'Lương anh 10 triệu, lương mình 12 triệu, nếu cưới chắc tích cóp cả đời cũng không đủ tiền mua nhà"
Chuyện tài chính trước khi kết hôn vẫn luôn là vấn đề nhận được nhiều tranh luận. Bởi thực tế, một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững không phải chỉ cần tình yêu là đủ.
“Bạn có chấp nhận cưới một người đàn ông tuy nghèo nhưng rất yêu bạn không?” - câu hỏi quen thuộc được nhiều người đặt ra trong mỗi cuộc tranh luận liên quan đến hôn nhân, tài chính. Mỗi người sẽ có một quan điểm, lựa chọn khác nhau khi đứng trước câu hỏi này. Người vẫn tiếp tục tin vào tình yêu đẹp, có người lại thẳng thắn từ chối vì cho rằng thời buổi hiện đại khó còn cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”.
Hay mới đây, một tâm sự đang được cộng đồng mạng quan tâm cũng xoay quanh chủ đề nhạy cảm này. Theo đó, chủ nhân bài đăng cho biết hoàn cảnh gia đình bạn trai khá đặc biệt, bố mất sớm, nhà chỉ còn mẹ. Hơn nữa, mẹ không có lương hưu lại cao tuổi, nếu cả hai dự định cưới chắc chắn sẽ phải thuê trọ ở Hà Nội để đón mẹ lên ở cùng.
Bên cạnh đó, người viết bài cũng cho hay mức lương hiện tại của bạn trai là 10 triệu, cộng thêm 12 triệu tiền lương hàng tháng của cô không biết đến khi nào mới tích cóp đủ tiền để mua nhà. Chính vì vậy, bố mẹ của cô gái bày tỏ sự không hài lòng, phản đối chuyện tình yêu này vì sợ con gái phải khổ. Câu chuyện này nhanh chóng thu hút sự chú ý của rất nhiều người, đưa ra những quan điểm trái chiều.
Tình yêu cần lãng mạn nhưng cũng cần thực tế
Trong cuộc sống, không hiếm để bắt gặp những trường hợp tương tự với câu chuyện kể trên. Họ rút ra được bài học, kinh nghiệm từ chính trải nghiệm hôn nhân của bản thân. Nhiều người cho rằng, một khi đã xác định kết hôn, nên thẳng thắn bày tỏ các vấn đề tài chính. Không nhất thiết bạn phải tìm một nửa của mình là đại gia, con nhà giàu,... tuy nhiên cả hai cần có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển kinh tế, ổn định gia đình. Còn nếu không thể giải quyết, yêu đến mấy cũng nên dừng lại.
Đại Dương: “Nếu mình là bố mẹ của cô gái ấy, mình cũng ngăn cản. Không ai muốn gả con của mình cho một người đàn ông chưa vững vàng về kinh tế. Mình không bàn đến chuyện ở chung với mẹ chồng nhưng yêu đương không có tiền thôi đã thấy mệt rồi nữa là kết hôn. Cuộc sống bắt buộc chúng ta phải thực tế, không lãng mạn mãi được”.
Phương Thu: “Lo lắng cũng đúng thôi, hai vợ chồng lấy nhau về lương 22 triệu, tiền nhà, tiền ăn uống, điện nước ở thành phố cũng đủ đau đầu. Chưa kể sau này có con, bạn nữ phải nghỉ làm ở nhà một thời gian, gia đình lúc đấy sẽ thế nào. Mình nghĩ hai bạn nên ngồi lại trao đổi, nếu cảm thấy không ổn nên dừng mối quan hệ này”.
Bích Trâm: “Nếu bạn vẫn quyết định cưới, có thể sau này bạn sẽ hối hận. Mình cũng từng như vậy và cuối cùng mình ly hôn. Hôn nhân không giống như tình yêu, nhất là khi bạn có thêm con cái. Mức lương 22 triệu lúc đó sẽ phải nuôi 4 người, nghĩ thôi cũng thấy không thoải mái nói gì đến việc mua nhà. Chưa kể, kinh tế không tốt, nhiều áp lực đè nén, vợ chồng dễ xảy ra tranh cãi, không còn cái gọi là tình yêu khi đó nữa đâu”.
