Lùm xùm bản quyền nghệ thuật (Kỳ 2): Rắc rối như 'Thủa ấy. Xứ Đoài' và 'Tinh hoa Bắc Bộ'
(Thethaovanhoa.vn) - Trong hàng loạt cuộc tranh chấp về bản quyền, câu chuyện của Thủa ấy.Xứ Đoài và Tinh hoa Bắc Bộ đang được dư luận quan tâm tối đa. Bởi, đây là vụ tranh chấp gắn với vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam, có tới ba bên liên quan, và kèm theo những con số “khủng” về kinh phí.
1. Mới nhất, cuối tháng 4/2018, Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh, TP.HCM, đã thông báo chính thức thụ lý đơn kiện của ông Hoàng Nhật Nam, đạo diễn vở Tinh hoa Bắc Bộ. Nhưng thực tế, những rắc rối trong vụ việc được mở ra từ gần một năm trước đó.
Như báo Thể thao & Văn hóa đã phản ánh, tháng 6/2017, đạo diễn Việt Tú công bố với truyền thông vở diễn thực cảnh mang tên Thủa ấy. Xứ Đoài tại Sài Sơn (Chùa Thầy, Hà Nội). Do Công ty Tuần Châu Hà Nội (TCHN) đầu tư, vở diễn lấy bối cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, diễn viên là 140 người nông dân tại Sài Sơn. Tuy nhiên, Thủa ấy. Xứ Đoài được đóng lại sau gần chục buổi biểu diễn. Lý do sau đó nhà đầu tư cho báo chí biết “chỉ là diễn thử nghiệm, chưa chính thức công bố rộng rãi”...
Gần 4 tháng sau, phía Tuần Châu công bố vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ do đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng, diễn ra trên không gian sân khấu thực cảnh của vở diễn Thủa ấy. Xứ Đoài trước đó. Vở diễn được giới thiệu là “sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam” với chi phí “khủng”.
Như những thông tin được ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu chia sẻ, Thủa ấy. Xứ Đoài là ý tưởng mà ông ấp ủ từ 6 năm trước. Đồng thời, trong buổi giới thiệu về vở diễn này, ông Tuyển cho biết Thủa ấy. Xứ Đoài phải dừng diễn vì “không chạm được vào trái tim khán giả”.
Còn theo đạo diễn Việt Tú, điểm đặc sắc nhất của Thủa ấy. Xứ Đoài nằm ở việc anh lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu biểu diễn, khung cảnh làng quê Bắc Bộ tái tạo nguyên gốc, 140 nông dân biểu diễn trên mặt nước, nhà thủy đình 10 tấn nhô lên từ mặt hồ, kết hợp giữa chất liệu dân tộc với hiệu ứng âm thanh ánh sáng hiện đại...
Từ đó, Việt Tú khẳng định: Tinh hoa Bắc Bộ đã sử dụng toàn bộ “hệ sinh thái” anh tạo dựng cho Thủa ấy. Xứ Đoài, từ quần áo, động tác múa, biểu diễn trên mặt nước, đào tạo người dân thành diễn viên, âm nhạc dân gian…
Đầu tháng 3/2018, phía đạo diễn Việt Tú gửi tới báo chí thông tin: “Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội vi phạm bản quyền, còn nợ tiền đạo diễn Việt Tú, các nhà cung cấp dịch vụ, cũng như và các nghĩa vụ hợp đồng khác”…
Bởi thế, gần như liên tục, hai lá đơn kiện được gửi tới các cấp có thẩm quyền quanh vụ việc này. Đầu tháng 3 vừa qua, Công ty TCHN gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân TP Hà Nội về việc phía Việt Tú xâm phạm bản quyền kịch bản Ngày xưa (tên cũ của Thủa ấy. Xứ Đoài). Ngay sau đó, Việt Tú cho biết anh cũng đã nộp đơn khởi kiện, với bị đơn là phía Công ty TCHN.
Được biết, phía Việt Tú và Công ty DS đã yêu cầu tòa buộc TCHN chấm dứt ngay mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa (đã được đăng ký bản quyền từ 8/2016).
