Ma rốc: Hành trình vươn lên đáng khâm phục của Hakimi
Sau khi ghi bàn thắng quyết định đưa Maroc đánh bại Tây Ban Nha vào tứ kết World Cup 2022, Achraf Hakimi đã chạy thẳng lên khán đài. Người con trai 24 tuổi đã nhảy vào đám đông để hôn lên má mẹ anh và trao cho bà chiếc áo đấu của mình. Sau đó, Hakimi mới trở lại sân ăn mừng cùng đồng đội.
Đó là một trong những khoảnh khắc được miêu tả "cảm động bậc nhất World Cup 2022". Nó cũng tượng trưng cho hành trình của Hakimi, từ con trai của một gia đình nhập cư nghèo khó đã nỗ lực vươn lên để trở thành một ngôi sao bóng đá hàng đầu.
Hakimi, từ ngoại ô Madrid
Hakimi chào đời năm 1998 tại Madrid, Tây Ban Nha. Cha mẹ của anh, ông Hassan và bà Saida là những người di cư từ một ngôi làng nhỏ ở Maroc với ước mơ "xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn". Ở Tây Ban Nha, bà Saida làm công việc dọn dẹp nhà cửa, ông Hassan bán hàng hoa quả tại một khu chợ ở Getafe.
"Họ đến từ vùng đất hầu như không có việc làm. Họ đã phải chiến đấu hết sức gian khổ. Tôi không có từ nào để diễn hành trình của cha mẹ mình", Hakimi từng chia sẻ.
Khi còn nhỏ, Hakimi là một cậu bé nghịch ngợm, chẳng thể ngồi yên. Mẹ anh nghĩ rằng phải tìm kiếm một môn thể thao để thằng bé giải tỏa năng lượng. Bà đã gợi ý judo, bơi nhưng Hakimi nói rằng đó phải là bóng đá. Bằng rất nhiều nỗ lực, bà Saida đã mua cho Hakimi một đôi giày bóng đá tốt đầu tiên để cậu bé có thể thực hiện ước mơ của mình trong thế giới thể thao tươi đẹp.
Hakimi chơi cho đội bóng địa phương CD Colonia Ofigevi, trước khi lọt mắt xanh một tuyển trạch viên của Real Madrid và được đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha mời thử việc khi mới 7 tuổi. Một lời đề nghị được gửi tới sau đó, nhưng theo cách cũ - thông qua lá thư tay gửi đường bưu điện. Hakimi từng nghĩ rằng đó chỉ là một trò đùa. Nhưng cha anh, bằng ánh mắt tràn đầy hy vọng nhìn vào cậu con trai, nói với anh rằng đó là sự thật.
Tới Real Madrid
Hakimi gia nhập học viện đào tạo của Real Madrid vào năm 2006. Anh nhanh chóng thăng cấp qua các đội trẻ của Real. Nhưng sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng.
Năm 2016, Hakimi bị FIFA cấm thi đấu sau nhiều cuộc điều tra về cáo buộc Real Madrid ký hợp đồng bất hợp pháp với các cầu thủ vị thành niên từ nước ngoài. Án cấm được cho là "bất công" với Hakimi bởi anh sinh ra ở Tây Ban Nha, mang hộ chiếu của quốc gia này. "Đó là một sai lầm chưa bao giờ thực sự được giải thích đầy đủ. Em tôi không mong đợi điều đó và không hiểu chuyện gì đã xảy ra", Nabil, anh trai của Hakimi nhớ lại. "Đó là khoảng thời gian phức tạp đối với em tôi vì không biết khi nào FIFA sẽ bật đèn xanh cho thi đấu trở lại".
