tổ tiên. Qua đó để thấy được sự hưng vượng của dòng họ và giáo dục các thế hệ con cháu một cách tốt nhất. Sau đó, các bô lão tổ chức ngắm trăng, thi đọc thơ hoặc chơi tổ tôm, tam cúc. Sau ngày này, họ thường cất hoặc đốt những bộ trò chơi này đi để thúc giục con cháu khởi động một năm mới làm việc chăm chỉ, thi cử đỗ đạt.
Đối với bình dân, vào dịp Tết Nguyên Tiêu nhiều nơi thường mở hội làng, bằng nhiều loại hình dân gian, tổ chức lễ thắp đèn hoa, đua thuyền bơi trải, vật võ, có cả múa, hát, lục cúng hoa đăng…
Tết Nguyên tiêu - Tết của lửa và thơ
Từ xưa, đã có rất nhiều văn nhân thi sĩ yêu trăng như Mãn Giác Thiền Sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… Và từ năm 2003, rằm tháng Giêng còn là Ngày Thơ Việt Nam.
Phật giáo trong hơn ngàn năm du nhập vào Việt Nam đã gắn kết các phong tục văn hóa của Việt. Rằm tháng Giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ hội có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp. Rằm tháng Giêng là một trong 4 ngày rằm lớn trong năm mà người Việt, đặc biệt là Phật tử, thường viếng chùa lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.
Tiết Lập xuân, trời ấm, hoa nở, bướm phát triển. Sau đó, theo chu kỳ sinh trưởng của loài bướm, trứng bướm nở ra sâu, lan rộng khắp nơi phá hoại mùa màng. Vì vậy công việc cần thiết của nông dân lúc này là diệt sâu bọ. Trong những ngày đó (sau tiết Lập Xuân), họ sẽ đi ra đồng tập trung rơm rạ, lá khô đốt lên để diệt các loại côn trùng có hại. Yếu tố lửa vẫn duy trì đến ngày nay thể hiện qua tục treo đèn lồng vào ngày này. Mặt khác, màu đỏ của lửa trong văn hóa Đông Á là màu dương, màu của sự sống, của sự nhiệt thành… Nó thích hợp với tâm lý vui tươi, phấn khởi của người dân trong những ngày đầu năm.
Yếu tố thơ được duy trì qua các hình thức sịnh hoạt thơ ca ở nhiều nơi. Ngày thơ Việt Nam nếu không có gì đột xuất thường được tổ chức tại Văn Miếu Hà Nội vào đúng Rằm tháng Giêng.
Ngày nay, Tết Nguyên Tiêu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, thấm đẫm chất nhân văn ở cả thành thị lẫn nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ hay thăm viếng cảnh chùa, lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.
Hoài Ngọc (tổng hợp)