Maldives, viên ngọc giữa trùng dương
(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Quốc đảo Maldives trên Ấn Độ Dương nổi tiếng với những bãi cát trắng mịn, làn nước biển xanh ngọc bích do các quần thể san hô tạo thành và những resort cao cấp. Không được thiên nhiên ưu đãi, chính phủ phải mất 40 năm cải tạo để những resort ở Maldives mới có hình dạng như ngày hôm nay …
Tôi muốn đến Maldives cho kỳ nghỉ của mình cũng đồng thời tìm hiểu tại sao Maldives luôn được du khách đặt cho cái tên mỹ miều “thiên đường nghỉ dưỡng của thế giới”, mặc dù biết rằng một khi đã lạc bước đến đây túi tiền trong hầu bao sẽ vơi dần.
- Câu chuyện du lịch: Và tôi homestay ở Sapa...
- Câu chuyện du lịch: Campuchia, hiện đại và cổ xưa
- Câu chuyện du lịch: Oslo, thành phố tuyết và những pho tượng nude
- Câu chuyện du lịch: Đến Thung Nham, khám phá 'miệt vườn Nam Bộ' trên đất Bắc
Maldives được coi là thiên đường nghỉ dưỡng
Tiếp đón khách nồng hậu
Maldives mở rộng cửa cho du khách bởi các khu resort đã đóng góp đến 20% GDP của cả quốc gia và du lịch là ngành thu lợi nhiều nhất, vì vậy thủ tục nhập cảnh tại Malé (thủ đô Maldives) rất đơn giản: không cần có visa và cũng chẳng mất đồng nào cho thủ tục nhập cảnh. Chỉ cần trình vé máy bay khứ hồi và đặt sẵn khách sạn ở Maldives là được nhập cảnh (việc đăng ký khách sạn thường được thực hiện trên các trang booking.com, agoda.com, tripavisor.com).
Tôi quyết định chọn nghỉ dưỡng tại resort mang tên Kurumba, tiếng địa phương nghĩa là “cây dừa”, vì phù hợp với túi tiền của tôi. Ngay từ lúc đặt chân xuống sân bay ở Malé, tôi bắt đầu cảm thấy ấn tượng bởi nhân viên của các resort đến đón khách. Không chỉ có tấm bảng ghi tên resort được cầm giơ lên, mỗi một resort đều có màu áo truyền thống riêng và hàng chữ thêu trước ngực nhân viên để du khách có thể dễ dàng nhận ra.
Ghế đôi ngắm hoàng hôn...
Các nhân viên của resort chia nhau chuyển hành lý và dìu dắt du khách lên du thuyền với lời chào và nụ cười nồng ấm trên môi. Trong khoang du thuyền lộng lẫy và mát rượi, du khách trở nên tươi tỉnh hơn sau những giờ bay mệt mỏi bởi độ lạnh vừa phải của những chiếc khăn thơm nhẹ mùi sả và một chai nước cũng vừa đủ độ lạnh được phục vụ bởi các nhân viên trong trang phục quần short trắng, áo xanh.
Một chút cảm giác “chống chếnh” khi du thuyền bắt đầu tăng tốc và lướt sóng để rời sân bay đến resort Kurumba. Chỉ mười phút sau, du thuyền đã cập bến. Tiếp viên mời tôi vào phòng đặc biệt, tận hưởng một ly kem thơm nức mùi vani, trong khi đó cô tiếp viên chuẩn bị thủ tục phòng ở cho tôi. Ở các resort tại Maldives, người ta thích thanh toán bằng thẻ hơn là việc trả tiền mặt. Sau đó, một nam nhân viên tiếp tân mời tôi ra một chiếc xe chuyên dụng để về phòng nghỉ. Tôi không phải làm gì hết ngoại trừ ngồi trên xe nghe anh ta giới thiệu sơ bộ về những kiến trúc và cách sử dụng nằm trong resort.
Câu nói “khách hàng là Thượng đế” thấm rất sâu vào tâm hồn của những nhân viên phục vụ tại hòn đảo này. Chỉ cần một sáng tinh mơ bước ra khỏi phòng, bắt gặp một ai đó đang ngồi nhổ cỏ, du khách sẽ nhận được một cái gật đầu trìu mến với nụ cười thật tươi trên môi cùng câu hỏi có cần giúp đỡ gì không. Một ngày thật may mắn nếu gặp ai đó và chào hỏi bạn như thế!.
Trong resort có ít nhất 5 nhà hàng phục vụ ẩm thực vùng miền khác nhau
Nụ cười luôn thường trực trên đôi môi của các tiếp viên khi du khách yêu cầu bất cứ điều gì. Họ có sẵn một bàn làm việc với dòng chữ “Giúp đỡ du khách có nhiều kinh nghiệm hơn khi đến Maldives”, được đặt kế bên quầy tiếp tân để giải đáp những thắc mắc của khách hàng về điều kiện phòng ở, hoặc tư vấn những trục trặc nào có thể làm ảnh hưởng đến du khách …
Tôi thích nhất khi trở về phòng vào ban đêm: nhân viên dọn phòng đã đặt sẵn vài hoa sứ trên chiếc giường ngủ rất lãng mạn, những con rối ngộ nghĩnh được thắt từ những chiếc khăn được đặt một cách bất ngờ đâu đó trong phòng tắm, hay một dĩa trái cây được đặt nơi góc bàn.
Mỗi buối tối, trong phòng luôn đặt một lá thư trang trọng với nội dung thông báo hoạt động của resort vào ngày hôm sau, ghi giờ giấc rõ ràng cũng như địa điểm diễn ra các hoạt động. Chẳng hạn, đó là chương trình dạy bơi lặn miễn phí, trình chiếu những bộ phim về sự đa dạng thực vật và động vật ở Maldives, chương trình tour riêng để du khách lựa chọn thêm và phải trả tiền như xem cá heo và ngắm hoàng hôn trên Ấn Độ Dương, lặn biển ngắm san hô, đi xem làng văn hóa truyền thống của người Maldives… Đặc biệt, trong lá thư họ luôn dự báo thời tiết ngày mai và ngày kế tiếp với chi tiết mặt trời sẽ mọc và lặn lúc mấy giờ, tốc độ gió và hướng gió, tình trạng mây trên bầu trời. Ở cuối trang thư luôn là một câu hỏi nào đó về quốc gia Maldives, và thế là tôi chờ đợi và háo hức để biết câu trả lời vào ngày hôm sau.
Mua dường uống nước ở Maldives
Xem cá heo và ngắm hoàng hôn
Hôm đó, có mười du khách quốc tế trên con tàu nhỏ, màu trắng (trông giống ca nô). Những câu chào nhau làm không khí trên tàu trở nên ấm cúng. Một cặp hướng dẫn viên với nhiệm vụ được phân công rõ ràng : anh Ameh chăm sóc nam, chị Razan chăm sóc nữ. Với làn da đen bóng và sạm nắng vì gió biển, với hàm răng trắng đều luôn nở nụ cười, vẻ đẹp của cặp hướng dẫn viên trở nên “mặn mà” hơn trong ánh nắng hanh hanh của buổi chiều.
Tôi bị cảm giác say sóng khi tàu xuất phát một đoạn bởi những con sóng lớn dập dồn đánh vào mạn tàu. Anh Ameh và chị Razan phát cho mỗi người một chiếc vòng để đeo vào tay, bên dưới chiếc vòng đó là một viên thuốc chống say sẽ được hấp thu dần qua làn da để vào cơ thể.
Chúng tôi nhìn thấy rõ mồn một những gì diễn ra dưới đại dương qua làn nước xanh trong. Từng đàn cá nhiều chủng loại và sắc màu lượn lờ bơi lội qua những lớp rong rêu, đẹp tới mức tôi mường tượng tới… câu chuyện cổ tích “Nàng tiên cá”.
Kurumba trong ánh hoàng hôn...
