Lộ diện đội hình tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự giải vô địch Châu Á, chờ đợi sự táo bạo từ HLV Tuấn Kiệt
Hai đội bóng chuyền nữ Việt Nam 1 và Việt Nam 2 chuẩn bị đánh VTV Cup. Sau đó chúng ta mới đánh giải vô địch Châu Á 2023. Đây là bộ khung lí tưởng nhất của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đánh giải vô địch Châu Á 2023 ở Thái Lan. Các bạn nghĩ sao?
Đi tìm đội hình tốt nhất cho bóng chuyền nữ Việt Nam ở giải vô địch Châu Á 2023
Chúng tôi đưa ra một danh sách các VĐV được coi là tốt nhất để đánh ở giải vô địch Châu Á 2023 tại Thái Lan. Mỗi người được lựa chọn đều có lí do. Bạn đồng ý với những lựa chọn này hay có quan điểm khác?
*Chủ công
1.Thanh Thúy
Không thể khác được, Thanh Thúy mặc định phải có tên trong danh sách lựa chọn thi đấu của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam ở giải vô địch Châu Á vì đẳng cấp, kinh nghiệm, tài năng, lợi thế chiều cao và phẩm chất thủ lĩnh của cô gái sinh năm 1997 này.
Thúy vừa là cỗ máy ghi điểm số 1 của đội bóng, vừa hút chắn của đối thủ để đồng đội tấn công ghi điểm, vừa là điểm tựa tinh thần và niềm tin cho cả đội trong những thời khắc khó khăn.
2.Tú Linh
Ngôi sao của Hóa Chất Đức Giang càng lúc càng hoàn thiện các kĩ năng và khẳng định được chỗ đứng vững chắc của mình ở ĐTQG.
Tú Linh vốn chơi lăn xả, có khả năng đỡ bước 1 và phòng ngự hàng sau vào loại tốt nhất tuyển Việt Nam. Bây giờ cô còn tấn công lợi hại nhờ biết kết hợp linh hoạt giữa những cú đập uy lực với những quả bỏ nhỏ thông minh.
Tú Linh cũng có khả năng tung ra những cú đập sau vạch 3m và thực hiện những quả phát bóng rất khó chịu (bóng đi ngắn, tầm thấp). Màn trình diễn tuyệt vời trước Thái Lan (ghi 19 điểm) ở lượt đi SEA V.League 2023 là minh chứng cho thấy cô chơi ngày càng toàn diện và hiệu quả hơn.
3.Như Quỳnh
Cô gái dân tộc Thái sở hữu những cú đập sấm sét cả trên lưới lẫn sau vạch 3m thực sự là vũ khí tấn công lợi hại của bóng chuyền nữ Việt Nam.
Như Quỳnh có thể lực tốt, sức bật tương đối tốt và lực cổ tay rất khoẻ. Tuy chiều cao có phần hạn chế (chỉ 1m75), lối đánh còn khá "băm bổ" (hiện tại mới chủ yếu là đập và… đập), đỡ bước 1 và phòng ngự hàng sau chưa tốt nhưng ở tuổi 21, tiềm năng của Như Quỳnh là rất lớn.
Chỉ cần được trao nhiều cơ hội thi đấu hơn, xử lí bóng tinh tế hơn và được rèn giũa thêm kĩ năng phòng ngự, cô hoàn toàn có thể trở thành một tài năng lớn của bóng chuyền nữ Việt Nam trong những năm tới đây.
*Phụ công
1.Nguyễn Thị Trinh
Cô gái quê Đăk Lăk có sở trường là những cú đập bóng nhanh như điện xẹt (biệt danh của cô là Trinh "điện"). Nguyễn Thị Trinh chắn bóng cũng ở mức khá. Tuy không có kĩ năng nào quá nổi bật nhưng cô chơi khá đều tay trong cả tấn công lẫn phòng ngự.
2.Lý Thị Luyến
Cô gái cao nhất làng bóng chuyền nữ Việt Nam (1m95) di chuyển chắn bóng vẫn còn chậm và sức bền thể lực chưa tốt nhưng chỉ cần được sử dụng một cách hợp lí, Lý Thị Luyến vẫn có thể là quân bài rất hữu dụng trong những thời điểm cụ thể.
Như đã cho thấy ở lượt về SEA V.League, nếu được làm bóng tốt, Luyến có khả năng tung ra những cú đập bóng nhú rất nhanh. Đó là ngón đòn khá lợi hại mà chúng ta cần tận dụng.
3.Bích Thủy
Ở lượt về SEA V.League 2023, phụ công của Hóa Chất Đức Giang có những khoảnh khắc tái hiện phần nào hình ảnh của Ngọc Hoa thời đỉnh cao với những cú đập nhanh một chân sau đầu rất "chất".
Cũng như Lý Thị Luyến, Bích Thủy ráp chắn vẫn còn chậm nhưng không đến mức quá yếu. Chỉ cần được trao cơ hội và khích lệ và được chuyền 2 làm bóng tốt thì cô tấn công khá hay. Đó là điểm mạnh nổi bật của Thủy trong khi nỗ lực phòng ngự trên lưới của cô cũng đã được thể hiện và cần được ghi nhận.
4.Phạm Thị Hiền
Tại sao lại là Hiền mà không phải là Trà Giang hay Lê Thanh Thúy? Với Trà Giang, vấn đề lớn nhất là cô đã luống tuổi (sinh năm 1992), không còn sung sức và nhanh nhẹn như trước nên hiệu quả thi đấu giảm.
Với Lê Thanh Thúy, đáng tiếc là HLV Trọng Linh cho cô thi đấu còn quá ít ở lượt về SEA V.League nên phụ công người Hải Phòng chưa thể hiện được gì nhiều.
Nếu cô "cháy" lên ở VTV Cup thì sẽ có một cuộc cạnh tranh rất thú vị ở vị trí phụ công nhưng không rõ HLV Tuấn Kiệt có cho Lê Thanh Thúy được chơi thường xuyên ở đội Việt Nam 1 không để cô chứng tỏ năng lực của mình.
Với Phạm Thị Hiền, hạn chế lớn nhất của cô là chiều cao thấp nhất so với các "đối thủ" cạnh tranh (cô chỉ cao 1m72) nhưng thực tế tầm bật đà tấn công (2m98) và bật chắn (2m93) của cô gái 24 tuổi này không hệ tệ so với các phụ công khác ở tuyển Việt Nam.
Đáng kể nữa là trong các trận đấu được HLV Trọng Linh tung vào thay người ở lượt về SEA V.League thì Phạm Thị Hiền đều thể hiện rất tích cực.
Cô di chuyển nhanh, ráp chắn nhanh, chơi lăn xả, biết chớp thời cơ tung ra những cú đập bóng chớp nhoáng. Chắc chắn, phụ công của Bộ Tư Lệnh Thông Tin sẽ đánh chính ở đội Việt Nam 2 tại VTV Cup và đó là cơ hội tuyệt vời nữa để cô mài giũa thêm các kĩ năng cũng như "ghi điểm" với HLV Tuấn Kiệt.
Sức trẻ, lối chơi mạnh mẽ và sự nhanh nhẹn của Phạm Thị Hiền biến cô thành ứng viên sáng giá cho một suất chơi phụ công của tuyển Việt Nam ở giải vô địch Châu Á dù cô chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu.
*Đối chuyền
1,Kiều Trinh
Không có gì phải bàn cãi, cũng không cần nói nhiều. Đơn giản vì Kiều Trinh không có đối thủ cạnh tranh xứng tầm. Tài năng và đẳng cấp của cô gái Quảng Bình đã được thể hiện không chỉ một lần.
Thật khó chê trách cô điểm gì cả ở khâu tấn công lẫn phòng ngự. Nếu có gì đó mà Kiều Trinh cần cải thiện thì đó là sức bền thể lực, nâng cao hơn nữa khả năng duy trì phong độ ổn định và hiệu quả của quả phát bóng.
2.Đoàn Thị Xuân
Chuyên gia chắn bóng của tuyển Việt Nam chơi rất hay ở lượt về SEA V.League. Thể lực, lực đập bóng và độ sắc bén trong các đòn tấn công của cô tuy cần phải cải thiện nhưng cũng không yếu. Tùy đối thủ và diễn biến trận đấu mà Đoàn Thị Xuân có thể được sử dụng để tăng hiệu quả lối chơi của tuyển Việt Nam.
*Chuyền 2
1.Kim Thoa
Chúng ta đã thấy cô phân phối bóng đa dạng, linh hoạt thế nào ở lượt về SEA V.League. Từ chủ công Như Quỳnh, đối chuyền Đoàn Thị Xuân hay cặp phụ công Bích Thủy, Lý Thị Luyến… tất cả đều được hưởng lợi nhờ những đường chuyền kiến tạo thường là rất vừa tầm đánh của Kim Thoa. Ngoài ra, cô chuyền sau vạch 3m cũng tốt.
Tất nhiên, nếu bước 1 của Việt Nam xấu thì Kim Thoa cũng khó sửa bóng hay nên chất lượng đường chuyền của cô phụ thuộc nhiều vào khả năng đỡ bước 1 của đồng đội.
Nhưng đặt trong điều kiện bước 1 tốt thì Kim Thoa phân phối bóng thực sự rất ổn. Nó giúp chúng ta đa dạng hóa các miếng đánh để tạo đột biến, hạn chế nguy cơ bị đối thủ bắt bài.
Đặc biệt, Kim Thoa có thể "mở khóa" các phụ công, điều mà chúng ta rất ít thấy ở Lâm Oanh (cũng có thể do HLV Tuấn Kiệt chỉ đạo Lâm Oanh tập trung chuyền cho Thanh Thúy và Kiều Trinh?). Hạn chế rõ nhất của Kim Thoa có lẽ là hiệu quả chắn bóng do cô chỉ cao 1m73 và tầm bật chắn ước khoảng 2m70 (khá thấp).
2.Lâm Oanh
Chuyền 2 của BTLTT có khả năng chắn bóng tương đối tốt (bật chắn 2m85) nhờ cao hơn Kim Thoa (Lâm Oanh cao 1m78) và cực ăn ý với Kiều Trinh (đồng đội ở Bộ Tư Lệnh Thông Tin).
Vấn đề của Lâm Oanh là cô chuyền bóng không đa dạng như Kim Thoa (có thể do HLV Tuấn Kiệt chỉ đạo?) và tầm bóng của cô nhiều khi còn thấp do với tầm bật đà của Thanh Thúy, Kiều Trinh… nên dẫn tới những quả đập không như ý.
*Libero
1.Khánh Đang
2.Thanh Liên (dự phòng)
Cả Khánh Đang lẫn Thanh Liên đều có những thời điểm, những trận đấu chơi rất hay, đỡ bước 1 và cứu bóng tuyệt vời nhưng cả hai đồng thời cũng có những trận đấu, những thời điểm chơi không tốt.
Nói cách khác, họ đều gặp vấn đề trong việc duy trì phong độ ổn định. Tuy nhiên, nếu chỉ chọn một người thì nên là Khánh Đang (23 tuổi) vì trẻ hơn đáng kể so với Thanh Liên (30 tuổi). Tuyển Việt Nam cần có thể lực tốt mới có thể duy trì hiệu quả thi đấu cao nên một Khánh Đang trẻ trung cần được ưu tiên lựa chọn.