Loại quả nhiệt đới của Việt Nam "cháy hàng" ở Trung Quốc: Cơ hội rất lớn nhưng không ít đối thủ cạnh tranh
Sầu riêng được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á nhưng lại được tiêu thụ mạnh nhất ở Trung Quốc. Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để thu lợi lớn từ thị trường khổng lồ này.
"Vua của các loại trái cây"
Cách thủ đô Manila hơn 900km về phía Đông Nam, thành phố Davao được mệnh danh là "Thủ phủ sầu riêng của Philippines". Nhờ đất núi lửa của núi Apo, sầu riêng ở đây được cho là có hương vị độc đáo xứng đáng với danh hiệu "vua của các loại trái cây". Khu vực này cũng cung cấp gần 80% tổng số sầu riêng được trồng trên cả Philippines.
Nhưng giờ đây, ngay cả thị trường sầu riêng địa phương ở Davao cũng đang thiếu hụt nguồn cung do một lượng lớn sầu riêng thu hoạch hiện tại đã được dùng để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mọi chuyện bắt đầu từ sau thỏa thuận song phương mới được ký kết giữa Philippines và Trung Quốc vào đầu tháng 1, sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr tới Bắc Kinh, lần đầu tiên mở cánh cửa thị trường Trung Quốc đối với sầu riêng tươi của Philippines.
Faye Oguio, người điều hành một trang trại sầu riêng rộng 3 hecta ở Davao, cho biết: "Trung Quốc là một điểm đến thực sự quan trọng đối với hàng xuất khẩu của Philippines do đây là một thị trường đông dân".
Đồng thời, thông tin về thoả thuận sầu riêng Philippines cũng rất được quan tâm bởi các nước láng giềng trong khu vực, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Việt Nam - những "cường quốc sầu riêng" khác trong khu vực Đông Nam Á.
Với thế mạnh trồng sầu riêng quy mô lớn, Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh và cơ hội rõ ràng nhất trong vùng.
Theo Jack Nguyen, một chuyên gia thuộc công ty tư vấn kinh doanh Mazars tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam có lợi thế vận chuyển hàng hoá sang Trung Quốc nhờ có đường biên giới chung. Đây là yếu tố rất quan trọng để tăng tính cạnh tranh của sầu riêng bởi đối với loại quả này, độ tươi là yếu tố quyết định chất lượng của chúng.
Nguyen Thanh Trung, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết việc Trung Quốc bật đèn xanh với các loại hàng hoá phản ánh xu hướng cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực.
"Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ là một cú hích lớn đối với Việt Nam, không phải vì sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu có giá trị cao mà bởi nó cho thấy thị trường khổng lồ Trung Quốc đang mở rộng cửa cho nông sản Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn qua các kênh chính ngạch chứ không phải tiểu ngạch," ông Trung nói.
Ông cho biết việc này cũng sẽ giúp nông dân Việt Nam xem Trung Quốc như một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm nông nghiệp khác.
Nhiều đối thủ cạnh tranh
Với mùi thơm đặc trưng và vỏ nhiều gai, sầu riêng là sản phẩm bản địa của vùng Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ lớn nhất của loại quả nhiệt đới này - nơi các loại bánh truyền thống và bánh ngọt làm từ sầu riêng đã xuất hiện từ lâu trong nền văn hóa ẩm thực nhiều năm qua.
"Sầu riêng là loại trái cây có thể đại diện cho bản sắc của Đông Nam Á," Xie Kankan, trợ lý giáo sư Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Bắc Kinh, cho biết.
Xie giải thích: "Vì vậy, việc buôn bán sầu riêng mang nhiều ý nghĩa văn hóa và biểu tượng hơn, bởi nó tượng trưng cho mối quan hệ đặc biệt giữa Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, điều này có thể khác với cam kết kinh tế đơn thuần mà nước này có với phương Tây".
Trong năm qua, việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhiều quốc gia hơn đối với sầu riêng tươi đã được coi là chiến lược "ngoại giao sầu riêng", được thúc đẩy bởi cả nhu cầu ngày càng tăng của những người yêu thích sầu riêng Trung Quốc và mong muốn của Bắc Kinh nhằm củng cố mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hơn 824.000 tấn sầu riêng tươi, trị giá hơn 4 tỷ USD. Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, con số này gần gấp 4 lần khối lượng và gấp 7 lần giá trị trong năm 2017.
Nhưng trong một thời gian dài, Thái Lan là nước hưởng lợi tuyệt đối từ thị trường đang phát triển nhanh này, vì chỉ sầu riêng tươi từ nước này mới được phép nhập khẩu vào Trung Quốc, trong khi thị phần cao cấp nhỏ hơn bị sầu riêng đông lạnh từ Malaysia chiếm lĩnh. Thế độc quyền chỉ bị phá vỡ vào tháng 9, khi Bắc Kinh chấp thuận cho 51 cơ sở trồng sầu riêng và 25 công ty đóng gói sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc.
Trong vòng chưa đầy bốn tháng, Philippines đã trở thành nhà xuất khẩu sầu riêng tươi thứ ba được chấp thuận của Trung Quốc. Một quan chức nông nghiệp địa phương cho biết ngành này dự kiến sẽ tạo ra thu nhập khoảng 150 triệu USD trong năm đầu tiên giao thương với Trung Quốc, cùng với 9.696 việc làm trực tiếp và 1.126 việc làm gián tiếp, theo Philippine New Agency.
Huang, nhà nhập khẩu sầu riêng ở Chiết Giang, cho biết dự kiến sẽ có thêm nhiều quốc gia Đông Nam Á được thêm vào danh sách các nguồn nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc và hiện các khoản đầu tư của Trung Quốc đang đổ xô vào các quốc gia này để xây dựng chuỗi cung ứng địa phương hiệu quả hơn. Công ty của ông đã đầu tư vào các nhà máy đóng gói tại Việt Nam vào năm ngoái và đang có kế hoạch mở rộng sang Philippines và Campuchia vào cuối năm nay.