Nước biển bắt đầu chia hai màu và tạo ranh giới giữa xanh ngọc bích và xanh dương. Những con sóng lớn vô tình tạo cho tôi một cảm giác nửa thực nửa hư về cảnh sắc khi lênh đênh trên biển. Nhìn lại sau lưng đuôi tàu, những resort xung quanh trông giống như những con sò trắng toát nằm lơ đễnh giữa biển xanh. Anh Ahmed bắt đầu dặn dò mọi người chú ý theo hướng tay của anh ta vì cá heo sắp xuất hiện.
Những chú cá heo dường như muốn “đánh đố lập lờ” với du khách bởi sự ẩn hiện của nó. Những tiếng reo náo nhiệt vang lên khi trông thấy một chú cá heo lượn mình trong không trung. Những tiếng suýt xoa hối tiếc khi mọi máy ảnh đang chăm chăm vào một góc để chờ đợi, bất ngờ ở góc khác một cặp cá heo phóng mình lên cao, uốn lượn vài vòng rồi rơi xuống biển … Một không khí náo nhiệt, hò reo vui tươi giữa trời biển bao la. Những chai champagne được khui ra để phục vụ du khách ngắm hoàng hôn sau màn hào hứng nhộn nhịp xem những chú cá heo.
Những mùa thay gió
Mặt trời đã đỏ lựng về phía chân trời và chuẩn bị bàn giao cho bóng đêm. Anh Ahmed đến mời tôi một ly champagne. Câu chuyện của anh khiến tôi khá bất ngờ và lý thú về khí hậu mà trước đây trong tôi chỉ nghĩ rằng hòn đảo nắng nóng quanh năm.
“Có tới bốn mùa ở Maldives, thoạt nghe mọi người có lẽ không tin, nhưng đó là sự thật…”, anh Ahmed mở đầu câu chuyện sau khi nhấm nháp một ít champagne. Theo lời kể của Ahmed, thời tiết ở Maldives được phân chia dựa vào luồng dịch chuyển của các cơn gió trong năm. Hai luồng gió tạo ra hai mùa chính là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Trong thời gian chuyển đổi hướng thổi, hai mùa khác được tạo thành trong năm mặc dù thời gian hai mùa này khá ngắn.
Nắm bắt được thời tiết trong năm, du khách sẽ có những khám phá tuyệt vời về Maldives. Từ tháng 1 đến tháng 3 là mùa hè với sự hoạt động chính của gió mùa Đông Bắc (người địa phương gọi là Iruvai). Dấu hiệu có thể tìm thấy để xác định gió đã thổi từ hướng Đông lên là xuất hiện rất nhiều chuồn chuồn. Đây là mùa được yêu thích nhất trong năm bởi bầu trời xanh trong, ẩm độ thấp, ít mưa và tràn ngập nắng.
Đi chụp ảnh khi chiều xuống
Những làn gió biển từ hướng Đông thổi lên đem đến sự mát mẻ vào ban đêm. Đây cũng là mùa cao điểm của du khách châu Âu đến hòn đảo bởi ở Bắc Bán Cầu lúc ấy là mùa đông. Lợi dụng sức gió Đông Bắc, những người địa phương sống phía Bắc có thể xuống phía Nam để thăm họ hàng bằng những chiếc thuyền truyền thống (dhonic). Đây cũng là mùa đánh bắt xa bờ và là mùa bội thu của ngư dân, nhất là cá ngừ. Những trường học dạy đánh cá bắt đầu mở cửa huấn luyện trong mùa này. Những trái xoài nho nhỏ vàng ươm cũng xuất hiện ở các quầy sạp và là lứa xoài đầu tiên trong năm.
Mùa thu bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 5 khi hướng gió bắt đầu chuyển từ đông sang tây. Đây là thời kỳ nóng nhất trong năm, nhưng người Maldives thích gọi nó là mùa thu. Mưa hầu như không còn nữa, bầu trời trở nên xanh biêng biếc. Đây là mùa dành cho các tay săn ảnh chuyên nghiệp giới thiệu Maldives trên các tạp chí du lịch, được chụp hình từ trực thăng.
