Lý do khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc phá sản ở tuổi 20
Ngày càng nhiều người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 đang rơi vào tình trạng phá sản vì các khoản đầu tư thiếu đúng đắn, chỉ thấy lỗ mà không sinh lời.
Tờ Chosun đưa tin, trong tháng 7 và 8 vừa qua, cứ trong 5 người nộp đơn ra Tòa án Phá sản Seoul thì sẽ có 1 người ở độ tuổi 20, hoặc 1-2 người ở độ tuổi 30.
Số vụ phá sản ở những người trong độ tuổi 20 tăng mạnh. Nửa đầu năm nay, Hàn Quốc chỉ ghi nhận 245 vụ. Nhưng con số sau đó tăng lên lần lượt 322 và 315 vụ vào tháng 7 và 8 vừa qua, chiếm tới 19,6% trong tổng số hồ sơ bảo hộ phá sản.
Vào năm 2020, những người ở độ tuổi 20 chỉ chiếm 10,7% số vụ phá sản nhưng chỉ trong một năm rưỡi, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, cách đây 2 năm, tỷ lệ người phá sản ở độ tuổi 20 và 30 ở mức 42,5%. Con số tăng lên 45,1% vào năm 2021 và chạm mốc 47,9% trong nửa đầu năm nay.
Làm việc trong quán bar từ những năm 20 tuổi, một phụ nữ 36 tuổi đã phải nộp đơn xin phá sản cá nhân vào đầu năm 2021 sau khi cô vay 100 triệu won (hơn 1,6 tỷ VNĐ theo tỷ giá hiện tại) để trang trải sinh hoạt phí và các khoản khác.
Một người đàn ông 33 tuổi khác đã đóng cửa doanh nghiệp trang trí nội thất vào năm 2020, chỉ 1 năm sau khi kinh doanh và gánh khoản nợ gần 100 triệu won. Sau đó, anh tìm được việc làm ở một công ty và trả được một phần số nợ. Tuy nhiên, trong một đợt cắt giảm nhân sự, người đàn ông đã bị sa thải và cuối cùng phải tuyên bố phá sản.
Nguyên nhân vì đâu?
Người Hàn Quốc bắt đầu rơi vào cảnh nợ nần kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Thêm vào đó, chính sách sử dụng thẻ tín dụng nới lỏng kết hợp với thị trường bất động sản tăng nhanh tại Seoul và các khu vực thành thị cũng khiến nhiều người vốn đã bấp bênh trong công việc, nay còn phải gánh thêm những khoản vay nặng lãi.
Theo tờ Chosun, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do xu hướng vay nợ để mua cổ phiếu hoặc tiền điện tử gia tăng trong nhóm người trẻ tuổi. Tuy nhiên, đây có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, Chosun nhận định.
Khi giá căn hộ tăng vọt vào năm ngoái, nhiều người trẻ đã vội vàng vay các khoản khổng lồ để mua nhà trước khi giá cao hơn. Thế nhưng, hiện tại lãi suất vay tăng vọt trong khi giá trị bất động sản lại giảm. Thực tế này đang đẩy nhiều chủ sở hữu nhà rơi vào bờ vực khó khăn.
Theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính, số dư khoản cho vay của những người ở độ tuổi 20 và 30 từ 10 công ty môi giới lớn đã tăng từ 1,9 nghìn tỷ won vào cuối tháng 6/2020 lên 3,6 nghìn tỷ won sau một năm.
Điều này đồng nghĩa số thanh niên vay tiền mua cổ phiếu tăng gần gấp đôi. Họ cũng là nhóm chiếm 55% tổng số những nhà đầu tư tiền điện tử.
Giáo sư Oh Jung-keun đến từ Đại học Konkuk phân tích: "Vì họ không sở hữu nhiều tài sản, những người trẻ thường có xu hướng đầu tư mạo hiểm với hy vọng làm giàu nhanh chóng. Sự gia tăng số lượng thanh niên nộp đơn xin bảo hộ phá sản cho thấy nhiều người đã rơi vào cảnh nợ nần do vay nặng lãi để đầu tư".
Không ít người trẻ Hàn Quốc vay nhiều hơn 2 nguồn khác nhau. Theo Dịch vụ Giám sát Tài chính, tính đến nửa đầu năm nay, có 397.753 người ở độ tuổi 20 đã vay từ nhiều bên, tăng 30,6% so với cuối năm 2019 và là mức tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả nhóm tuổi.
- Tết Seollal - những phong tục đón Tết của người Hàn Quốc
- Người Hàn Quốc ngày càng phụ thuộc vào điện thoại thông minh
- Người trẻ Hàn Quốc ngày càng 'ngại' kết hôn vì cuộc sống quá đắt đỏ
Cuối tháng 4, Viện Tài chính Hàn Quốc cho biết những người dưới 30 tuổi vay từ nhiều nguồn đã nợ tổng cộng 158,1 nghìn tỷ won, tăng 32,9% so với năm 2017. Những người đi vay như vậy được xếp vào nhóm có khả năng vỡ nợ cao.
"Trong khi lãi suất vay dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới, khả năng cao là tiền điện tử và cổ phiếu sẽ giảm giá trị. Điều này có nghĩa rằng điều kiện tài chính của các nhà đầu tư sẽ càng xấu đi. Ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy số người trẻ tìm đến Tòa án Phá sản Seoul sẽ còn nhiều thêm", Park Hyun-keun, đến từ Hiệp hội Luật sư Phá sản Hàn Quốc, cho biết.
Diệp Lục