Lòng tham thời @
(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày nay, nhiều tờ báo đăng lại thông tin từ Nhật Bản khi một công ty của quốc gia này (có tên Vaak) vừa phát triển một phần mềm trí tuệ nhân tạo để ngăn ngừa những hành vi trộm cắp trong siêu thị.
Vắn tắt, dựa trên dữ liệu từ hệ thống camera giám sát, phần mềm ấy sẽ tập trung phân tích hàng loạt đặc điểm của người ra vào siêu thị, sau đó “báo” cho người quản lý về những đối tượng khả nghi cần theo dõi. Như thông tin từ bài báo, sau khi được thử nghiệm tại 16 siêu thị tại Nhật Bản, phần mềm này đã giúp phía quản lý ngăn chặn, hoặc bắt giữ nhiều đối tượng như vậy.
Đọc tới đây, hẳn nhiều người sẽ tấm tắc khen ngợi sự sáng tạo của người Nhật, rồi ước rằng phần mềm ấy sớm được nhập về Việt Nam.
***
Riêng với tôi, dựa trên kinh nghiệm làm việc với các bạn Nhật Bản, tôi tin chắc: Phần mềm nào cũng không thể thay thế con người. Trước khi phần mềm kể trên ra đời, họ cũng đã có những cách rất đặc biệt để hạn chế trộm cắp.
Đơn cử, ngay với nhân viên, trong chương trình đào tạo của mình, họ có những quy định rất sòng phẳng. Một nhân viên nhặt được đồ vật khách bỏ quên, nếu như cầm đồ vật trên tay và gọi điện báo cho người quản lý cấp trên, nhân viên ấy sẽ được đánh giá tốt về ý thức.
Còn giả sử, chỉ cần bỏ đồ vật vào túi mình (dù cho không ai nhìn thấy), rồi mới báo quản lý hoặc đem nộp, hành vi ấy bị coi là xấu và sẽ khiến chủ nhân bị khiển trách tùy mức độ. Nếu trong trường hợp khách hàng trình báo bị mất đồ ở khu vực có nhân viên làm việc, an ninh sẽ vào cuộc và kiểm tra bằng nghiệp vụ hoặc các dữ liệu lưu lại từ máy móc. Khi ấy, bị phát hiện đã nhặt được đồ nhưng chưa giao nộp, nhân viên chỉ có cách nghỉ việc, thậm chí là bị xử lý theo pháp luật.
Ở Việt Nam chúng ta, đã có trường hợp nhân viên được khích lệ bằng tiền sau khi thực hiện hành vi trả lại của rơi. Thật ra, chính người Nhật họ lại không khuyến khích cách làm này. Đối với họ, đây là việc phải làm, phải ý thức - cho dù không có khen thưởng.
Tham dự một chương trình đào tạo nhân viên của Nhật, tôi thấy hàng ngày mọi nhân viên phải đọc “10 điều có” và “10 điều không” trong giờ giao ban. Trong “10 điều không”, có một nội dung: “Tuyệt đối không sờ, chạm vào những đồ vật, bất cứ thứ gì không liên quan và không thuộc quyền sở hữu của mình.”
Tất nhiên, trong xã hộiluôn có người nọ, người kia, có lúc nọ, lúc kia (chẳng vậy mà phần mềm của Vaak mới ra đời). Bởi, lòng tham vốn khó kiểm soát - đúng như trong triết lý nhà phật, chữ “Tham” được nhắc tới đầu tiên khi nói về “tam độc” Tham - Sân - Si. Nhưng, việc liên tục được nhắc nhở và rèn luyện cách kiểm soát lòng tham mỗi ngày là một điều rất tốt, đặc biệt là ở những môi trường làm việc có nhiều cám dỗ. Xa hơn, khi cả cộng đồng có ý thức rạch ròi đen – trắng về chuyện này, những công nghệ như phần mềm của Vaak mới có thể phát huy tối đa tác dụng.
Trong lúc chờ công nghệ phát triển, để những phần mềm như thế có thể được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam, chúng ta cũng không thể bỏ qua việc giáo dục cho cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ, về mặt trái của lòng tham. “Gieo hành vi gặt thói quen”, muốn có thói quen tốt hãy giáo dục hành vi cho tốt.
Đào Quốc Thắng