Diệu Huyền: “Thực ra câu chuyện này chẳng có gì đáng tranh cãi bởi nếu bạn đã băn khoăn, hẳn bạn cũng đã có lờ mờ câu trả lời. Hoặc cách tốt nhất, bạn đợi thêm 2 - 3 năm nữa, cùng người yêu đặt mục tiêu để xem anh ấy có thực sự nỗ lực vì gia đình. Chứ cưới ngay nhà chưa có, sau này có con cơm áo gạo tiền phải lo. Có mẹ chồng khỏe, mẹ chăm phụ bớt chút chi phí gửi trẻ để đi làm, bà không khỏe phải thuê người chăm hay mình phải nghỉ ở nhà thì lúc đó càng khổ nhiều bề”.
Quan trọng là cùng nhau cố gắng, có thể không giàu tiền bạc nhưng phải giàu ý chí
Trái ngược với những quan điểm trên, nhiều người lại cho rằng cặp đôi này vẫn nên tiến tới hôn nhân. Bởi lẽ không ai mãi chỉ dừng ở một mức lương mà không có sự thay đổi, thăng tiến. Chưa kể, nếu không phù hợp với mức sống ở thành phố, có thể lựa chọn về quê lập nghiệp. Đa phần đều quan niệm, nếu thực sự có trách nhiệm, cả hai sẽ cùng nhau cố gắng và tìm ra cách giải quyết mọi vấn đề.
- Vợ ngỡ ngàng khi thấy chồng chuyển thành nữ sau 2 năm kết hôn
- Đàn ông lúc yêu, mua quà đắt không cần đúng - kết hôn rồi, chỉ mua đúng cần đắt?
- Hội chứng ‘chán bị giục’ và phản ứng của giới trẻ: Không yêu đương, không kết hôn, không con cái
Hoàng Trâm: “Nếu là nghề nghiệp có thể phát triển thì có gì phải nghĩ ngợi. Quan trọng là cốt cách của anh chàng đấy và việc bạn mong muốn có một hạnh phúc như thế nào. 22 triệu ở Hà Nội không đủ sống có thể chuyển về quê. Bản thân mình trước đây chồng cũng chỉ lương 7 triệu, cũng có thời gian đầu khó khăn. Nhưng sau 4 năm vẫn mua được nhà ở Hà Nội bởi cả hai cùng cố gắng làm việc, tăng lương để đạt được mục tiêu”.
Mỹ Hạnh: “Nỗ lực vài năm nữa, hai đứa gồng gánh tự phát triển nhiều vào để thu nhập tăng lên, có đủ điều kiện rồi cưới và đưa mẹ lên ở cùng. Như vậy vừa không bị mang tiếng thực dụng lại còn vẫn giữ được tình yêu. Quan trọng là cùng nhau cố gắng, phát triển. Hơn nũa, đàn ông có thể kinh tế chưa tốt nhưng bắt buộc phải có ý chí vươn lên”.
Hoàng Nhật: “Lương bổng bao nhiêu không quan trọng. Con cái trách nhiệm phải nuôi cha mẹ già dù có nghèo đến đâu, đó là đạo đức. Còn lương ít lương nhiều thì nỗ lực làm việc, chẳng nhẽ cứ mãi đứng im một chỗ. Mà thực ra lương của hai bạn vẫn còn khá hơn so với nhiều người rồi, cố gắng lên!”.
Mạnh Nguyễn: “Bạn cảm nhận đó là một người đàn ông tốt, chăm lo và yêu thương bạn thì đừng nên bỏ lỡ. Tài chính có thể cải thiện được. Hơn nữa, khi đặt bản thân vào hoàn cảnh nhất định, chúng ta buộc phải cố gắng hết mình. Tuy nhiên, hai bạn nên đặt mục tiêu từ nhỏ đến lớn để cùng nhau hoàn thiện. Cả hai vợ chồng cùng nỗ lực sẽ nhanh thành công hơn”.
Hải My