Liệu MU có học được gì từ bài học Liverpool?
(Thethaovanhoa.vn) - MU đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng sau nhiều năm thống trị và bây giờ cần phải thực hiện một cuộc đại tu nghiêm túc nếu muốn trở lại vị thế đỉnh cao bóng đá Anh một lần nữa.
Việc sa thải Ole Gunnar Solskjaer cho thấy MU đã sa sút nhanh như thế nào kể từ khi Sir Alex Ferguson từ chức 8 năm trước. Tình hình này cũng giống với sự sa sút của Liverpool trong những năm 1990.
Sau đỉnh cao là vực sâu
Cả hai đội bóng đều thống trị bóng đá Anh trong gần hai thập kỷ và rời bỏ vị trí đó khi nhiệm kì của một HLV mang tính biểu tượng kết thúc một cách bất ngờ.
Lúc đầu, nó có vẻ giống như một đốm nhỏ. Sau đó, sự bất ổn đáng sợ bắt đầu xảy ra. MU đã trải qua 8 mùa giải nữa kể từ lần cuối cùng họ vô địch Anh. Không có triển vọng về danh hiệu tiếp theo sẽ xuất hiện tại Old Trafford vào tháng 5. Ở một thời điểm tương tự trong lịch sử của họ, Liverpool đã phải chờ đợi hơn 20 năm trước khi trở lại đỉnh cao của Premier League.
Chưa hết. Kenny Dalglish từ chức năm 1991 khi đội bóng của ông là đương kim vô địch Anh và nỗi tức giận của Anfield càng trở nên trầm trọng hơn trong những năm tiếp theo khi MU thăng tiến. Nói ngắn gọn, Ferguson đã xây dựng một đế chế ở Old Trafford nhưng sau khi HLV người Scotland buộc phải nghỉ hưu do bệnh tình vào năm 2013, Man City đã trở thành thế lực mới tại Premier League. Sự tầm thường là quá đủ nhưng chứng kiến một trong những đối thủ lớn nhất của mình đắm mình trong vinh quang càng làm họ thêm đau đớn.
Điểm chung của cả MU và Liverpool là thiếu kế hoạch kế nhiệm cho vị trí HLV bỏ trống bất ngờ. Có thể có một số lời bào chữa cho điều này tại Anfield vì Dalglish mới 39 tuổi nhưng đáng ra họ cũng nên xem xét kĩ hơn về tác động của thảm họa Hillsborough đối với sức khỏe tâm thần của ông. Ferguson thì 71 tuổi khi nhiệm kì của ông kết thúc và đó là thời điểm để kết thúc cuộc đời làm việc của ông, đặc biệt là trong một lĩnh vực không ngừng nghỉ như bóng đá.
Kỉ nguyên chiến thắng kéo dài của Liverpool luôn mang tính chất triều đại nhưng sự kế tiếp luôn được duy trì. Họ đã cố gắng tiếp tục truyền thống sau Dalglish với Graeme Souness và Roy Evans nhưng cùng lúc, cách tiếp cận bảo thủ sâu sắc của Anfield trái ngược với thời điểm thay đổi lớn trong bóng đá ở Anh.
MU thì ngược lại. Họ đã nắm bắt các cơ hội thương mại của kỉ nguyên mới và có đủ sức mạnh tài chính để hỗ trợ khả năng của HLV - ít nhất là cho đến khi nhà Glazer tiếp quản. Tuy nhiên, những gì Ferguson xây dựng không phải là một triều đại mà là một chế độ độc tài - và ông không mấy quan tâm đến việc chuẩn bị một người kế vị. Ông để lại chiếc ghế cho David Moyes, người hoàn toàn không phù hợp với vị trí này. Kể từ đó, MU không có bất kì mục đích rõ ràng nào trong việc tìm kiếm một HLV phù hợp. Đó không phải là Louis van Gaal, Jose Mourinho hay Solskjaer. Các mùa giải đang trôi qua. Và một quyết định tồi khác sẽ lãng phí của họ ít nhất mùa giải nữa.
Đã đến lúc thay đổi
Phần lớn sự sa sút là kết quả của cách MU được điều hành. David Gill rời vị trí giám đốc điều hành ngay sau khi Ferguson nghỉ hưu. Gill không bao giờ được thay thế đúng và những quyết định tồi tệ trong hội đồng quản trị đã trở nên quen thuộc ở Old Trafford. Solskjaer đã phải trả giá cho điều này nhưng những người đã tuyển dụng và sau đó gia hạn hợp đồng với một HLV rõ ràng không được trang bị đầy đủ cho vai trò này đáng bị đổ lỗi hơn nữa. Bất cứ ai tin tưởng Joel Glazer và đồng sự để chọn người thay thế Solskjaer đều mắc phải một cơn mơ mộng. Mauricio Pochettino là sự lựa chọn hàng đầu nhưng hầu như không phải là một động thái táo bạo. Những vấn đề về thể chế khiến Van Gaal và Mourinho thất vọng vẫn còn đó và có khả năng khiến HLV người Argentina khó chịu.
Liverpool đã bị bỏ lại phía sau vì MU đã trở thành một quyền lực tài chính ở Premier League mới. Một loạt các sự kiện khác khiến công cuộc phục hưng Anfield trở nên khó khăn hơn trong những năm sau đó. Cuộc cách mạng của Wenger ở Arsenal, sự xuất hiện của Roman Abramovich ở Chelsea và vụ mua đứt Man City của Abu Dhabi đã buộc Liverpool phải chấp nhận lùi về phía sau.
Cục diện bây giờ đã khác khi một tầng lớp các siêu CLB được hình thành và trong tình hình này, MU rõ ràng cần một cuộc đại tu nghiêm túc. Hiển nhiên thì việc họ phải chờ đợi một danh hiệu Premier League lâu như Liverpool là không thể nhưng nếu muốn thành công, họ cần thay đổi. Họ cần có một ban lãnh đạo gắn kết và khôn khéo hơn. Chính sách tuyển dụng nên tập trung vào những cầu thủ có thể cải thiện đội bóng chứ không phải là việc bán áo đấu hay các lượt click trên mạng xã hội. Và như thế, đội hình đã để Solskjaer thất bại phải bị loại bỏ. Sau đó, HLV tiếp theo có thể có cơ hội.
MU có thể học hỏi từ những sai lầm của Liverpool không? Không. Họ thậm chí không thể học hỏi từ chính họ. Solskjaer là một triệu chứng của các vấn đề hơn là nguyên nhân. Mô hình của 8 năm qua cần được phá vỡ thay vì lặp lại tại Old Trafford.
Mạnh Hào