Ở tuổi 18, Hakimi đã được trao cơ hội ra mắt đội 1 Real Madrid trong trận gặp Espanyol sau khi án cấm được xóa. Chính huyền thoại Zinedine Zidane đã trao cho Hakimi cơ hội đó. "Tôi biết ơn ông ấy vì đã đặt niềm tin vào tôi và cách ông ấy cư xử với tôi. Tôi sẽ luôn biết ơn ông ấy", Hakimi nói về người thầy. Nhưng, với sự cạnh tranh khốc liệt về vị trí ở đội hình 1, Real Madrid đã thu xếp cho Hakimi một hợp đồng cho mượn. Hakimi đến Dortmund, theo thỏa thuận 2 năm. Ở Đức, Hakimi chơi nổi bật và giành được một số giải thưởng như Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất châu Phi năm 2018 và 2019 hay Tân binh xuất sắc nhất tháng tại Bundesliga.
Sau hai mùa giải rực rỡ ở Đức, người hâm mộ kỳ vọng Hakimi sẽ trở lại Madrid để củng cố vị trí của mình trong đội một của họ trong nhiều năm tới. Thế nhưng, Hakimi chưa bao giờ được đánh giá cao ở Bernabeu. Real gây sốc khi bán Hakimi cho Inter Milan với giá 40 triệu euro. Ở vị trí hậu vệ cánh, Hakimi ghi 7 bàn thắng ấn tượng ở Serie A khi Inter giành scudetto vào năm 2021. Tuy nhiên, khó khăn về tài chính buộc câu lạc bộ Ý phải bán Hakimi. PSG đã trả 60 triệu euro để có được sự phục vụ của Hakimi vào năm 2021 và anh đã giành được danh hiệu Ligue 1 trong mùa giải đầu tiên cho câu lạc bộ.
Và World Cup
Sự nghiệp có nhiều thăng trầm nhưng về đời sống cá nhân, Hakimi không thể chờ mong điều gì tốt hơn nữa. Hakimi gặp người vợ hiện tại, nữ diễn viên xinh đẹp Hiba Abouk lần đầu tiên vào năm 2018 khi còn ở Dortmund. Abouk là diễn viên nổi tiếng đã gây dựng được sự nghiệp thành công ở Tây Ban Nha. Điều đặc biệt hơn, cô hơn Hakimi tới 12 tuổi.
Abouk từng miêu tả cuộc gặp gỡ với Hakimi "như một định mệnh". Họ đều sùng đạo Hồi. Gốc gác gia đình của Abouk có phần nào giống Hakimi. Cha mẹ cô cũng là những người di cư từ Tunisia, tới lập nghiệp ở Madrid. Sau hai năm yêu xa, Hakimi và Abouk làm đám cưới bí mật vào năm 2020, lần lượt chào đón hai con trai chào đời.
Trở lại vào tháng 10, khi World Cup 2022 đang cận kề, vợ chồng Hakimi đã xuất hiện trong một bộ ảnh tuyệt đẹp trên tạp chí Vogue Ả Rập. Trong bài phỏng vấn cùng tạp chí, Hakimi cho biết ban đầu anh cân nhắc chơi cho đội tuyển Tây Ban Nha nhưng cảm thấy không thoải mái do mối quan hệ gia đình bền chặt với Maroc. "Tôi đã đến ĐTQG Tây Ban Nha để tập thử. Tôi đã ở Las Rozas vài ngày và tôi thấy rằng đó không phải là nơi phù hợp với mình, tôi không cảm thấy như ở nhà. Tôi quen hơn với văn hóa Ả Rập và tôi chọn Maroc. Tôi muốn ở đây". Hai tháng sau cuộc phỏng vấn, Hakimi đã cùng đội tuyển Maroc làm nên lịch sử, trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên lọt vào vòng bán kết một kỳ World Cup, nơi họ sẽ đối đầu với nhà đương kim vô địch Pháp. "Ở Paris, bạn chơi cho đội bóng thành phố, nhưng ở ĐTQG thì không giống như vậy. Hàng triệu người sẽ ủng hộ bạn vì bạn đại diện cho cả đất nước. Bạn chơi vì rất nhiều người, người dân Maroc", Hakimi nói về niềm tự hào khi khoác áo ĐTQG.
Khánh Đan