Lộ diện dấu tích hành cung tráng lệ của triều Trần
1. Theo các tư liệu lịch sử, hành cung Lỗ Giang (hoặc hành cung Kiến Xương) là một trong những kiến trúc lớn của vương triều Trần và được xây dựng trong thế kỷ XIII. Đây là nơi gắn liền với sự nghiệp của vua Trần Hiến Tông, đồng thời là vị trí kết nối quan trọng trong hệ thống các kiến trúc của vương triều Trần trải dài từ vùng Thái Bình, Nam Định cho tới kinh thành Thăng Long cũ. Tuy nhiên, trước đó, giới nghiên cứu vẫn chưa xác định được vị trí, quy mô và đặc điểm của hành cung này.
Trước khi khai quật, kể từ tháng 8/2104, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (TTNCKT) đã triển khai một đợt nghiên cứu các tư liệu về vị trí của hành cung Lỗ Giang. Địa điểm được xác định khai quật nằm tại xã Hồng Minh (Hưng Hà, Thái Bình) thuộc phủ Long Hưng cũ – vốn là đất phát tích của vương triều Trần (1226- 1400). Lựa chọn này đến từ các tư liệu dân gian, cũng như việc một số địa danh quanh đó như xóm Lăng, Giếng lăng, Lăng sa trong, Lăng sa ngoài, Lăng Ngói... đều gợi ra những dấu ấn về sự tồn tại của một hành cung cổ.
Với 6 hố khai quật được mở (có tổng diện tích khoảng 200 m2), các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy khá nhiều hiện vật mang niên đại thời Trần có giá trị quan trọng như gạch khắc chữ Hán, dấu vết lò nung, ngói mũi sen lợp thân mái và diềm mái (có gắn lá đề trang trí). Đặc biệt, tại hố khai quật H1, nền móng một công trình kiến trúc gỗ độc đáo đã xuất lộ với 4 móng trụ kép, lớn gấp đôi móng trụ thông thường và bên trên đặt 2 chân tảng đá để kê cốt gỗ (loại kiến trúc có kĩ thuật xây dựng tương tự đã được tìm thấy tại phần móng thời Lý trong Hoàng Thành Thăng Long nhưng có quy mô nhỏ hơn nhiều). Tại hố khai quật H5, dấu vết một cống thoát nước cũng được tìm thấy với kết cấu tường cống và đáy cống xây bằng gạch đỏ, có chiều dài gần 5 mét.
2. Theo PGS Bùi Minh Trí (Giám đốc Trung tâm), các kết quả này cho phép bước đầu khẳng định: khu vực khai quật chính là hành cung Lỗ Giang thời Trần, với những vết tích về một cụm kiến trúc cung điện quy mô lớn, được trang trí cầu kì, tráng lệ như trường hợp kiến trúc nhà Trần tại Hoàng Thành Thăng Long. Mặt khác, việc nhiều lớp kiến trúc khác nhau được tìm thấy cũng phản ánh lịch sử tồn tại kéo dài và không bị đứt đoạn của cung Lỗ Giang trong thời Trần.
Được biết, bên cạnh đề xuất lập quy hoạch bảo tồn nguyên trạng khu di tích, phía nghiên cứu cũng kiến nghị sớm được khai quật mở rộng địa điểm này cũng như các vị trí quanh đó như bến Phủ Lỗ, chùa Giỗ; Lạch Đường cả, Càn Thiên Mã, Lăng sa trong, Lăng sa ngoài... để làm rõ hơn các thông tin về phạm vi, qui mô, tính chất, chức năng, niên đại... của hành cung Lỗ Giang.
Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa