LHP Quốc tế Busan 2015: Sao châu Á sánh bước cùng sao Hollywood
(Thethaovanhoa.vn) - LHP quốc tế Busan (BIFF) 2015, sự kiện điện ảnh có ảnh hưởng nhất châu Á, dự kiến sẽ khai mạc đêm 1/10 tại thành phố cảng Busan. LHP năm nay diễn ra trong bối cảnh doanh thu từ nền điện ảnh trong khu vực ngày càng lấn lướt thị trường điện ảnh toàn cầu.
“Ngày càng có nhiều nhà làm phim từ khắp thế giới quan tâm tới điện ảnh châu Á, cũng như thị trường ở đây” - nữ diễn viên Kang Soo Yeon, đồng Giám đốc LHP quốc tế Busan cùng ông Lee Yong Kwan, cho biết - “BIFF luôn ghi nhận tầm quan trọng của nền điện ảnh châu Á và hỗ trợ các tài năng đang lên trong khu vực”.
Cái nôi nuôi dưỡng tài năng điện ảnh châu Á
Năm nay, sự kiện điện ảnh kéo dài 10 ngày này sẽ được khai mạc với bộ phim chính kịch Zubaan của Ấn Độ. Đây là phim đầu tay của đạo diễn Mozez Singh, xoay quanh một chàng trai trẻ sử dụng âm nhạc để khẳng định vai trò của mình trong xã hội Ấn Độ hiện đại.
Trước đó, BIFF chưa từng chọn phim Ấn Độ chiếu khai mạc. Bởi vậy, việc phim của Singh được chọn cho hoạt động này là bước ngoặt đáng chú ý của BIFF 2015. “Tất cả những gì bạn muốn là làm một bộ phim hay và nó có thể đến được với công chúng khắp thế giới. Busan sẽ mang đến cho phim Zubaan cơ hội này” - Singh xúc động nói.
LHP năm nay sẽ trình chiếu 304 bộ phim đến từ 75 nước, trong đó có 94 phim lần đầu tiên ra mắt khán giả thế giới. Các ngôi sao châu Á như Jun Ji Hyun và Lee Jung Jae của Hàn Quốc, Thang Duy (Trung Quốc) và Trương Chấn (Đài Loan, Trung Quốc) sẽ xuất hiện trên thảm đỏ cùng các ngôi sao Hollywood và châu Âu như Harvey Kietel và Tilda Swinton, Sophie Marceau và Nastassja Kinski.
Theo thống kê của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ, doanh thu phòng vé năm 2014 từ các thị trường điện ảnh lớn nhất châu Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), lần đầu tiên đã vượt doanh thu của thị trường Bắc Mỹ khi đạt mốc 10,5 tỷ USD. Phần lớn trong số đó là nhờ vào sự phát triển mạnh của thị trường Trung Quốc, với mức doanh thu tăng 38% so với năm 2013, đạt mức 4,8 tỷ USD.
Thêm nữa, mức tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm nay đã ở mức hơn 49% và cứ theo đà này thì đến năm 2018, chỉ riêng thị trường Trung Quốc sẽ vượt mặt Bắc Mỹ.
Bệ phóng quan trọng của giới làm phim châu Á
Trong 20 năm lịch sử, BIFF tự hào là nơi khẳng định tên tuổi cho các nhà làm phim, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh trong khu vực và bảo vệ nền điện ảnh độc lập của châu Á.
BIFF là nơi giới thiệu tác phẩm điện ảnh đầu tay của các đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng hiện nay như Bong Joon Ho, Kim Ki Duk và “vua” phòng vé Trung Quốc Phùng Tiểu Cương tới khán giả thế giới.
Thời gian qua, Bong Joon Ho và Phùng Tiểu Cương đã xúc tiến các dự án điện ảnh có sự hỗ trợ kinh phí của Hollywood. Cụ thể, Bong đã tung ra bộ phim gay cấn khoa học viễn tưởng Chuyến tầu băng giá (Snowpiercer - 2013) và hồi năm 2012, Phùng Tiểu Cương làm phim lịch sử Nạn đói năm 1942 (Back To 1942).
Trong khi đó, các chương trình Window on Asian Cinema (Cửa sổ Điện ảnh châu Á) và Korean Cinema Today (Điện ảnh Hàn Quốc ngày nay) tại BIFF được tổ chức nhằm giúp khán giả xác định những tài năng sẽ tỏa sáng trong thời gian tới.
Ở 2 chương trình này có tổng cộng 20 phim lần đầu ra mắt khán giả. Nhiều người đã kỳ vọng vào phim gay cấn hài Bad Guys Always Die của đạo diễn Tôn Hạo. Đây là phim đầu tay của Tôn Hạo, do Hàn Quốc – Trung Quốc hợp tác sản xuất, với sự hỗ trợ của hai nhà làm phim Phùng Tiểu Cương và Kang Je Gyu.
Đạt được những thành công nhất định, song không phải lúc nào chặng đường của BIFF cũng bằng phẳng. Thực tế thì trong 12 tháng qua, các tranh cãi luôn bám theo ban tổ chức sự kiện điện ảnh này. Gần đây Lee Yong Kwan, Giám đốc BIFF, đã bị giới chức Busan gây áp lực, ép phải từ chức, sau khi ông cho chiếu bộ phim với nội dung nhìn lại thảm họa đắm phà Sewol, vốn cướp đi sinh mạng của 300 người.
Hồi đầu năm, BIFF phải chịu thiệt thòi lớn về tài chính, khi Chính phủ Hàn Quốc quyết định cắt giảm tài trợ cho sự kiện điện ảnh này từ 1,4 tỷ won xuống còn 800 triệu won (958.000 USD).
Kang Soo Yeon bày tỏ hy vọng, số tiền thu được từ các bộ phim trình chiếu tại BIFF sẽ bù lại được khoản bị cắt giảm đó. “Điều quan trọng là LHP năm nay phải được nhiều người đón nhận và không gặp phải bất cứ sự rủi ro bất ngờ nào. Sau đó, chúng tôi có thể lên kế hoạch cho 20 năm kế tiếp” - Kang Soo Yeon nói.
Năm nay, giải Nhà làm phim châu Á của năm sẽ được trao cho Hãng phim Ghibli của Nhật Bản. Hãng phim này do bậc thầy phim hoạt hình Hayao Miyazaki sáng lập, từng góp công vào bộ phim hoạt hình Spirited Away (2001) đoạt giải Oscar. |
Việt Lâm (theo AFP)
Thể thao & Văn hóa