Loại Djokovic khỏi US Open 2020 có phải án phạt quá nặng?
US Open 2020 đã kết thúc với tay vợt số một thế giới Novak Djokovic theo cách không ai ngờ tới, khi anh bị loại vì hành vi đánh bóng vào một trọng tài biên. Nhưng liệu đây có phải là một án phạt quá nặng?
Rạng sáng nay, Novak Djokovic thi đấu với Pablo Carreno Busta trong khuôn khổ vòng 4 đơn nam US Open 2020. Khi tay vợt người Tây Ban Nha giành break ở game thứ 11 để vươn lên dẫn 6-5, Djokovic đã có hành động đánh bỏ bóng ra ngoài sân, nhưng trái bóng đã bay thẳng vào một nữ trọng tài bên ngoài đường biên. Hệ quả, nữ trọng tài này đã bị té ngã và phải cần đến sự chăm sóc của đội ngũ y tế.
Đó có phải một quyết định đúng?
Ngay sau tình huống ấy, Djokovic đã chạy ra hỏi han vị trọng tài nữ đen đủi nọ, và thanh minh rằng anh hoàn toàn không cố ý. Nhưng sau hơn 10 phút thảo luận, các giám sát của trận đấu vẫn quyết định xử thua tay vợt số một thế giới, và quyền đi tiếp thuộc về Pablo Carreno Busta.
Nếu căn cứ theo từng câu chữ luật đã được ghi ra trong quy định của Grand Slam, thì việc các giám sát loại Djokovic khỏi US Open 2020 không có gì sai hết.
Ngay sau sự cố trên, Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA) đã công bố một thông báo ngắn để giải thích rõ quy định về luật cũng như quyết định của trọng tài. Cụ thể, thông báo ghi rõ: “Theo quy tắc của Grand Slam, sau hành động cố ý đánh bóng nguy hiểm hoặc liều lĩnh trong sân, hoặc đánh bóng cẩu thả không quan tâm đến hậu quả, trọng tài đã loại Djokovic khỏi US Open 2020”
“Vì bị loại khỏi giải, nên Djokovic sẽ bị trừ toàn bộ số điểm mà anh đã giành được ở giải đấu năm nay, cũng như số tiền thưởng tương ứng, chưa kể sẽ phải nộp phạt liên quan đến sự cố vi phạm”, USTA thông báo tiếp.
Những từ ngữ của USTA đã khẳng định rõ ràng rằng vấn đề không nằm ở chuyện Djokovic có cố tình hay không, mà nhấn mạnh rằng hành động của anh đã “gây nguy hiểm hoặc liều lĩnh”, và “không quan tâm đến hậu quả”.
Quy định thực tế là gì?
Hành vi sai trái của Djokovic được tính vào danh sách “lạm dụng bóng” trong sách quy tắc Grand Slam chính thức. Quy tắc này quy định rằng “người chơi không được đánh, đá, hoặc ném bóng một cách bạo lực, nguy hiểm, hoặc tức giận trong khuôn viên của sân đấu, trừ phi đó là hành động theo đuổi một pha bóng hợp lý trong một trận đấu”. Đó cũng là những câu từ được USTA trích dẫn trong thông báo trên.
Về hình phạt, các quan chức sau đó đã nhắc đến khái niệm “lịch phạt điểm. Theo đó, các tay vợt sẽ bị cảnh cáo ở lần đầu tiên, phạt một điểm ở lần thứ hai, và phạt thua một game ở lần thứ ba,…
Nhưng trong những trường hợp đặc biệt, các quan chức có thể không nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc ấy một cách máy móc mà có thể loại tay vợt ngay lập tức, tước bỏ điểm số mà họ đã giành được ở giải đấu, vừa phạt nặng bằng một khoản tiền. Trường hợp của Djokovic chính là như vậy.
Trong quá khứ đã có tiền lệ?
Thực tế là đã có. Trong trận đấu giữa Kyle Edmund và Denis Shapovalov khi Anh chạm trán Canada ở Davis Cup 2017, tài năng trẻ 17 tuổi Denis Shapovalov đã bực bội sau một tình huống thua điểm nên đã đánh ngay trái bóng trong tay, và nó đi trúng mặt trọng tài chính Arnaud Gabas. Shapovalov đã bị xử thua ngay lập tức, còn ông Gabas sau đó phải phẫu thuật vì vỡ xương hốc mắt. Sau vụ việc này, Liên đoàn quần vợt thế giới ITF đã phạt Shapovalov 7000 USD vì lỗi vô ý, không kiểm soát hành vi của mình.
Trước đó, vào năm 2012, David Nalbandian cũng đã bị loại khỏi trận chung kết Queen’s Club sau khi anh bực bội đá tung một biển quảng cáo trên sân đập vào chân của một trọng tài khiến ông này bị thương. Nalbandian sau đó đã bị loại khỏi trận đấu này vì hành vi phi thể thao. Ở trận này, Nalbandian đã thắng Cilic ở set đầu với tỷ số 7-6, và khi sự cố trên xảy ra, thì anh đang bị đối phương dẫn 4-3 ở set thứ hai.
Phương Chi