Luật sư nói về việc Hoa hậu Phương Nga sử dụng quyền im lặng tại tòa: Lợi hay hại?
(Thethaovanhoa.vn) – Luật sư Huy An khẳng định, Hoa hậu Phương Nga sử dụng uyền im lặng là hoàn toàn hợp pháp, nhưng lợi hay hại thì chỉ bị cáo là người biết rõ và phải tự cân nhắc chọn lựa.
- Dân mạng chỉ ‘những điều vô lý’ trong vụ Hoa hậu Phương Nga
- Điều tra lại vụ Hoa hậu Phương Nga lừa đảo 16,5 tỷ đồng
- Danh hiệu chính thức của Trương Hồ Phương Nga là gì?
Phiên tòa của TAND TP.HCM xét xử Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga) và Nguyễn Đức Thùy Dung chiều 22/6 đã có diễn biến bất ngờ khi Phương Nga xin giữ quyền im lặng tại phiên tòa.
Bị cáo Nga nói rằng mình không có lời khai gì mới và đề nghị được giữ quyền im lặng và giữ nguyên những lời khai trong phiên tòa trước đó. Nói về lý do tiếp tục im lặng trong quá trình điều tra vừa qua, Nga khẳng định không tin tưởng cơ quan điều tra nên không khai. Nga cũng nói mình không bị ai ép uổng, đe dọa gì về việc khai hay không khai.
Sáng ngày 23/6, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Phương Nga một lần nữa xin HĐXX cho giữ quyền im lặng.
Bị cáo Phương Nga dùng quyền im lặng trước tòa có đúng với quy định của pháp luật? Thái độ đó có lợi hay hại cho Phương Nga? Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Huy An - Trưởng văn phòng luật sư Huy An – để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Theo đó, luật sư Huy An cho biết, quyền im lặng không được quy định rõ ràng trong điều khoản nào của luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, tại Điều 10, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, “bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội. Việc chứng minh bị cáo có tội, hay không có tội thuộc về cơ quan điều tra, viện kiểm soát, hội đồng xét xử”.
Tại điểm C, Khoản 2, Điều 48, 49 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định, “người bị tạm giữ, bị can có quyền trình bày lời khai”. Khi hội đồng xét xử hỏi bị cáo, bị cáo không trả lời thì hội đồng xét xử sẽ hỏi sang một vấn đề khác, hay có thể hiểu đơn giản, theo luật quy định, không phải hội đồng xét xử đưa ra câu hỏi nào thì bị cáo cũng phải trả lời.
“Luật Hình sự Việt Nam không quy định rõ ràng, chi tiết về quyền im lặng của bị can, bị cáo nhưng nó đã được ẩn trong những điều khoản liên quan khác và chuyện bị can, bị cáo sử dụng quyền im lặng là hoàn toàn hợp pháp” – luật sư Huy An khẳng định.
Luật sư Huy An cho biết thêm, việc có sử dụng quyền im lặng hay không, lợi hay hại là do sự cân nhắc và lựa chọn của bị cáo.
Theo ý kiến chủ quan, luật sư Huy An cho rằng, bị cáo hoàn toàn im lặng chưa hẳn là tốt, nhưng có những lúc cần sử dụng quyền im lặng. Ở một góc độ nào đó, sự im lặng của Phương Nga có dấu hiệu tiêu cực, như hoa hậu Phương Nga nói là không tin vào viện kiểm soát, thiếu tin tưởng vào phiên tòa.
Luật sư Huy An dự đoán: “Phương Nga sẽ không im lặng hoàn toàn đâu, có thể chưa tới lúc phải nói hoặc chưa có tình tiết nào phát sinh khiến Nga buộc phải lên tiếng”.
Tiểu Phong