Mùa đông ở Maldives bắt đầu từ tháng 6 cho đến tháng 10, đây là lúc gió Tây Nam hoạt động mạnh nhất (thường gọi là Hulhagu). Đây cũng là thời điểm mưa nhiều nhất trong năm, nên thỉnh thoảng còn được gọi là mùa mưa. Cứ khoảng hai ngày mưa một lần, và thời gian mưa khoảng hai tiếng. Sau cơn mưa, mặt trời lại hé sáng chỉ được khoảng vài tiếng đồng hồ. Đây cũng là thời điểm mực nước biển thấp nhất và im sóng nhất, rất thích hợp cho việc lặn hay lướt ván.
Nếu chọn các hòn đảo san hô tự nhiên ở phía tây Maldives, bạn sẽ có khám phá tuyệt vời về chúng. Trong mùa này thường xuất hiện các loại cá mập, hay các loại cá da nhám trên Ấn Độ Dương. Nếu đi về hòn đảo Baa, bạn sẽ thấy được hình dáng của cá mập hay cá voi. Những trường dạy đánh bắt cá mập, cá đuối… mở cửa trong mùa này. Cuối tháng 9, những trái đu đủ to, vàng tươi sẽ tràn ngập trong các khu chợ.
Từ tháng 11 đến tháng 12, gió sẽ bắt đầu đổi từ hướng tây sang hướng đông và đem lại sự mát mẻ trong ngày, nên người ta hay gọi là mùa xuân. Ánh sáng tràn ngập khắp nơi nhưng rất nhẹ. Chợ lại tràn ngập những quả xoài xinh xắn và đây là mùa thu hoạch thứ hai trong năm.
… Trong làn gió biển mát rượi man mác của mùa thu, tôi lắng nghe say mê câu chuyện của anh Ahmed. Những giọt champagne cuối cùng cũng đã cạn. Những vệt nắng trong ngày đã tắt hẳn. Xa xa, ánh đèn từ các resort trông như những vì sao đêm nhấp nháy trên bầu trời cao.
Tác giả tại Kurumba - Maldives
Giấc mơ thiên đường
Tại các bãi biển, cứ khoảng mươi ngôi nhà lại xuất hiện một quán bar lộ thiên, với đủ loại cocktail hay kem của nhiều quốc gia khác nhau. Du khách tha hồ tắm biển, phơi nắng, đọc sách và thưởng thức những ly cocktail hay ly kem mát lạnh để tận hưởng cuộc sống, quẳng đi hết những lo toan, xô bồ xô bộn của công việc thường ngày… Ở mỗi resort, du khách cứ ăn và cứ uống mà không cần phải trả tiền ngay, bởi vì trước khi rời khỏi hòn đảo, tiếp tân sẽ đưa ra tờ hóa đơn liệt kê những gì mà du khách đã sử dụng những ngày qua và du khách sẽ thanh toán lại bằng thẻ tín dụng (Visa hoặc Mastercard).
Hết ngụp lặn trong làn nước trong xanh màu ngọc bích, tôi lại lang thang trên những bãi cát dài trắng phau mịn màng và nhấm nháp những cây kem nhiều hương vị. Thỉnh thoảng, những xe dừa đẩy ngang, tôi lại vẫy tay cho xe dừng lại, thử qua hương vị ngòn ngọt, lờ lợ của thứ trái cây miền nhiệt đới.
Gió và sóng biển hòa quyện với những tán dừa tạo thành những âm thanh lao xao xung quanh, vô cùng dễ chịu. Nhiều du khách mà tôi từng gặp ở Maldives, họ đều chia sẻ cảm nhận mình là “Thượng đế … thứ thiệt” bởi dịch vụ quá hoàn hảo.
Đối với tôi, chia tay Maldives là chia tay với giấc mơ thiên đường. Tôi đã tận hưởng những khoảnh khắc thanh thản và yên bình khó quên dưới những hàng dừa lã ngọn, chìm trong làn nước màu ngọc bích đẹp tới mức ngây ngất …
Bài và Ảnh: LinhNC