loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Vi phạm bản quyền tác phẩm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là vấn đề khiến nhiều tác giả phiền lòng và làng văn nghệ Việt từng có những vụ lùm xùm vi phạm bản quyền rất phức tạp làm bùng nổ tranh luận.
1. Nhắc tới vấn đề vi phạm bản quyền, ở lĩnh vực âm nhạc xảy ra nhiều nhất và “vấn nạn” xảy ra thường xuyên là ca sĩ biểu diễn ca khúc hoặc ra đĩa đơn mà không xin phép tác giả. Gần đây nhất có thể kể đến việc tác giả Minh Min “tố” Hồ Ngọc Hà và Khánh Ngọc hát ca khúc Chỉ còn những mùa nhớ của anh nhưng không xin phép. Cụ thể, Minh Min “tố” Hồ Ngọc Hà đã sử dụng ca khúc Chỉ còn những mùa nhớ ở chương trình Gala Nhạc Việt 10 (phát hành DVD); còn ca sĩ Khánh Ngọc biểu diễn ca khúc này trong liveshow Bước chân 2 thế hệ.
Trước đó, không ít các ca sĩ chưa xin phép đã vô tư sử dụng ca khúc ra sản phẩm mới hoặc hát trong các chương trình trên truyền hình. Có thể kể đến Mỹ Tâm hát ca khúc Anh thì không lời Việt của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng trong MV ra mắt vào dịp Tết 2017. Hay trước đó, ca sĩ Uyên Linh từng bị “tố” sử dụng ca khúc độc quyền của Thu Minh - Đường cong trong một cuộc thi; ca sĩ Tóc Tiên cũng hát Người đàn bà hóa đá khi chưa xin phép tại cuộc thi The Remix 2015; Bùi Anh Tuấn đã sử dụng ca khúc Nơi tình yêu bắt đầu tại vòng Giấu mặt của Giọng hát Việt năm 2012 khi chưa được sự đồng ý của tác giả…
Một số ca sĩ và chương trình sau đó đã có động thái xin lỗi và xin phép tác giả được sử dụng ca khúc, trong khi số khác thì… im lặng.
Vụ việc ca khúc Anh thì không do không thỏa thuận được với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, Mỹ Tâm sau đó đã phát hành lại ca khúc này với phần lời mới được soạn bởi nhạc sĩ trẻ Châu Đăng Khoa, có tên gọi Em thì không.
2. Ở lĩnh vực văn học cũng không hiếm những vụ tố đạo văn, đạo thơ khá bi hài. Cách đây chưa lâu, nhà văn Tống Ngọc Hân “tố” mình bị vi phạm bản quyền tác phẩm khi tác giả nữ Hà Ngọc “mượn” hàng chục câu trong truyện ngắn Núi vỡ để sáng tác bài thơ Nả ơi mà không có sự trao đổi, xin phép. Tác giả Hà Ngọc sau đó có xin lỗi nhà văn Tống Ngọc Hân nhưng lại tiếp tục có hành động nhờ nhạc sĩ Lê Mây phổ nhạc, thuê ca sĩ hát, tổ chức sự kiện và chia sẻ công khai tác phẩm trên mạng xã hội.
Xôn xao văn đàn đầu năm 2018 còn vụ việc một tác giả được tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM vướng “nghi án đạo thơ”. Theo đó, bài Khúc dịu buồn - nắng gió cao nguyên (2015) của tác giả Nguyễn Thị Thanh Long có những câu, ý giống với bài thơ Khúc thiếu phụ (2010) của nhà thơ Thy Minh, và bài Những ký âm ngân của tác giả này cũng giống với bài Chiều cuối năm của Lê Huy Mậu.
Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM sau đó đã xem xét và kết luận, hành vi của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long là sai trái và cần rút kinh nghiệm nghiêm khắc.
3. Ở lĩnh vực sân khấu tưởng chừng ít xảy ra những vụ “lùm xùm” bản quyền tác phẩm nhưng thời gian gần đây cũng ghi nhận không ít vụ việc sử dụng những trích đoạn, tác phẩm sân khấu mà không hề xin phép.
Chẳng hạn, ở chương trình Sao nối ngôi, diễn viên Gia Bảo sử dụng vai diễn, chi tiết trong trích đoạn của Má ơi, tía dzìa! của Sân khấu kịch IDECAF cho tiết mục dự thi của mình. Đến khi nghệ sĩ Thành Lộc lên tiếng chỉ trích thì Gia Bảo mới có lời xin lỗi. Sau đó, Gia Bảo lại một lần nữa phạm lỗi khi dựng vở Đời cô Lựu nhưng không xin phép NSND Huỳnh Nga và gia đình ông.
Show diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ đang được trình diễn đều đặn hàng tuần ở Hà Nội. Nhưng đằng sau chương trình là những lùm xùm kiện tụng chưa có hồi kết khi mới đây đạo diễn Hoàng Nhật Nam chính thức khởi kiện đạo diễn Việt Tú vì bị xâm phạm danh dự.
Cụ thể, ngày 20/4/2018, TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) chính thức thụ lý đơn khởi kiện của ông Hoàng Hữu Nhật Nam (đạo diễn Hoàng Nhật Nam). Theo đó, ông Hoàng Nhật Nam yêu cầu đạo diễn Việt Tú chấm dứt hành vi xâm phạm danh dự, uy tín cá nhân ông Nam dưới mọi hình thức.
Trước đó, cuối năm 2017, đạo diễn Việt Tú đã “tố” Công ty CP Tuần Châu Hà Nội vi phạm bản quyền. Đầu tháng 4/2018, TAND Hà Nội đã thụ lý đơn kiện của Tuần Châu Hà Nội yêu cầu Công ty DS và đạo diễn Việt Tú chuyển giao chủ sở hữu tác quyền đối với vở diễn thực cảnh Thuở ấy xứ Đoài cho Công ty CP Tuần Châu Hà Nội. Như vậy, diễn biến mới này cho thấy xung quanh vở Tinh hoa Bắc Bộ đang có vụ kiện ba bên.
(Còn tiếp)
Lễ đón bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được tổ chức ngày 5/5, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Anh Vũ
loading...