Trong khi đó, phía Tuần Châu cho rằng đã bỏ khoảng 13 tỉ đồng để đầu tư cho Ngày xưa và là chủ sở hữu của tác phẩm sân khấu. Công ty này đồng thời cũng cho biết kịch bản chương trình Tinh hoa Bắc Bộ đã được Cục Bản quyền Tác giả (thuộc Bộ VH,TT&DL) cấp giấy chứng nhận quyền tác giả số 3642/2017/ QTG ngày 31/07/2017.
Do vậy, Tuần Châu yêu cầu DS phải giao quyền chủ sở hữu tác giả đối với vở diễn Ngày xưa, đồng thời phải bồi thường thiệt hại hơn 6 tỷ đồng do vi phạm hợp đồng. Khoản bồi thường này bao gồm chi phí phải bỏ ra để đầu tư xây dựng chương trình biểu diễn thực cảnh khác thay thế cho vở diễn Thủa ấy. Xứ Đoài (vở Tinh hoa Bắc Bộ) và chi phí mời luật sư tư vấn giải quyết vụ việc.
2. Và, khi những tranh luận chưa có hồi kết, đến lượt phía đạo diễn Hoàng Nhật Nam chính thức khởi kiện đạo diễn Việt Tú vì bị xâm phạm danh dự.
Theo đơn, đạo diễn này yêu cầu đạo diễn Việt Tú (và công ty DS) phải chấm dứt hành vi xâm phạm đến danh dự, uy tín của cá nhân mình dưới mọi hình thức, phải công khai xin lỗi đạo diễn Hoàng Nhật Nam trên chính các phương tiện truyền thông, các kênh thông tin mà Việt Tú đã phát biểu...
Thực tế, trong những ầm ĩ trước đó, đạo diễn Hoàng Nhật Nam phần nào im lặng và chỉ đưa ra Giấy chứng nhận đăng ký tác quyền được Cục bản quyền tác giả cấp cho Tinh hoa Bắc Bộ (vào ngày 31/7/2017).
Tuy nhiên, theo lời chia sẻ, ông Nam đã nhận được nhiều công văn từ phía Công ty DS yêu cầu dừng ngay việc tổ chức biểu diễn vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ vì đã “vi phạm trắng trợn quyền sở hữu trí tuệ” của đạo diễn Việt Tú và Công ty DS. Đồng thời, đạo diễn Việt Tú và Công ty DS cũng gửi văn bản đến Cục Bản quyền Tác giả đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận Đăng ký quyền tác giả đối với Kịch bản chương trình Tinh hoa Bắc Bộ của ông Hoàng Nhật Nam với nhận định: Vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ thực chất đã “đạo” lại vở diễn Ngày xưa hay còn gọi là Thủa ấy. Xứ Đoài.
Nói về những cáo buộc “đạo nhái”, ông Nam chia sẻ ngắn gọn: “Những quy chụp về việc sử dụng chất liệu văn hoá dân gian thành “đạo”, “nhái” có thể gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng, cản trở sự sáng tạo và gây ảnh hưởng đến sự phát triển và lan toả giá trị truyền thống”.
Thực tế, nghệ thuật là sự bay bổng và để mở ra miền cổ tích cho trí tưởng tượng của người xem. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nghệ thuật lại phải nhờ tới sự rạch ròi, minh bạch của luật pháp.
Đạo diễn Việt Tú và đạo diễn Hoàng Nhật Nam, ai đúng ai sai rồi sẽ được “hạ hồi phân giải”. Hai đạo diễn tâm huyết với nghề, với tác phẩm của mình và đều là những tên tuổi tài năng nên vụ lùm xùm đang gây chú ý. Và, dù có thế nào thì đây chắc chắn là vụ kiện bản quyền “khủng” để lại nhiều bài học giá trị…
Để rộng đường dư luận, Thể thao & Văn hóa sẽ tiếp tục phản ánh thông tin từ các bên xung quanh sự việc này.
(Còn tiếp)
Anh Vũ