Lời tỏ tình trước 'nhan sắc' Sài Gòn
(Thethaovanhoa.vn) - Thế nào là người Sài Gòn? Câu trả lời không dễ dàng. Xin hãy nghe nhà văn Sơn Nam: “Nên khẳng định hộ khẩu ở Sài Gòn, ông bà đến Sài Gòn từ đôi ba đời là tốt, nhưng vẫn chưa đủ. Nhiều người ở vùng Sài Gòn từ nhiều đời, nhưng con cháu lần hồi suy thoái, không theo kịp thời cuộc đã trở nên “xơ cứng”, chỉ là dân Sài Gòn về thể xác. Ngược lại, người tuy mới cư ngụ ở Sài Gòn từ năm, bảy năm nhưng đã là “dân Sài Gòn”, vì đã kịp thời thích ứng, ngày càng hiểu thêm về vùng đất mình đang sống và ra sức tô điểm thêm”. Quan niệm này, chắc hẳn được nhiều người đồng tình.
Gần đây, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã làm lễ trang trọng đặt tên đường Nguyễn Hữu Cảnh - người có công lớn khi vào Nam kinh lược năm 1698. Thật ra, không phải đợi đến thế kỷ 17 người Việt mới đặt chân tới vùng đất: “Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”, rồi: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống sông sợ đỉa, lên rừng cọp um”mà có thể trước đó rất lâu, nhưng đến nay thế hệ hậu sinh vẫn ghi nhớ công ơn của Nguyễn Hữu Cảnh. Xin hãy nghe nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng lý giải - mà qua đó chúng ta có thể hiểu thêm về phần nào tính cách người Sài Gòn: “Ông thuộc lớp khai cơ - theo nghĩa người đầu tiên bố trí hệ thống quản lý Nhà nước trên miền đất mới. Ý nghĩa quan trọng nhất của việc làm này nằm ở chỗ dân lưu tán được thừa nhận là công dân của Việt Nam, ruộng đất khai phá được vào sổ bộ chính thức, làng mạc được bảo vệ như mọi làng mạc của lãnh thổ Việt Nam… Cho nên dân khai hoang xem ông như người đại diện của Tổ quốc. Ông thoả mãn cả yêu cầu quyền lợi, lẫn tình cảm của dân lưu tán. Có thể nói , ý thức quốc gia, dân tộc của dân lưu tán đã tôn vinh Nguyễn Hữu Cảnh”.
Ảnh minh họa
Rõ ràng ở đây, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” rất rõ nét trong tình cảm người dân Sài gòn và cả dân miền Nam nói chung.
Khi đề cập đến tính cách của một dân tộc, không thể tách rời vị trí địa lý của vùng đất mà dân tộc đó đã sinh sống từ nhiều năm tháng. Với Sài Gòn, có vị trí tốt, là cảng biển để dễ dàng giao lưu nhiều nguồn văn hóa, mà tạo nên dấu ấn Sài Gòn. Chính vì sự giao lưu rộng rãi này sẽ lý giải vì sao bài thơ mới đầu tiên trong lịch sử thi ca Việt Nam chỉ có thể ra đời đầu tiên tại Sài Gòn. Đó là bài “Tình già”của Phan Khôi in trên Phụ Nữ Tân Văn số 122 (10/3/1932). Bài thơ in trên báo phát hành tại Sài Gòn nhưng tiếng vang khắp vùng trong cả nước.
Tính cách của bà chủ bút tờ báo này là tính cách phổ biến của người Sài Gòn: Năng động, nhạy cảm thích nghi với cái mới, cái tiến bộ - nên mới dám in bài thơ đã vượt khỏi niêm luật cổ điển từ ngàn năm trước. Khi cái cũ, lỗi thời, lạc hậu thì họ dám bỏ một cách dứt khoát, không chần chừ - nói như GS. Trần Văn Giàu thì “đã tròn thì rất tròn, đã vuông thì rất vuông, dứt khoát rõ ràng, như rựa chém đất, không lắt léo, khó hiểu”.
Tôi chỉ là một người yêu Sài Gòn mà có đôi điều nhận xét nông cạn và hời hợt này. Có ai lại trách gã si tình tỏ tình lắp bắp một cách thành thật, trước người đẹp mà gã quá yêu?
LÊ MINH QUỐC
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi